(Hiệp ước Versailles, ngày 25 tháng 1 năm 1787)
Nguyễn Ánh, Quốc vương Nam Kỳ, bị tước mất hết đất đai sông núi và đang ở tình thế cần thiết phải dùng sức mạnh vũ khí để khôi phục lại, đã phái sang Pháp, ngài Pierre-Joseph-George Pigneau de Bêhaine, Giám mục Adran, với ý định yêu cầu sự giúp đỡ và viện trợ của Đức vua rất kính Chúa; và Hoàng thượng, tin tưởng sự nghiệp của Quốc vương Nam kỳ là chính đáng và muốn tỏ ra với nhà vua một dấu hiệu rõ ràng về tình hữu nghị cũng như tinh thần yêu công lý của mình, đã quyết định chấp nhận một cách thuận lợi lời yêu cầu gửi tới Hoàng thượng. Do đó, Hoàng thượng đã ủy thác cho ngài bá tước De Montmorin, thống chế các doanh trại và quân đội, huân chương nhà vua và huân chương “Tấm lông cừu vàng”, cố vấn toàn diện của Hoàng thượng, Bộ trưởng và Quốc vụ khanh về các vấn đề mệnh lệnh và tài chính, phụ trách lĩnh vực ngoại giao, thảo luận và quyết định cùng với, Giám mục Adran, tính chất, phạm vi và những điều kiện của những khoản viện trợ sẽ cung cấp cho vua Nam kỳ; và hai đại sứ toàn quyền, sau khi đã được hợp pháp hóa, bá tước Montmorin bằng cách thông báo quyền hành và Giám mục Adran bằng cách xuất trình chiếc đại ấn của vương quốc Nam kỳ cùng với biên bảo thảo luận của Đại hộì đồng vương quốc, đã thỏa thuận với nhau về những điểm và điều khoản sau đây:
Điều 1: Đức vua rất kính Chúa hứa hẹn và cam kết sẽ giúp đỡ bằng cách hữu hiệu nhất những cố gắng mà Quốc vương Nam Kỳ quyết tâm thực hiện nhằm chiếm lại và hưởng thụ những đất đai lãnh thổ của mình.
Điều 2: Nhằm mục đích ấy, Đức vua rất kính Chúa sẽ gửi ngay sang bờ biển Nam Kỳ, bằng kinh phí riêng, bốn tàu chiến và binh đội quân gồm một nghìn hai trăm bộ binh, hai trăm pháo binh và hai trăm năm mươi người Phi da đen. Các đội quân này sẽ mang theo đầy đủ những phương tiện chiến tranh, quân trang, quân dụng… và đích danh một đơn vị pháp binh có kinh nghiệm phục vụ chiến dịch.
Điều 3: Quốc vương Nam Kỳ, trong lúc chờ đợi việc quan trọng mà Đức vua rất kính Chúa sẵn sàng giúp đỡ, nhượng cho Người và triều đại nước Pháp, quyền sở hữu tuyệt đối cũng như chủ quyền toàn vẹn của hòn đảo làm thành hải cảng chính của Nam Kỳ là Hội An và người châu Âu gọi là Touranc và quyền sở hữu cũng như chủ quyền đó sẽ vĩnh viễn thuộc về nước Pháp không bao giờ thay đổi nữa ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên.
Điều 4: Ngoài ra, hai bên thỏa thuận rằng Đức vua rất kính Chúa sẽ cùng với Quốc vương Nam Kỳ song song sở hữu cảng Hội An nói trên và người Pháp cũng sẽ có thể xây dựng trên đất liền những cơ sở mà họ xét thấy cần thiết cho việc giao thông đường biển và sự thương mại của họ, cũng như để lau chùi giữ gìn tàu bè của họ và cả đóng tàu mới nữa. Còn về việc cảnh sát cửa biển, nó sẽ được giải quyết tại chỗ bằng một thỏa ước riêng biệt.
Điều 5: Đức vua rất kính Chúa cũng sẽ được quyền sở hữu và chủ quyền về Côn Đảo.
Điều 6: Các thần dân của Đức vua rất kính Chúa sẽ được quyền hoàn toàn tự do buôn bán ở tại tất cả mọi nơi trên lãnh thổ Quốc vương Nam Kỳ, loại trừ tất cả các nước châu Âu khác. Họ có thể vì mục đích đó đi lại và lưu trú tự do, không bị ai ngán trở và không phải trả bất cứ một thứ lệ phí nào về con người của họ, tất nhiên với điều kiện là họ có mang theo mình giấy thông hành do sĩ quan chỉ huy đảo Hội An cấp. Họ có thể nhập cảng mọi loại hàng hóa châu Âu và mọi nước trên thế giới, trừ những thứ hàng hóa bị cấm, họ cũng có thể xuất cảng mọi thứ lương thực và hàng hoá trong nước và của các nước láng giềng không loại trừ một thứ nào; họ sẽ không phải trả một thứ thuế hàng ra hàng vào nào ngoài những thuế mà người nước trả và những thứ thuế này, không được phép nâng lên trong bất cứ trường hợp nào và dưới bất cứ danh nghĩa nào. Ngoài ra, còn thỏa thuận rằng bất cứ một tàu thủy nào, dù là tàu buôn hay tàu chiến, chỉ được chấp nhận vào lãnh thổ Nam Kỳ nếu có cắm cờ Pháp và có giấy thông hành của Pháp.
Điều 7: Chính phủ Nam Kỳ sẽ dành cho thần dân Đức vua rấ kính Chúa một sự bảo hộ có hiệu quả nhất cho tự do và an ninh thân thể cũng như tài sản của họ, và trong trường hợp khó khăn hoặc khiếu nại thì chánh phủ Nam Kỳ sẽ xét xử cho họ một cách công bằng và nhanh chóng nhất.
Điều 8: Trong trường hợp Đức vua rất kính Chúa bị tấn công hoặc bị đe dọa bởi bất cứ một cường quốc nào liên quan đến quyền hưởng thụ các đảo Hội An và Côn Đảo, và trong trường hợp Đức vua rất kính Chúa xâm chiếm một số nước châu Âu hoặc châu Á nào, Quốc vương Nam Kỳ cam kết sẽ viện trợ cho Người hoặc bộ binh hoặc lính thủy, lương thực, tàu thuyền; những món viện trợ này sẽ được cung cấp trong thời hạn ba tháng sau khi có thư yêu cầu nhưng nó không thể mang sử dụng xa hơn quân đảo Moluques, quần đảo la Sonde và eo biển Malacca. Vấn để bảo quản thì do Quốc vương cung cấp chịu trách nhiệm.
Điều 9: Đáp lại lời cam kết nêu lên trong điểu khoản trước, Đức vua rất kính Chúa có trách nhiệm viện trợ cho Quốc vương Nam Kỳ, mỗi khi có sự lộn xộn trong vấn đề sở hữu các đất đai lãnh thổ của mình. Những viện trợ này sẽ tỷ lệ với nhu cầu của hoàn cảnh; tuy nhiên không có trường hợp nào đi qua những điều nêu lên trong Điều 2 của Hiệp ước hiện thành.
Điều 10: Hiệp ưòc này sẽ được chuẩn y bởi hai vị Quốc vương ký kết hiệp ước và sự chuẩn y sẽ được trao đổi sớm nhất là trong khoảng thời gian một năm nếu có thể.
Để làm tin, chúng tôi đại diện đặc mệnh toàn quyền đã ký vào văn bản hiện tại của hiệp ước và đóng dấu huy hiệu vũ khí của chúng tôi.
Làm tại Versailles, ngày hai mươi tám tháng 11 năm một ngàn bảy trăm tám bảy (28/11/1787)
De Montmorin
Giám mục Adran
ĐIỀU KHOẢN TÁCH RIÊNG
Nhằm mục đích đề phòng trước những khó khăn và hiểu lầm liên quan đến những cơ sở mà Đức vua rất kính Chúa được phép xây dựng trên đất liền vì lợi ích của hàng hải và thương mại, hai bên đã thỏa thuận với nhà vua Nam Kỳ rằng: những cơ sở ấy sẽ là tài sản và sẽ thuộc quyền sở hữu trọn vẹn của Đức vua rất kính Chúa và việc xét xử cảnh sát và bảo vệ và mọi hành động chính quyền khác, không trừ trường hợp nào, sẽ được thi hành ở đó đầu tiên là nhân danh Người.
Để ngăn chặn những chuyện lạm dụng mà những cơ sở nói trên có thể gây ra, hai bên đã thỏa thuận trên giấy trắng mực đen rằng: ở đây người ta sẽ không tiếp nhận bất cứ người Nam Kỳ nào đang bị truy nã vì phạm pháp và tất cả những người nào phạm pháp đã có thể len lỏi vào đây đều sẽ bị dẫn độ theo lời yêu cầu đầu tiên của chánh phủ. Hai bên cũng đã thỏa thuận rằng tất cả những ngừời Pháp phản bội có mặt trên lãnh thổ NamKỳ ngoài Hội An và Côn Đảo đều sẽ bị dẫn độ theo yêu cầu đầu tiên của viên sĩ quan chỉ huy Hội An và viên sĩ quan chỉ huy Côn Đảo.
Điều khoản tách riêng này có hiệu lực và giá trị như một điều khoản ghi đúng từng chữ từng lời nằm trong văn bản của bản Hiệp ước này.
Để làm tin, chúng tôi đại diện đặc mệnh toàn quyền đã ký vào văn bản hiện tại của Hiệp ước và đóng dấu huy hiệu vũ khí của chúng tôi.
Làm tại Versailles, ngày hai mươi tám tháng 11 năm một ngàn bảy trám tám bảy (28/11/1787)
De Montmorin
Giám mục Adran
Tuyên bố của Giám mục Adran được Quốc vương Nam kỳ ủy quyền về việc này, khẳng định rằng nhà vua sẽ chịu trách nhiệm về những chi phí, xây dựng đầu tiên mà Đức vua rất kính Chúa có thể thực hiện tại các đảo Hội An, Côn Đảo hoặc trên đất liền của Vương quốc Nam Kỳ.
Mặc dù trong những thỏa ước ký kết ngày hôm nay, không nói đến những khoản chi phí xây dựng những cơ sở mà Đức vua rất kính Chúa có thể thực hiện hoặc trên các đảo Hội An và Côn Đảo, hoặc trên đất liền của vương quốc Nam Kỳ, người ký tên dưới đây, căn cứ vào giấy ủy quyền mang theo, tuyên bố rằng: Quốc vương Nam Kỳ sẽ chịu trách nhiệm, hoặc bằng sự cung cấp hiện vật, hoặc bằng tiền sẽ tính theo giá cả, về những chi phí đầu tiên để xây dựng những cơ sở cần thiết cho sự an ninh và sự bảo vệ như công sự, doanh trại, bệnh viện, nhà kho, nhà binh lính và nhà ở của người chỉ huy. Để làm tin, tôi đã ký bản tuyên bố này và đóng dấu vũ khí của tôi với lời hứa sẽ xin được sự phê chuẩn của Quốc vương Nam Kỳ.
Làm tại Versailles, ngày hai mươi tám tháng 11 năm một ngàn bảy trăm tám bảy (28/11/1787