Kể từ cuối tháng 9, ngân hàng chỉ được phép dùng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 40% như trước đây. Quy định được ban hành khi bắt đầu có những lo ngại về thanh khoản trong hệ thống.
Sau 26/9, ngân hàng sẽ không được dùng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn nếu vượt trần quy định. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hôm nay ký ban hành Thông tư số 15/2009/TT-NHNN, quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, trừ quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Theo đó, các ngân hàng thương mại được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Tỷ lệ tương tự cũng áp dụng với công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. Còn quỹ tín dụng nhân dân trung ương chỉ được sử dụng 20%.
Năm 2005, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành quy định về vấn đề này, trong đó cho phép ngân hàng thương mại được dùng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các tổ chức tín dụng khác thực hiện theo tỷ lệ 30%. Thông tư mới ban hành cũng quy định cụ thể hơn về các nguồn vốn ngắn hạn, nguồn vốn trung hạn, dài hạn của tổ chức tín dụng và cách xác định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Kể từ ngày thông tư có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng có tỷ lệ vượt trần cho phép không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn và phải có biện pháp, kế hoạch điều chỉnh để đảm bảo đến ngày 1/1/2010 phải tuân thủ đúng tỷ lệ quy định.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thực tế thực hiện của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong thời gian qua về tỷ lệ khả năng chi trả còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tình hình huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các rủi ro tiềm ẩn do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng cho vay trung dài hạn nhằm giúp tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn thanh khoản, đặc biệt là trong điều kiện chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế hiện nay.