VAFI đang cay mũi bọn PVN cổ đông giữ 65% cổ phần của DPM và đã chính thức gửi bản kiến nghị. Tình cảnh hội này đang bi bét quá, đầu tư vào DPM mà toàn bị bọn PVN nó ép, mới đây nó ra biểu quyết xin 100tỷ của DPM về làm từ thiện - ông giữ 65% thì bố ai còn át nổi ông nửa, biểu quyết làm họ gì
Đây cũng là tình trạng đang có trong rất nhiều cty niêm yết với phần vốn góp nhà nước. Nhiều nhà đầu tư đã tức giận, chấp nhận lỗ lớn để bán tháo chứng khoán - không chơi kiểu đè nén nhau thế. Em cũng còn giữ 600 cổ của cu này
Sau đây là toàn văn kiến nghị của VAFI, điên rồi đấy:
Kính gửi : Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí ( DPM )
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ( PVN)
Liên quan tới văn bản số 175/PBHC-HĐQT ngày 21/10/2008 của HĐQT DPM lấy ý kiến các cổ đông để quyết định chi 100 tỷ đồng chuyển cho PVN để làm công tác từ thiện, theo đề nghị của nhiều hội viên VAFI và các nhà đầu tư, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam có ý kiến như sau :
1/ VAFI hoàn toàn ủng hộ chủ trương của DPM và PVN về việc các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào chương trình hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn nhằm thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trước xã hội và cộng đồng, tuy nhiên việc chi đột xuất 1 khoản tiền lớn như vậy cần phải có sự bàn bạc kỹ luỡng từ Đại hội cổ đông nhằm tập hợp trí tuệ của tất cả các cổ đông để đảm bảo chương trình hỗ trợ có hiệu quả cao và mang tính lâu dài . Việc lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp PVN chiếm 65%vốn điều lệ của DPM chỉ mang tính hình thức, không dân chủ và không lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của các cổ đông, hơn nữa HĐQT của DPM chưa trình ĐHCĐ về qui chế tài chính tài trợ cho hoạt động từ thiện để làm căn cứ chi tiêu và giám sát .
2/ Khi đề xuất chi 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, HĐQT DPM căn cứ vào những lý do như : DPM được duy trì chính sách ưu đãi về giá khí nguyên liệu đầu vào của nhà nước trong 3 năm sau cổ phần hoá ; DPM được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp một số năm sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy ĐPM - HĐQT coi đây là những lý do hợp lý để chi . Tuy nhiên theo VAFI đây không thể coi là những lý do hợp lý đối với toàn bộ cổ đông của DPM ( trừ cổ đông PVN ) :
- Khi DPM thực hiện cổ phần hoá, toàn bộ các nhà đầu tư muốn mua đuợc cổ phiếu DPM thì phải tham gia đấu giá. Những chính sách ưu đãi như trên đã được công bố công khai trong bản cáo bạch và nằm trong phuơng án đấu giá của nhà đầu tư, điều đó có nghĩa là nếu không có chính sách ưu đãi thì lợi nhuận của DPM thấp, tức là giá đấu thấp, còn nếu có chính sách ưu đãi thì lợi nhuận cao, tức là giá bán ( do nhà nước định giá ) và giá đấu thành công phải cao. Như vậy các cổ đông DPM hoàn toàn không đuợc hưởng ưu đãi gì từ nhà nước.
- Năm 2008 liệu DPM có đạt lợi nhuận sau thuế cao hay không ?
+ BCTC 9 tháng đầu năm cho thấy DPM đạt trên 1400 tỷ LNST, tuy nhiên đã phải trích lập dự phòng phân bón tồn kho lỗ gần 500 tỷ từ việc kinh doanh phân bón nhập khẩu, sang Quí 4/2008, giá phân bón thế giới và trong nước rơi tự do và khoản lỗ từ nhập khẩu phân bón sẽ tăng lên ảnh hưởng tới thu nhập năm 2008.
+ VAFI dự đoán lạc quan là tỷ suất lợi nhuận sau thuế của DPM trong năm 2008 khoảng 40%, nhưng tỷ suất này là tính trên số vốn điều lệ theo mệnh giá cổ phần .
+ Nếu tính tỷ suất lợi nhuận trên vốn mà các nhà đầu tư bỏ ra đối với các nhà đầu tư dài hạn thì đạt rất thấp , dưới 7% , thấp hơn nhiều so với lãi nhận được từ việc gửi tiền tiết kiệm của năm nay ( 15% - 20%) , vì sao ?
> Khi DPM thực hiện IPO, các nhà đầu tư mua đấu giá với khoảng giá phổ biến từ 51.000 đ/cp đến 60.000 đ/cp, giá đấu bình quân là 55.000 đ/cp ;
> Sau cổ phần hoá nhiều nhà đầu tư mua theo giá thị trường ở mức phổ biến từ 70.000 đ - 90.000 đ/cp ;
> Với khoản đấu tư theo giá thị trường như trên thì lợi nhuận mà DPM làm ra là không cao;
+ Pháp nhân doanh nghiệp và cổ đông PVN thì kinh doanh có lãi, tuy nhiên đối với những nhà đầu tư dài hạn vào DPM thì đang gặp thua lỗ :
> Giá cổ phiếu DPM liên tục tụt giảm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là nhà đầu tư mất niềm tin vào cách điều hành của HĐQT DPM cũng như hay có chỉ đạo hành chính của PVN vào hoạt động doanh nghiệp ;
> Tại thời điểm này giá DPM dao động ở mức 40.000 đ/cp, như vậy đối với các nhà đầu tư dài hạn thì đã thua lỗ từ 35% đến 70% của giá vốn đầu tư ;
> Việc giảm giá chứng khoán DPM làm cho các tổ chức đầu tư phải trích lập dự phòng , điều này cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận ( hoặc tăng khả năng thua lỗ ) của các cổ đông tổ chức DPM.
- Từ khi DPM thực hiện cổ phần hoá đến nay, các nhà đầu tư vào DPM luôn bị mang tiếng là được hưởng những chính sách ưu đãi của nhà nước, càng ngậm ngùi hơn khi giá trị tài sản đầu tư vào DPM bị thua lỗ nặng mà vẫn mang tiếng là được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước ?
3/ Ai được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của nhà nước ?
- PVN là cổ đông lớn của DPM, nhưng họ không phải tham gia đấu giá như các nhà đầu tư, tức là giá vốn đầu tư của PVN chỉ dưới 20% giá vốn mà các nhà đầu tư mua theo giá thị trường ( trên 1 đơn vị ).
- Tỷ suất lợi nhuận năm 2008 khoảng 40%, tỷ lệ cổ tức khoảng 30% là hoàn toàn đúng với giá vốn đầu tư của PVN và PVN sẽ thu được nhiều lợi nhuận hàng năm từ DPM, mức thu này luôn luôn gấp 5 lần ( giá bình quân ) so với tất cả các cổ đông của DPM.
- Nếu nói DPM được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước thì chỉ có PVN là đối tượng duy nhất được hưởng.
- PVN còn được hưởng lợi lớn từ việc cổ phần hoá DPM, việc bán 35% vốn của DPM đã mang lại 1 khoản chênh lệch lớn so với giá vốn đầu tư ban đầu của nhà máy ĐPM .
4/ Khi nhận được văn bản lấy ý kiến từ HĐQT DPM, cổ đông nào cũng bực bội, tức giận , thất vọng và mất niềm tin. Họ bất công không phải vì chủ trương đi làm từ thiện mà vì cách hành xử không được công bằng, hay xử ép từ cổ đông lớn là PVN :
- Cách thức hành xử bất công này không phải là lần đầu mà được diễn ra nhiều lần :
+ Từ quyết định của Chủ tịch PVN về việc thu hồi 28 ha đất của DPM để giao cho 1 thành viên khác thuộc PVN, tuy nhiên quyết định này không thực hiện được vì trái luật ;
+ Việc thay đổi liên tục ban lãnh đạo của DPM trong 1 nhiệm kỳ HĐQT, có lẽ ít có công ty công chúng nào gặp phải truờng hợp như vậy ;
+ Rồi việc điều chuyển 100 tỷ đồng lợi nhuận của DPM về cho PVN có nguồn tài chính lớn để có thành tích cao trong việc đi làm từ thiện. Trong truờng hợp này nếu tất cả các cổ đông không đồng ý với cách làm này thì cũng không được chấp thuận vì PVN có lá phiếu quyết định
+ Các cổ đông DPM còn suy luận rằng sẽ còn bao nhiêu tình huống bất hợp lý sẽ xảy ra trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư đã tức giận , chấp nhận lỗ lớn để bán tháo chứng khoán ;
- Nhiều cổ đông DPM cho rằng khoản điều chuyển đột xuất 100 tỷ là quá lớn trong 1 năm, có lẽ nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước hay các doanh nghiệp lớn không dành số tiền lớn như vậy để tài trợ trong 1 năm. Theo khảo sát của VAFI thì ngân sách tài trợ lớn cho hoạt động từ thiện khoảng 1 triệu đô/ năm ( đối với các doanh nghiệp lớn ) ;
- Cổ đông DPM chất vấn rằng PVN là cổ đông duy nhất được hưởng lợi nhiều nhất thì cần phải có đóng góp nhiều nhất (gấp 5 lần so với các cổ đông khác) nhưng trong trường hợp này mức đóng góp của cổ đông PVN và các cổ đông khác như nhau. Lập luận này không phải là suy bì tị lạnh mà phản ánh cách hành xử phải công bằng, nhất là khi PVN khởi xướng chương trình làm từ thiện.
- Theo Nghị quyết ĐHCĐ của DPM năm 2008 thì trong năm nay sẽ phân chia cổ tức ở mức bằng 70% lợi nhuận sau thuế, với mức phân chia này thì PVN sẽ thu về trên 1000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt, chỉ cần dành 10% phần cổ tức này thì sẽ có nhiều khoản tài chính làm từ thiện.
- Mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các cổ đông DPM vẫn nhất trí chủ trương dành 1 khoản tài chính hàng năm để làm từ thiện và đều có tham vọng rằng công tác từ thiện cần làm thường xuyên liên tục với ngân sách lớn gấp nhiều lần số 100 tỷ đồng, tuy nhiên việc làm từ thiện phải có qui chế công bằng, hợp lý và đạt hiệu quả cao để làm sao những khoản đóng góp cho cộng đồng phải đến đúng địa chỉ. Công ty DPM phải trực tiếp tổ chức việc giải ngân tiền từ thiện để làm cơ sở cho sự giám sát chặt chẽ từ các cổ đông, muốn vậy phải xây dựng qui chế tổ chức thực hiện và qui chế giám sát công khai minh bạch.
5/ Đề xuất của VAFI :
- Đề xuất này là thể hiện ý chí và nguyện vọng của các nhà đầu tư ;
- HĐQT DPM khẩn trương xây dựng qui chế tài chính cho hoạt động từ thiện, phân công cụ thể cán bộ thực hiện chương trình để đảm bảo hoạt động tài trợ là có hiệu quả cao và không để xảy ra tiêu cực.
- Cần lập cụ thể kế hoạch hàng năm và phải được sự nhất trí cao tại ĐHCĐ, cần thể hiện thái độ tôn trọng cổ đông bằng cách chấm dứt việc lấy ý kiến bằng văn bản đối với những vấn đề quan trọng ;
- Cổ đông lớn PVN cần thận trọng trong việc ra các quyết định liên quan đến quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ, hạn chế việc sử dụng quyền biểu quyết đa số khi những vấn đề còn gây tranh luận nhằm thu hút những sáng kiến xây dựng từ các cổ đông .
6/ Một số đề nghị về công tác quản trị doanh nghiệp với PVN :
- Thực tế hiện nay là nhiều nhà đầu tư không đồng tình với cách thức quản trị cổ phần nhà nước tại nhiều đơn vị thành viên của PVN, có quá nhiều bất cập làm cho nhà đầu tư nản lòng và thua lỗ khi đầu tư vào các đơn vị PVN ;
- Tổng công ty Dầu khí VN đã được đổi tên thành Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN , việc đổi tên này thể hiện mong muốn của nhà nước muốn xây dựng PVN thực sự là 1 tập đoàn kinh tế hùng mạnh, tuy nhiên trên thực tế PVN vẫn hoạt động như 1 đơn vị hành chính, chứ chưa có nề nếp quản trị doanh nghiệp như đa phần các công ty niêm yết hay như các tập đoàn doanh nghiệp nuớc ngoài.
- Để PVN thực sự trở thành 1 tập đoàn kinh tế hùng mạnh và được sự công nhận của đông đảo các nhà đầu tư, bước đầu VAFI đề nghị :
+ PVN cần xây dựng cơ chế quản trị doanh nghiệp như các công ty niêm yết ;
+ Cần xây dựng chế độ thuờng xuyên công bố thông tin và công khai tài chính, công khai các hoạt động theo chuẩn mực của công ty niêm yết. Nhiều đơn vị thành viên PVN đã thực hiện việc này, chẳng nhẽ công ty “ mẹ “ lại không thực hiện ?
+ Trong việc lựa chọn người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại các thành viên của PVN, nên xây dựng cơ chế thẩm định nhân sự tức là cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đối với người quản lý vốn bằng phương thức đề nghị cổ đông bên ngoài tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại diện. Cách thức này sẽ làm gia tăng giá trị tài sản của PVN lên gấp nhiều lần.
7/ HĐQT DPM nên xem xét hiệu quả của chức năng kinh doanh nhập khẩu phân bón :
- Kinh doanh Nhập khẩu phân bón là 1hoạt động thuơng mại phức tạp và chiếm mất nhiều thời gian công sức của Ban điều hành DPM. Trong bối cảnh diễn biến giá dầu phức tạp như hiện nay thì để kinh doanh phân bón có lãi đòi hỏi phải tổ chức 1 bộ máy giỏi chuyên nghiệp, có trách nhiệm cao .
- Công suất của Nhà máy DPM mới đáp ứng được 40% cầu thị trưòng, năm nay công ty DPM mới triển khai nhập 250.000 tấn, chiếm 10% thị trường nhưng đã bị thua lỗ lớn ;
- Trên thị trường phân bón có nhiều doanh nghiệp chuyên kinh nhập khẩu phân bón, doanh nghiệp nhà nước có, doanh nghiệp tư nhân có nhưng nhìn chung việc kinh doanh phân bón của doanh nghiệp tư nhân hiệu quả cao hơn doanh nghiệp nhà nước ;
- Việc DPM nhập khẩu phân bón với mục tiêu góp phần bình ổn thị trường , tuy nhiên mục tiêu này có hoàn thành hay không hay lại trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp ?
- Các nhà đầu tư góp ý rằng PVN và DPM nên tập trung nguồn nhân lực và nguồn tài chính vào lĩnh vực sản xuất phân bón để làm sao có nhiều nhà máy mới ra đời đáp ứng được nhu cầu trong nước, đấy là cách thức tốt nhất để góp phần bình ổn thị trường phân bón trong nước.
- Khoản thua lỗ 500 tỷ của DPM trong năm nay là 1 khoản vốn lớn, đủ để xây dựng 1 nhà máy NPK trong nước.
- Từ sự phân tích trên các nhà đầu tư đề nghị DPM cân nhắc mảng kinh doanh nhập khẩu phân bón, nên tập trung nguồn nhân lực, nguồn tài chính và quỹ thời gian vào những mục tiêu lớn hơn, còn việc kinh doanh nhập khẩu phân bón đã có hàng trăm đơn vị chuyên kinh doanh thương mại đang thực hiện hiệu quả.
Trên đây là ý kiến của VAFI, mong các cơ quan hữu quan xem xét./.