http://vn.myblog.yahoo.com/anh-truong
Trương Đình Anh viết bài hay phết
Chỉ sau vài tháng suy thoái, chỉ số chứng khoán VnIndex đã sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Từ chỗ nhà nhà hào hứng lên sàn, giờ đây sàn chứng khoán đìu hiu hơn một phiên chợ chiều. Thậm chí nhiều người không buồn tới nhận cổ tức vì chúng quá còm cõi so với số vốn đã đầu tư.
VnIndex sụt từng ngày theo biên độ 1%, 2%, tạo thành một áp lực tinh thần đè nặng lên các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán, các ngân hàng. Như một người bị bóp cổ, cái chết đến một cách từ từ, hiện hữu, không lối thoát.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, có khi chịu đựng một cú đột quỵ hay một ngày thứ ba đen tối còn dễ chịu hơn nhìn vốn đầu tư của mình bị mài mòn dần dần.
Đột quỵ rồi còn có cơ may hồi sinh, ngã xuống vực rồi còn có cơ hội leo lại dốc chứ chết từ từ là một sự đày đọa thể xác đến tận cùng, như hình phạt tùng xẻo thời phong kiến.
Cơn sốt chứng khoán những năm 2006, 2007 đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị bội thực. Hàng loạt các công ty lớn được cổ phần hóa, được IPO đã nhanh chóng biến hàng trăm ngàn nhà đầu tư, cán bộ điều hành trở thành triệu phú.
Trong một ngữ cảnh nào đó, chuyện này giống như nhà nông bán đất hương hỏa hay một anh nghèo bỗng phát hiện ra chiếc bình hoa trên bàn thờ tổ là một cổ vật quý hiếm.
Đối với một nền kinh tế mới lớn như Việt Nam, việc đột nhiên xuất hiện vài trăm ngàn người giàu có cũng nguy hiểm tiềm tàng như cơn bão cấp mười hai đổ vào miền Trung làm vài trăm ngàn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Cơn bão nhiệt đới cướp đi sinh mạng, hủy hoại tài sản, làm mất nhà cửa, khiến cho khan hiếm lương thực và mọi hàng hóa đều trở nên đắt đỏ.
Cơn bão tiền tệ cũng vậy.
Giả sử trong điều kiện kinh tế trước đây, chúng ta có nhu cầu tiêu thụ và khả năng cung cấp một triệu cái bánh mỳ, mười ngàn căn hộ, một ngàn cái xe hơi,
giá cả bình ổn. Thì nay, với làn sóng người giàu lên quá nhanh từ chứng khoán, nhu cầu bỗng dưng tăng gấp đôi, gấp ba.
Trước đây chưa có điều kiện, chúng ta chỉ ăn một cái bánh mỳ, nay rủng rỉnh, ta xơi hai cái. Trước đây ta dự định 3 năm nữa mua nhà, 5 năm nữa mua xe thì nay ta tậu nhà ngay, mua xe gấp cho nó theo kịp thời đại, cho nó bằng bạn bằng bè.
Dòng tiền từ các Quỹ đầu tư nước ngoài liên tục rót vào túi các nhà đầu tư thứ cấp, biến thành xe, thành nhà, thành các món đồ xa xỉ thì nhiều mà thúc đẩy sản xuất thì ít.
Đồng tiền dễ dàng đó tạo nên một xã hội giàu có và phồn thịnh giả tạo. Đồng tiền dễ dàng làm cho hàng trăm ngàn người giàu lên và cũng làm hàng trăm ngàn người mất đi động lực làm việc.
Chúng ta cứ tưởng tượng, chứng khoán mỗi phiên tăng 5%, một tuần có thể tăng 25% thì liệu trên đời này có một công việc làm ăn chân chính nào bì kịp?
Suy thoái tinh thần làm việc xảy ra ở tất cả các công ty niêm yết, nhiều cán bộ quản lý đã rời khỏi công việc vì bây giờ giàu quá rồi, việc gì phải ép xác làm việc 8 tiếng mỗi ngày mà lương thưởng cả năm không bằng một tuần chứng khoán tăng giá.
Tất cả mọi thứ đều tăng giá, đều trở nên khan hiếm. Giá sinh hoạt tăng vài chục phần trăm, giá nhà đất được đẩy lên vài lần. Một người bạn tôi mua căn biệt thự Phú Mỹ Hưng cách đây 2 năm giá 13 tỷ thì trong cơn sốt rao bán 55 tỷ mà người hỏi mua vẫn nườm nượp. Ai cũng sợ bán rồi thì ngày mai sẽ hớ.
Với đồng tiền dễ kiếm, các đại gia ùn ùn chơi siêu xe, chơi phi cơ. Tuần nào trên báo chí cũng đăng hình những con xe mới, con sau đắt hơn, xịn hơn con trước và những con xe ở cuối cuộc đua đã trị giá tới 1.5 triệu USD. Sở hữu siêu xe, phi cơ trở thành niềm tự hào và thể hiện đẳng cấp đại gia. Hàng tỷ USD đã biến thành xe.
Dòng tiền từ các Quỹ đầu tư tạo thành vòng xoáy chứng khoán chảy xiết và cuốn theo mọi đồng tiền nhàn rỗi trong xã hội. Từ bà nội trợ đến anh công chức, ai cũng đổ lên sàn để giành lấy cơ hội cho mình. Ai cũng sợ lỡ chuyến tàu chứng khoán, ai cũng mong có dịp đổi đời, ai cũng sẵn sàng dốc túi.
Vòng xoáy khiến mọi chứng khoán đều lên giá ầm ầm, bất chấp công ty đó có ăn nên làm ra, có khả năng hấp thụ đồng vốn, có triển vọng dài lâu. Người bạn làm cho một Quỹ đầu tư thốt lên Ở Việt Nam, mọi lý thuyết đầu tư đều sai khi nhà nhà lên sàn.
Hàng ngàn công ty phát hành thêm cổ phần để gọi vốn mà không có trong tay bất kỳ một dự án đầu tư tử tế nào. Phát hành đơn giản là để thu về hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ thặng dư vốn. Các cổ đông cũ, mới đều hỉ hả khi các công ty hứa hẹn sẽ chia cổ phần mới, một đồng ăn n đồng mà không hiểu rằng đó cũng chính là tiền của mình, rằng mình đang tham gia vào một trò chơi đa cấp, nơi mà ma mới nộp tiền nuôi ma cũ.
Rồi đến lượt các công ty cũng choáng váng khi trong tay có số vốn lớn gấp nhiều lần cùng áp lực phải làm ra tiền nhanh hơn nữa. Cổ đông đều kỳ vọng vào những mức lợi nhuận hàng trăm phần trăm, mức lợi nhuận mà có đi buôn ma túy cũng không được. Không ngành sản xuất thương mại nào có thể đáp ứng nổi cơn thèm này.
Để thỏa mãn cơn khát, các công ty chỉ còn một con đường là đầu tư tài chính, là đầu tư bất động sản, là lập ngân hàng. Các công ty xa rời ngành nghề cha sinh mẹ đẻ của mình để dấn thân vào một lãnh địa mới đầy nguy hiểm, nơi mà thổ công, hà bá còn nhiều hơn những người bình thường.
Hậu quả tất yếu là nền kinh tế nhập siêu ở mức độ chưa từng thấy. Việt Nam đã dịch chuyển quá nhanh từ một nước chân lấm tay bùn thành một xã hội tiêu thụ trong khi vẫn đứng trên một nền tảng sản xuất lạc hậu. Đôi chân đó có thể sẽ không cõng nổi sức nặng của cái bụng bự.
Và rồi vòng xoáy bỗng đột nhiên dừng lại sau khi đã bòn rút đi cả những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng giấu kín tận đáy tủ. Cơn bão tan, nước rút đi chỉ để lại rác rưởi, dịch bệnh và những con người không còn khí lực, những con người đã hoặc sắp mất hết tài sản.