Lại giở trò này
Rắc rối giữa việc công bố EPS của doanh nghiệp và tính toán của nhà đầu tư về EPS của cổ phiếu DTC của CTCP Viglacera Đông Triều.
Công bố trong Báo cáo tài chính của CTCP Viglacera Đông Triều, EPS của công ty là 23.039 đồng, tuy nhiên có ý kiến cho rằng con số EPS thực tế chỉ bằng 1/2 con số đó.
Cốt lõi của vấn đề này là sự khác biệt trong cách tính lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân giữa con số mà DTC đưa ra và cách tính nhà đầu tư dựa theo Quy ước của HoSE.
Ngày 14/10/2008, DTC chốt quyền để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 (mỗi cổ đông được nhận 1 cổ phiếu mới) qua đó tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ lên 10 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của DTC, công ty đã tính lượng cổ phiếu bình quân là 541.666 cổ phiếu. Với lợi nhuận sau thuế năm 2008 là 12,48 tỷ đồng, công ty đã tính ra EPS đạt 23.039 đồng.
DTC đã tính lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trên cơ sở :
* Từ 1/1 - 30/11/2008: có 500.000 cổ phiếu đang lưu hành thực tế, tương ứng với vốn điều lệ 5 tỷ đồng
* Từ 1-31/12/2008: có 1.000.000 cổ phiếu đang lưu hành thực tế, tương ứng vốn 10 tỷ đồng.
Tính bình quân gia quyền với trọng số ngày tương ứng, sẽ được lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân là 541.666 theo như con số trong báo cáo tài chính của DTC.
Đó là theo cách hiểu của doanh nghiệp, căn cứ theo tiến trình tăng vốn thực tế.
Tuy nhiên, trên quan điểm phản ánh đúng thay đổi chỉ số P/E của doanh nghiệp, thì việc tính lượng cổ phiếu đang lưu hành bình quân phải có sự hồi tố từ thời điểm chốt quyền hưởng cổ tức trở về trước. Hệ số hồi tố được tính toán trong các trường hợp phát hành cổ phiếu cho tất cả cổ đông hiện hữu mà có yếu tố thưởng (trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu, phát hành quyền mua cho cổ đông).
Lượng cổ phiếu đang lưu hành thực tế tại thời điểm trước ngày xảy ra sự kiện cần phải được nhân với hệ số hồi tố trước khi tính toán khối lượng cổ phiếu lưu hành bình quân. Đây cũng là cách tính mà theo chuẩn mực Kế toán quốc tế số 33 (IAS33) mà HoSE đang áp dụng.
Vốn điều lệ bình quân của DTC theo cách tính này sẽ bằng đúng bằng vốn điều lệ cuối kỳ là 10 tỷ đồng. Tính theo đó, EPS của DTC sẽ chỉ còn 12.480 đồng. (12,48 tỷ đồng chia cho 1 triệu cổ phiếu). Vốn điều lệ bình quân cả năm bằng đúng số cuối kỳ mặc dù doanh nghiệp tăng vốn lên gấp đôi. Nghe thì có vẻ không hợp lý nhưng nó sẽ đảm bảo được P/E của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng từ việc phát hành thêm cổ phiếu bằng trả cổ tức.
Ngoài trường hợp của DTC, nếu trong năm các doanh nghiệp chỉ có trả cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu thì số cổ phiếu lưu hành bình quân cũng chính là số cổ phiếu đang lưu hành cuối kỳ
Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định và thông tư về tính EPS nhưng chưa đề cập đến việc tính EPS trong trường hợp phát hành quyền mua cổ phiếu mới, cũng như trả cổ tức bằng cổ phiếu, sáp nhập cổ phiếu... Do đó, cũng không thể nói phía DTC đã công bố sai chỉ tiêu EPS của mình.
Tuy nhiên, cách tính toán có sử dụng hệ số hồi tố sẽ phản ánh được chính xác hơn EPS cũng như P/E của cổ phiếu khi phát sinh những trường hợp như trên. Do đó nhà đầu tư cần thận trọng trước những số liệu EPS mà doanh nghiệp công bố.
Trong thời gian tới, CafeF sẽ tính toán và công bố những chỉ số EPS có tính tới hệ số hồi tố để giúp nhà đầu tư có được những đánh giá đúng nhất về hệ số P/E của doanh nghiệp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, cổ phiếu DTC đóng cửa ở mức 47.700đồng. Với EPS là 12.480 đồng thì P/E của cổ phiếu này là 3,8.