Nói kiểu hàn lâm, phức tạp, rồi minh họa nến này nến kia, chỉ báo này chỉ báo khác, nền đen nền trắng kẻ xanh kẻ đỏ thì nhìn vào đã thấy rất phức tạp. Nôm na, đó là đúc kết từ thống kê, từ kinh nghiệm, như bất cứ loại dự báo nào khác. Các cụ làm nông xưa bảo "chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm". Nói như vậy không có nghĩa 100% bay thấp thì mưa, chưa nói tới độ cao bao nhiêu thì là "thấp", chuồn chuồn kim hay chuồn chuồn ngô. Chính việc dùng con mắt, kiến thức, cảm nhận chủ quan của nhà đầu tư để đánh giá dựa và cân đối tổng thể, vượt trên những con số/tính toán khoa học, làm cho PTKT còn được cho rằng mang tính "nghệ thuật". Sử dụng PTKT là dự đoán xác suất sự kiện xảy ra cao nhất, trên dữ liệu quá khứ và hiện tại.
Người dùng PTKT để tìm điểm mở/đóng lệnh không phải thày bói mà biết chính xác đỉnh là bao nhiêu, đáy là bao nhiêu, xảy ra vào ngày nào. Mà người ta áp dụng xác suất để bắt đầu mở lệnh, và sau đó gia tăng tỷ lệ đặt cược/thêm tiền khi xác suất đúng/xác suất thắng tăng lên. Ví dụ bắt đầu có xác suất tăng giá cao thì mở lệnh mua trị giá 1 đồng, mỗi lần giá vượt kháng cự thì cược thêm 1 đồng, bình quân giá lên là cách tăng tỷ lệ cược/thêm tiền khi giá tăng. Nếu giá giảm xuống dưới mức hỗ trợ thì xem xét cắt lỗ/chốt lãi, bởi vì lúc này xác suất thua tăng lên.
Vì thế cho nên hỏi chính xác đỉnh là bao nhiêu, đáy là bao nhiêu, xảy ra vào ngày nào là điều cực kỳ vớ vẩn. Bản thân mọi nhà đầu tư/đầu cơ vào lệnh đều với tư tưởng không đoán đỉnh, đoán đáy thị trường. Bắt đầu mở vị thế khi có tín hiệu mua (xác suất tăng giá tăng lên), và đóng vị thế khi cho tín hiệu bán (xác suất giảm giá tăng lên). Tại sao lại cứ phải nếu/thì, chứ không phải chắc chắn, thì bất cứ ai bước chân vào giao dịch đều hiểu, không bao giờ đặt những câu hỏi dở hơi cả.