Thị trường chứng khoán có thêm cổ phiếu “lạ” Bỏ qua nhiều lời đàm tiếu, cổ phiếu AAA vẫn tạo ra kỷ lục mới trên thị trường khi gần nửa khối lượng cổ phiếu đang lưu hành được chuyển nhượng trong một phiên giao dịch nhạy cảm.
http://www.atpvietnam.com:81/atpforum/viewforum.php?f=12&sid=3236c8bdf35a18008c6d28efbd45528bCổ phiếu của công ty nhựa An Phát (AAA) đang là chứng khoán thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Giá AAA tăng nhiều phiên liên tục từ 43.000 lên hơn 90.000 đồng trong vòng một tháng (từ giữa tháng 8 đến 17/9).
Trước đó, có thông tin công ty này từ chối bán 25% cổ phần cho một đối tác chiến lược Nhật Bản (Maruzen Kanri Kaihattsu Co. Ltd) với giá 40.000 đồng một cổ phiếu vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Hội đồng quản trị đã hướng dẫn đối tác Nhật làm thủ tục chào mua công khai trên sàn với Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Sau đó, không có thông tin nào được công bố thêm về việc chào mua công khai của đối tác Nhật.
Ngay sau đó, cổ đông lớn nhất của AAA là Công ty cổ phần đầu tư Tam Sơn công bố bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu mình nắm giữ trong thời gian từ 25/8-20/9. Việc cổ đông lớn nhất bán toàn bộ cổ phiếu nắm giữ (chiếm hơn 30%) mà giá AAA vẫn tăng liên tục là một hiện tượng lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngày 20/9 – ngày cuối cùng Công ty Tam Sơn bán cổ phiếu đồng thời là ngày đầu tiên AAA giảm sàn sau nhiều phiên tăng liên tục. Sau đó, giá tiếp tục lao dốc nhiều phiên và thanh khoản sụt giảm. Lượng giao dịch mỗi phiên đang từ trên 500.000 đơn vị, tụt xuống vài chục nghìn và chỉ còn 7.600 cổ phiếu vào ngày 27/9. Vì những biến động khác thường trên, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu công ty phải giải trình về việc giá giảm sàn 5 phiên liên tục.
Trong thời gian này, tin đồn hội đồng quản trị AAA đưa công ty lên sàn và câu kết với "đội lái" để làm giá lan tràn khắp thị trường. Thế nhưng, cùng thời gian với việc giá giảm liên tiếp, tài khoản của một số nhà đầu tư VIP tại hàng loạt công ty chứng khoán bị “cháy” bởi chính AAA.
Nguồn tin từ 2 công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết, các khách hàng VIP của họ dùng đòn bẩy tài chính để mua vào AAA. Khi giá giảm mạnh, họ bị “cháy” tài khoản (giá cổ phiếu giảm quá số tiền nhà đầu tư có) nhưng không chịu nộp tiền vào để “chữa cháy”.
Đáng lưu ý, hiện tượng “cháy” tài khoản và không chịu nộp thêm tiền vì một cổ phiếu diễn ra đồng loạt tại nhiều công ty chứng khoán. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó. Điều này đã dẫn tới tin đồn, các “lái tàu” chơi xỏ công ty chứng khoán khi ép các tổ chức phải ôm cổ phiếu AAA đang trên đà tụt dốc.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội có nhà đầu tư VIP "cháy" tài khoản bởi AAA đã phủ nhận tin đồn trên. Ông này còn cho rằng: “Không có chuyện hội đồng quản trị của AAA đứng sau vụ ‘xù tiền’ này bởi họ không phải là những người ấu trĩ như vậy”. Ông này thừa nhận việc hàng loạt công ty chứng khoán xả hàng AAA để giải chấp dẫn tới giá tụt dốc không phanh dẫn tới "tự bắn vào chân mình" nhưng không làm không được.
Ông Phạm Ánh Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty An Phát cũng phủ nhận những tin đồn liên quan đến sự tham gia của hội đồng quản trị vào biến động giá AAA trên thị trường.
Một nhà đầu tư cỡ bự tại Hà Nội nhận xét: “Không thể có chuyện hội đồng quản trị AAA lừa các ‘lái tàu’ (các nhà đầu tư VIP chuyên làm giá cổ phiếu) và sau đó là công ty chứng khoán cũng bị vạ lây. Các nhà đầu tư VIP chẳng dại đến mức để cho người khác xỏ mũi dễ dàng như thế”.
Chị này phân tích, về mặt bản chất, trong vụ "lái" cổ phiếu AAA, có khả năng là một vài thành viên đã xả hàng trước và không theo lộ trình khiến cho những người còn lại bị động. Khi giá tụt dốc mà những thành viên ở lại không đủ tiền để đỡ thì sẽ bị công ty chứng khoán bán giải chấp.
Thế nhưng, việc hàng loạt các công ty bán giải chấp không những làm “cháy” tài khoản của “đội lái” mà còn dẫn tới tình trạng “giẫm đạp lên nhau mà chạy” làm mất thanh khoản của AAA. “Nếu công ty chứng khoán nào cũng bán giải chấp thì ai sẽ là người đứng ra mua khi mà các ‘lái tàu’ đã hết tiền?”, đại gia chứng khoán này phân tích.
Một lãnh đạo cấp cao của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thì cho biết: “Biến động giá của AAA cũng có điểm bất thường và chúng tôi đã yêu cầu giải trình”. Tuy nhiên, theo vị này, chưa thể khẳng định có sự thao túng hoặc có sự cấu kết để xả hàng vào người khác hay không. Lý do là không thấy có ai đứng ra nói mình là “người bị hại”, kể cả các công ty chứng khoán mà toàn là tin đồn bên ngoài.
Tuy nhiên, trong khi những thông tin còn rất khó hiểu từ vụ tăng giảm khó lường của AAA chưa được giải đáp đầy đủ thì cổ phiếu này vừa tạo ra một kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán vào ngày 28/9. Trong phiên giao dịch này, hơn 4,5 triệu cổ phiếu – tương đương 50% tổng khối lượng cổ phiếu đang được lưu hành của công ty, đã được sang tay. Đây là tỷ lệ chuyển nhượng kỷ lục trên tổng số cổ phiếu được lưu hành từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán.
Phó tổng giám đốc của một công ty chứng khoán tại Hà Nội thì cho rằng: “AAA đang được thay máu bởi những ‘tay to’ mới bởi không có nhiều nhà đầu tư cá nhân dám nhảy vào với trị giá lớn như vậy khi giá cổ phiếu đang tụt dốc nhiều phiên cộng những tin đồn khá tiêu cực. Một chu kỳ biến độ khó lường mới với AAA lại bắt đầu”. Trong phiên giao dịch ngày 30/9, giá AAA đột ngột tăng trần lần đầu tiên sau 8 phiên giảm sàn liên tục.
Công ty nhựa An Phát có vốn điều lệ là 99 tỷ đồng, lên sàn Hà Nội vào ngày 15/7/2010 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 48.700 đồng một cổ phiếu. Khi làm hồ sơ niêm yết , AAA có 101 cổ đồng - vừa đủ con số để có thể trở thành công ty đại chúng và được lên sàn chứng khoán. Trong số các cổ đông nắm giữ trên 5% vốn điều lệ, ngoại trừ cá nhân ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là chưa được quyền bán cổ phiếu, 4 cổ đông lớn còn lại (đều là tổ chức) đã bán gần như toàn bộ số cổ phiếu AAA mà họ sở hữu.
Nguồn:
http://forum.sanotc.com/222038p156/vnindex-duong-den-thang-long.aspx