Ưu tiên chống lạm phát, hy sinh chứng khoán?
Chứng khoán gặp khó khi NHNN phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc để hút tiền về.
Chống lạm phát phải thắt chặt tín dụng hút tiền về, trong khi cứu thị trường chứng khoán phải nới lỏng tín dụng bung tiền ra. Đó là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau, mà ngân hàng Nhà nước không thể cùng lúc thực hiện cả hai.
Tuần qua, ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông báo phát hành bắt buộc tín phiếu ngân hàng Nhà nước nhằm hút bớt tiền ra khỏi lưu thông, kiềm chế lạm phát. Tổng giá trị tín phiếu phát hành bắt buộc đợt này lên tới 20.300 tỉ đồng, kỳ hạn là 364 ngày, lãi suất là 7,80%/năm.
Thông báo kể trên như một lần nữa khẳng định, chính phủ ưu tiên chống lạm phát, hơn là giải cứu thị trường chứng khoán - một chính sách ưu tiên hợp lý, theo nhận xét của một số chuyên gia.
Với tình hình lạm phát tiếp tục gia tăng như hiện nay thì ngân hàng nhà nước buộc phải kiềm chế tốc độ tăng trưởng của tín dụng trong năm nay không quá 30%. Vì chính sự gia tăng của tín dụng lên mức 40% trong năm qua đã góp phần đẩy lạm phát, một cán bộ cấp cao của ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. Bởi nếu không kiềm chế được lạm phát, thành quả tăng trưởng có thể bị triệt tiêu.
Về mặt tác động kinh tế xã hội, thị trường chứng khoán... lình xình có thể gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong việc huy động vốn đầu tư qua kênh chứng khoán. Và qua đó, gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.
Thị trường chứng khoán lình xình cũng tác động trực tiếp đến túi tiền của các nhà đầu tư chứng khoán. Nhưng nhìn trên bình diện rộng hơn, lạm phát và giá cả leo thang sẽ tác động mạnh đến sức chịu đựng của cả nền kinh tế và người dân.
Đặc biệt là 80% dân số có thu nhập thấp ở nông thôn, mà trong cơ cấu chi tiêu phần lớn dành cho lương thực thực phẩm trong khi nhóm ngành hàng này đã tăng giá trên 20% trong vòng một năm qua.
Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN thay thế cho chỉ thị 03 về hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán khi mới ban hành, nhà đầu tư chứng khoán lầm tưởng là biện pháp nới rộng cho vay chứng khoán nhằm giải cứu thị trường, nhưng thực chất đây lại là quyết định siết chặt cho vay chứng khoán.
Quyết định này ra đời trong bối cảnh nhiều tổ chức lên tiếng kêu gọi giải cứu thị trường, cũng đã chứng tỏ ngân hàng Nhà nước không thể có lựa chọn nào khác: phải ưu tiên chống lạm phát, hơn là giải cứu thị trường chứng khoán.
Theo Q.V
Báo SGTT
:102: :102: :102: :102: :102: :102: :102: :102: :102: :102: :102: