Theo Từ điển Nông nghiệp thì:
- Tôm: nhóm thân giáp lớn, gồm nhiều họ, có mức độ phân hóa cao về tổ chức và cấu tạo cơ thể, thuộc bộ Thân giáp mười chân (Decapoda). Kích thước các loại tôm thay đổi từ 1-2cm (như ở họ tôm Sergestidae) đến 75-80cm (như ở họ tôm rồng Palinuridae và tôm hùm Homaridae); khối lượng từ 0,1-0,2g đến 15-19kg/con.
- Tôm nước ngọt cỡ nhỏ dưới 30-50mm, thường được gọi là tép, cỡ nhỏ dưới 15mm (hay có một vệt vàng ở lưng) được gọi là tép riu, sống được ở những vực nước nghèo dinh dưỡng (ao, mương có rong; ruong lua); hay tép giạ, thường trú dưới gốc giạ sau khi gặt lúa.
Tuy nhiên ở Việt Nam một số địa phương thường sử dụng cách gọi theo địa phương mình, nên thường không có sự chính xác, chẳng hạn con tôm là phải to (kích cỡ lớn vài chục gr/1con trở lên), những loại khác nhỏ hơn - thậm chí cùng loại nhưng nhỏ hơn đều được gọi là tép. Cách gọi này rất phổ biến tại các tỉnh ven biển (có thể do tại những tỉnh này thường xuyên được thấy những con tôm to?); nhưng hiện nay do tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam khả quan hơn và các đối tác nước ngoài cũng sử dụng chuẩn xác tên tiếng Anh va tên khoa học của loại tôm mà họ mua (ghi trên bao bì và đơn đặt hàng), chỉ thay đổi kích cỡ mà thôi; do đó người dân các vùng này cũng đã có những thay đổi cách gọi như: tôm thẻ, tôm bạc, tôm sú... và loại nhỏ thì gọi là tép bạc...