Trong tiểu mục “Lịch sử các Index” của một số công ty chứng khoán hôm nay, mức thấp nhất của HASTC-Index đã có thay đổi.
Ngày 10/6/2008, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 3 năm hoạt động, chỉ số HASTC-Index xác lập đáy thấp nhất với 107,76 điểm.
Và hôm nay, một lần nữa “kỷ lục ngược” được xác lập khi HASTC-Index giảm mạnh, mất 6,39 điểm, xuống còn 105,19 điểm (giảm tới 5,73% so với phiên trước).
So với mức điểm cao nhất từ trước tới nay, 459,36 điểm của ngày 19/3/2007, chỉ số HASTC-Index hiện đã giảm tới 354,17 điểm, hiện chỉ còn cách vạch xuất phát một bước nhỏ (mức cơ sở 100 điểm của phiên đầu tiên).
Kết quả trên có từ một phiên lao dốc mạnh của trên 90% cổ phiếu niêm yết tại đây. Đóng cửa, chỉ có được 3 cổ phiếu tăng giá nhẹ, 1 mã giữ giá tham chiếu và 8 mã không có giao dịch; còn lại hầu hết đều hướng giá sàn.
Các cổ phiếu có vai trò dẫn dắt thị trường phiên này đều tiếp tục mất giá mạnh. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dưới mệnh giá đang có nguy cơ tăng lên, khi qua phiên này nhiều thành viên có thị giá chỉ cách mệnh giá một phiên giảm sàn nối tiếp.
Khối lượng giao dịch tại đây cũng giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước, đạt 7,67 triệu cổ phiếu, trị giá 179,86 tỷ đồng.
Tương tự, trên sàn Tp.HCM cũng là một phiên giảm điểm mạnh mẽ. VN-Index giảm gần hết khả năng với đà giảm thể hiện ngay từ đầu phiên.
Đợt 1, VN-Index giảm ngay 15,68 điểm, ứng với tỷ lệ giảm 4,54%, còn 329,43 điểm. Đà giảm này duy trì đến kết thúc phiên. Hiện chỉ số này chỉ còn 329,28 điểm, giảm 15,83 điểm (4,58%).
Kết quả trên có từ quyết định bán ra đồng loạt của nhà đầu tư. Trên bảng điện tử, dư bán lại tràn ngập, dư mua thưa thớt. Khối lượng giao dịch thành công phiên này vẫn được duy trì gần với những phiên liền trước, toàn phiên đạt 14,7 triệu đơn vị, ứng với giá trị 477,1 tỷ đồng.
Về giá chứng khoán, trên sàn chỉ còn lại 5 mã tăng giá, trong đó có 2 mã tăng trần, gồm ACL, BT6, COM, NKD và SDN. Còn lại có tới 157 mã giảm, phần lớn giảm giá sàn; 2 mã ở giá tham chiếu.
Sức giảm mạnh của VN-Index hôm nay có từ sự níu kéo của tất cả các cổ phiếu lớn. Những blue-chip như DPM, FPT, HPG, ITA, PPC, PVD, SSI, STB, VIC, VNM, VPL hay những tên tuổi lớn như REE, SAM, SJS, KDC… đều đồng loạt giảm giá sàn.
Về diễn biến trên, theo bình luận của một công ty chứng khoán, tâm lý bi quan đã thực sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới đầu tư. “Dường như thị trường chỉ có thể có dấu hiệu phục hồi khi có xu hướng và tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới”.
Một yếu tố tác động cụ thể đến tâm lý đó là hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong ba tuần qua, mặc dù khối lượng bán ròng không lớn (trung bình khoảng 60 tỷ đồng/phiên). Tính từ đầu tháng 10 tới nay khối đầu tư nước ngoài đã bán 1.879 tỷ đồng cổ phiếu, chênh lệch bán ròng cổ phiếu khoảng 927 tỷ đồng.
Và trong phiên hôm nay, khối lượng đã giảm bớt nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ra gấp đôi lượng mua vào; bán hơn 1,86 triệu cổ phiếu với 69 tỷ đồng, mua 0,92 triệu cổ phiếu với hơn 29,6 tỷ đồng.
Trước diễn biến trên, nhận định chung của thị trường là vai trò của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các tổ chức cần thể hiện rõ hơn. Nhưng theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), các tổ chức trong nước dường như vẫn ngoài cuộc hoặc tăng bán. Lực cầu hiện nay chủ yếu có từ nhà đầu tư cá nhân và thị trường có thể vẫn chưa thể hồi phục.