1. Chống thấm thì điều quan trọng đầu tiên là tìm ra được đúng nguyên nhân gây thấm, trả lời được đúng câu hỏi này thì tính tiếp các bước sau. Nguyên nhân gây thấm thì hiển nhiên là do nước rồi, "nước chảy chỗ trũng" mà. Nước sẽ theo các khe nứt, kẽ hở (có thể nhìn thấy bằng mắt, hoặc ẩn sau các lớp vữa mặt mà mình không thấy) chảy xuống phía dưới. Vậy phải tìm được "đường đi của nước", tìm được toàn bộ các khe nứt, kẽ hở mà nước chui vào để bít lại, không cho nước chảy vào nữa. Nếu có 100 chỗ mà cụ bịt được 99 thì vẫn thấm nhé. Việc tìm này thì đòi hỏi kinh nghiệm, quan sát, suy luận.
2. Tìm được rồi thì bắt tay vào xử lý nào. Dù dùng loại vật liệu chống thấm nào thì đều phải đảm bảo việc kết dính giữa vật liệu chống thấm và lớp bê tông sàn, tường, mái. "Dao sắc không bằng chắc kê", vật liệu có tốt cỡ nào mà kết dính với lớp bê tông sàn, tường, mái không tốt thì cũng hỏng. Vậy nên phải vệ sinh thật cẩn thận lớp bê tông sàn, tường, mái trước khi thi công vật liệu chống thấm. Thợ chuyên nghiệp thì họ có các loại máy khoan đục, máy chà sàn, máy thổi khò bụi các kiểu; mình amater thì có gì dùng đấy, bàn chải sắt, máy sấy tóc... Với các vết nứt to nhìn thấy sẽ khoan đục mở rộng theo rãnh hình chữ V, thổi sạch bụi, tưới nước cho ẩm rồi làm các bước tiếp; các vết không nhìn thấy thì nhận định nó ở khu nào thì lật vữa lên, không thấy thì lật toàn bộ, ko còn cách nào khác. Với các vết rạn chân chim thì chà sạch bề mặt làm ẩm; với các chỗ tiếp xúc khe tường thì có phương án làm tấm tôn ngăn tiếp súc hoặc phương án dùng vật liệu chống thấm trám lại rồi khò màng miếc gì đó - cái này e ko nghiên cứu nên ko rành lắm (vẫn cho nước tiếp xúc mà không cho nước đi qua).
3. Về vật liệu chống thấm: Bây giờ trên thị trường rất nhiều hãng, nhiều loại, thượng vàng hạ cám, nhiều mức giá. Quan trọng là thợ hay làm quen loại nào thì sẽ tư vấn cho cụ loại đó. Vật liệu tốt rồi thì cách thi công, tuân thủ kỹ thuật rất quan trọng, đồ ngon mà chế biến dở thì cũng vứt. Em thì nghiên cứu thấy mấy loại Sika là vật liệu chống thấm tầm trung, rồi các hãng sơn khác có chống thấm dạng cao cấp, giá chát, đỏi hỏi kỹ thuật thi công khắt khe. Dạng màng Bitum, bitom gì đó bản chất chả khác gì là tấm tôn ngăn nước thôi, được cái nếu mái tường chưa ổn định còn xu hướng nứt co kéo thì cái này nó co giãn trong một giới hạn nhất định, sẽ không phải làm lại chống thấm. Mệt là chống thấm các kiểu kia lại phải bê cát, bê xi, bê gạch lên sân thượng láng ra ngoài để bảo vệ lớp chống thấm phía dưới, chưa kể chống thấm lớp dưới chưa hết lại phải lật lên làm lại à... phiền hà, mệt, lích kích, tốn công lắm, một mình mà làm được có mà ốm người.
4. Thế là e mày mò tìm được 2 loại hóa chất chống thấm: (a) Keo sữa Latex ATM 135/ (b) Keo nước chống thấm Moto Kiều DS910, cái này ngoài Bắc chắc ít cụ biết và dùng, trong Nam dùng nhiều, cụ Google là ra. Mua thì giờ shopee bán nhiều, chọn shop uy tín là được. Năm ngoái e đặt 3 ngày là có, 10 gói (a) 1kg và 8 chai (b) 1L tốn đâu đó tầm 1,2tr làm cho 50m2 sân thượng mà vẫn thừa 2 gói với 2 chai định sau này mà hở chỗ nào xử lý lại mà tới nay chưa phải dùng đến.
5. Cách làm:
Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ bề mặt, chọn chuỗi ngày nắng ráo (tầm 3 ngày) để triển nhé. Với vết nứt lớn đã được mở rãnh, lấy 1 chai (b) nó màu trắng dạng lỏng như sữa chua ấy, hòa nước theo tỉ lệ chuẩn là 50-50, có thể điều chỉnh tỉ lệ tăng giảm để dung dịch đông hay sệt tùy ý, mà đừng loãng quá là được, đặc quá thì độ thấm lại kém, cho ra ít một thôi, làm tới đâu đổ tới đó. Sau khi hòa nước nó loãng loãng như nước ấy, lấy chổi sơn loại nhỏ quét hoặc xilanh tiêm bơm vào vết nứt. Nó dạng lỏng như nước nên sẽ thấm như nước vào các kẽ nứt, sau khi gặp không khí nó sẽ đông cứng lại như keo 502 ấy. Lần đầu mà đổ vào vết nứt có rút nước sâu chứng tỏ vết nứt sâu, cứ đổ từ từ cho nó ngấm dần, tới khi no nước thì thôi, đợi nó khô từ 4-6 tiếng, làm thêm 1 vài lần như vậy nữa tùy độ nứt ngấm nặng nhẹ. Vết nứt chân chim hay nứt nhỏ cũng tương tự, bản chất là để nước keo thấm vào trám kín kẽ hở và khô lại, sau này nước hết cửa chui vào.
Tới (a) nó dạng cao su dẻo ấy, màu trắng, cắt 1 túi ra cho vào cái xô sơn hay xô nhựa 10l ấy. (a):nước: xi-măng loại thường theo tỉ lệ 1(kg a):3 (lít nước) :4 (kg xi). Cho nước vào xô trước, sau đó cho (a) vào sau, đánh cho tan đều rồi hãy cho xi măng vào, sau khuấy thật đều thành dung dịch sánh. Với vết nứt to mở rãnh thì đổ vào từ từ cho thấm, bằng mặt sàn, rồi đợi 4-6 tiếng cho khô. Sau đó thì lấy con lăn sơn loại 15-20cm gắn cán vào lăn hỗn hợp (a) khắp toàn bộ sàn và lên thành tường tầm 20cm. Lớp đầu pha loãng thôi, lăn đẫm sàn cho nó rút vào trong các kẽ, lăn lớp mỏng như lăn sơn thôi nhe, đợi 4-6 tiếng cho khô. Khi nó khô lấy cái chìa khóa cạo cạo thấy nó kéo màng như ni lông ấy. Làm lại 2 tới 3 vòng như vậy, mỗi lượt nên lăn chéo nhau.
Sau cùng hỗn hợp (b): cũng lăn như hỗn hợp (a), lăn đè lên nhau tầm 2,3 lớp. Okie, vậy là xong rồi đó. Lớp ngoài cùng khi khô sẽ bóng loáng, khô cứng như keo 502 ấy, tạt nước vào như tạ vào lá khoai ấy, lấy dao cạo cũng khó mà bong ra được. Thế là mái đã được bọc 5,6 lớp "Ba con sâu" rồi đấy, chén thoải mái ko lo sida nhé^^, có đổ nước như bể bơi cũng chả ngấm được. Trừ khi nhà tiếp tục bị nứt do lún hoặc do co kéo thì nứt chỗ nào trám lại chỗ đó theo các bước như trên. E đã làm như vậy đó.