Điểm đến tiếp theo là chùa Tam Bảo: "Chùa Tam Bảo được lập bởi bà Dương Thị Oán, ban đầu có kết cấu đơn sơ, vật liệu chính là tre nứa. Trong thời gian bị Tây Sơn truy đuổi Nguyễn Ánh đã từng trú ẩn tại đây và được bà tặng những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển[1]. Chính vì thế sau khi lên ngôi, năm 1803, vua đã ban biển Sắc tứ cho chùa, từ đó, chùa được gọi là Sắc tứ Tam Bảo - 敕賜三寳[2].
Năm 1913, Hòa thượng Trí Thiền được Phật tử địa phương cung thỉnh về trụ trì chùa Tam Bảo. Năm 1915, Hòa thượng cho đại trùng tu lại ngôi chùa với lối kiến trúc còn được lưu lại đến ngày nay.
Năm 1936, Hòa thượng Trí Thiền cùng Sư Thiện Chiếu thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế, chùa Tam Bảo được sử dụng làm trụ sở và cũng là tòa soạn của tạp chí Tiến Hóa. Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai…. Hòa thượng Trí Thiền giữ chức Chánh tổng lý của Hội.
Từ năm 1940, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân biến chùa Tam Bảo thành địa điểm liên lạc và là nơi cất giấu vũ khí tự tạo cùng tài liệu, truyền đơn chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Tháng 6 năm 1941, do bị chỉ điểm, Pháp khám xét chùa, Hòa thượng Trí Thiền, Sư Thiện Ân bị Pháp bắt. Ra Tòa Đại hình, Hòa thượng Trí Thiền bị kết án 5 năm đày Côn Đảo, Sư Thiện Ân bị kết án tử hình. Tại Côn Đảo, năm 1943, Hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực phản đối chế độ lao tù khắc nghiệt và mất trong ngục.
Sau khi Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân bị bắt, chùa Tam Bảo bị đóng cửa, không ai được lui tới. Sau Cách mạng tháng 8, chùa mới được mở cửa lại. Tăng tín đồ Phật tử và nhân dân tổ chức một lễ cầu siêu lớn tại chùa để cầu nguyện cho Hòa thượng Trí Thiền, Sư và các đồng chí đã chết vì đạo pháp và dân tộc. Năm 1996, Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân được truy nhận là liệt sĩ."