Phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho Vinashin
Cập nhật lúc 06:53, Thứ Bảy, 14/11/2009 (GMT+7)
,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định về việc phát hành trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Theo Quyết định do Thủ tướng ký ngày 13/11, Chính phủ sẽ phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 5 - 10 năm (loại trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) để đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Công ty đóng tàu Phà Rừng và dự án đầu tư nâng cao năng lực đóng tàu 70.000 DWT của Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hạ Long.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Vinashin thực hiện việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh này.
Năm 2005, Chính phủ đã phát hành 750 triệu USD trái phiếu ra nước ngoài và cũng dùng toàn bộ số vốn này đầu tư cho các dự án của Vinashin.
Tuy nhiên, tại cuộc giao ban báo chí ở Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 10/11 vừa qua, Tổng Giám đốc nội chính Vinashin, ông Ngô Thế Việt cho hay việc sử dụng 750 triệu USD của Bộ Tài chính và 600 triệu USD của nước ngoài chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đầu tư.
Trước thông tin Vinashin thiếu vốn nên nợ dây dưa, ông Ngô Thế Việt khẳng định, vấn đề thiếu vốn là do vốn pháp định nhà nước đầu tư vào tập đoàn thời gian qua là rất ít, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Cạnh đó là tác động của khủng hoảng kinh tế khiến dòng vốn lưu động bị cắt đột ngột, một số chủ tàu giãn hoặc không trả, có tàu bị hủy hợp đồng...
Ông Việt cũng giải trình các vấn đề khác nhằm làm rõ thông tin báo chí đã nêu vừa qua.
Một là về vấn đề đóng tàu dầu 105.000 Dwt, kho nổi chứa dầu FSO5 chậm, chưa bàn giao do đây là tàu có tải trọng lớn, tính năng kỹ thuật cao, rất phức tạp trong khi Việt Nam có ngành đóng tàu còn non trẻ, hạ tầng thiếu đồng bộ, nhân lực thì vừa học vừa làm vừa đào tạo.
Sự thất bại của việc đầu tư tàu Hoa Sen chạy tuyến Bắc - Nam được giải thích là phải đầu tư tối đa ba, bốn cặp thì mới phát huy tối đa hiệu quả và do xã hội chưa nhận thức đầy đủ tính ưu việt của phương thức vận tải này vì là một phương thức vận tải mới bằng đường biển.
Về một số nợ không trả được cho bên B tại Khu kinh tế Hải Hà (Móng Cái, Quảng Ninh) là do tranh chấp kinh tế giữa các công ty làm cho dư luận, báo chí hiểu nhầm về giá trị thanh toán.
Theo kết quả giám sát vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tuần qua, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinashin là 10,9 lần. Số nợ quá hạn của tập đoàn này là hơn 3.800 tỷ đồng (chiếm 91,4% tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn).
“Ban Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Vinashin xin trân trọng báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ định hướng thông tin, định hướng dư luận, đăng tải nhiều thông tin tốt, việc tốt, doanh nghiệp tốt, động viên, khích lệ, lấy lại niềm tin cho tám vạn cán bộ, công nhân viên tập đoàn, giúp cho Vinashin vượt qua khó khăn, thách thức...” (Tổng Giám đốc nội chính Vinashin Ngô Thế Việt).
Tập đoàn Vinashin, mẹ của con tàu ma nè các cụ