VTV lại dính phốt rồi!
Hết anh Tạ Biên Cứng bình luận lảm nhảm, giờ lại đến vụ Lên đỉnh có sai sót. Nhưng cái quan trong là các bác ý ko chịu nhận sai, giờ bị báo chí nói ác quá mới thừa nhận tí ti nhưng không biết có sửa sai hay không. Dòng đo đỏ ở dưới em thấy là ác nhất, chơi theo kiểu phủi trách nhiệm. Theo các cụ vụ này sẽ thế nào. Cá nhân em, em thích và ủng hộ cách suy nghĩ, lập luận của bác Nguyễn Lân Dũng
Chung kết Olympia, các nhà giáo dục muốn sửa sai
- “Sự cố” trong vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đã được Ban Tổ chức xác nhận và đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên kết quả không thay đổi. Xung quanh kết quả này, các nhà giáo dục có góc nhìn khác so với các nhà tổ chức trò chơi truyền hình.
Thầy Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội: “Tôi nghiêng về thi lại!”
Bài toán trong phần thi Tăng tốc, chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012 là sai. Tôi đã xem và thấy không bao giờ đúng. Đề ra như vậy đã không thuyết phục. Và không thể có đáp án đúng.
Nếu bài sai mà không ảnh hưởng đến tổng điểm của các thí sinh thì chấp nhận được. Nhưng ở đây lại liên quan đến kết quả chung cuộc và thứ hạng của học sinh. Đó là điều nhà đài cần nghiêm túc xem xét.
Tiêu chí của giáo dục là công bằng. Kinh nghiệm bao năm làm giáo dục tôi hiểu rằng trẻ con nếu không công bằng chúng sẽ không tin đâu. Người thầy chỉ có uy tín khi và chỉ khi công bằng với bọn trẻ.
Trong trường hợp này tôi rất thông cảm và thấy khó xử cho VTV. Nhưng nhiều khi cũng nên nhìn thẳng vào sự thật. Ở đây sai lầm lớn nhất là người ra và thẩm định đề. Trẻ không có lỗi.
Nếu sai thì phải sửa. Việc Trường PT Năng khiếu ĐHQG TP. HCM có văn bản đề nghị tới Ban tổ chức cũng đúng thôi. Cần giải quyết dứt điểm, đừng để sự việc kéo dài dai dẳng. Nếu một buổi quay và thi lại mang niềm tin cho trẻ thì nên làm. Tôi nghiêng về hướng đó.
GS NGND.Nguyễn Lân Dũng: “Nếu sai phải nhận lỗi và sửa sai"
Tôi từng có thời gian tham gia cố vấn cho sân chơi Ai là triệu phú của VTV3 và hầu như không lần nào lại không phát hiện ra sai sót ở câu hỏi, đáp án. Không ai am hiểu tất cả. Tôi phải vất vả tra cứu. Một thuận lợi lớn là có mạng Internet để kiểm tra.
Hỏi 1/1000 mm là gì? Anh trả lời 1 micrômét- đúng thì bảo sa. Đáp áni là 1 micron hay 1 muy. Nhưng đó là thuật ngữ cũ rồi!
Vậy người thẩm định hay cố vấn phải có tâm thì mới làm được. Bởi công việc vừa mất thì giờ và thù lao không đáng kể. Nếu thấy câu hỏi khó cần hỏi thêm các chuyên gia hoặc tra cứu. Nếu biết ngoại ngữ và kiến thức cơ bản thì việc phát hiện ra sai sót cũng không khó lắm.
Mỗi người chỉ phụ trách một chuyên môn hẹp nên phải có Ban cố vấn, bởi ai cũng có lúc sai. Tôi phụ trách mảng Hỏi gì – Đáp nấy trên báo Nông nghiệp VN cũng có lần trả lời sai vì tham khảo tài liệu sai. Và mình xin lỗi khi có nạn đọc phát hiện ra chỗ trả lời thiếu chính xác.
Ở đây là cuộc thi đính kèm phần thưởng vật chất thì càng phải cẩn thận. Nếu sai thì phải nhận lỗi, không thể bao biện. Tôi từng làm giám khảo cuộc thi về giải pháp Bảo vệ môi trường do Toyota tài trợ. Cũng có những kiện cáo kéo dài vì giải nhất lên đến 200 triệu đồng. Chúng tôi phải xem xét rất nghiêm túc. Họp Ban giám khảo nhiều lần, mời nhiều chuyên gia và thấy vụ kiện đó sai nên kiên quyết bảo vệ trên tinh thần khoa học.
Chuyện sai sót là không tránh được. Vấn đề là xử lí ra sao. Sai thì phải nhận ra sai. Trong một bài viết Bác Hồ đã lấy đầu đề là "Nước ta là một nước dân chủ". Đấy là một sự khẳng định mà chúng ta cần thấm nhuần.
Trong mọi trường hợp chúng ta phải thực thi quyền dân chủ của quần chúng. Việc học sinh đã ký vào văn bản đồng ý với kết quả cuộc thi, không khiếu nại khi hết chương trình tôi cho là một việc làm thiếu dân chủ.
Không chỉ BTC, Ban lãnh đạo Đài THVN phải xem xét sai sót này. "Đường lên đỉnh Olympia" là một chương trình hay, có ích, được xã hội và các em học sinh hưởng ứng. Tôi mong chương trình tiếp tục duy trì và phát triển.
Tôi rất tiếc vì không được mời thẩm định các câu hỏi. Tôi không am hiểu mọi lĩnh vực nhưng vì hay trả lời nên có thuận lợi ở việc thẩm định. Dù bận song với các cháu học sinh tôi luôn sẵn sàng, chưa bao giờ từ chối.
Là chương trình có uy tín, chương trình phải làm gương cho học sinh. Nếu sai nên rút kinh nghiệm và phải sửa. Nguyên tắc là phải công bằng. Khoa học thì phải chính xác. Nếu vi phạm tính chính xác thì phải trung thực để sửa đổi. Tôi hiểu với nhà đài có cái khó nhưng phải dũng cảm để sửa sai, giữ uy tín cho chương trình.
Vô địch Olympia 2012 : "Em sẵn sàng thi lại"
Chiều 27/6, Đặng Thái Hoàng nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2012 đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với VietNamNet xung quanh những nghi ngờ về chuyện “lộ đề” và câu hỏi sai cũng như chiến thắng vừa qua của em.
Thái Hoàng chia sẻ: "Về nghi án lộ đề em nghĩ đấy là những nhận xét không công bằng. Em khẳng định không có chuyện đó. Có thể vì giải thưởng lớn, nhiều vinh quang nên mọi người có thắc mắc, thậm chí chửi bới thậm tệ em trên facebook hay youtube. Câu hỏi IQ em cũng đã nhẩm tính ra kết quả gần bằng 6 nên em làm tròn. Với thời gian chỉ có 30 giây việc em chọn đáp án C là bình thường".
Bạn cũng thẳng thắn cho rằng: "Trường hợp bị mất điểm ở câu hỏi IQ chắc chắn em không lựa chọn gói 40 điểm đề về đích an toàn mà sẽ chọn hoặc gói 60 điểm hoặc 80 điểm. Đặt trường hợp phải có trận thi đấu lại em sẵn sàng thôi. Nhưng em nghĩ BTC đã có luật lệ nên việc đó rất khó xảy ra. Bọn em đi thi không xác định phải có chiến thắng. Quan trọng mọi người đã có sân chơi để thể hiện hiểu biết của mình".
Văn Chung (Ghi) vietnamnet.vn