Cái chỗ quấn dây (gọi là tu) mà đóng ca tút K44 hay AK vào thì chuẩn luôn-gọi là đóng tu.
Bổ có bổ bạt (quay ra theo đường chéo), bổ thượng (tay giơ cao hơn) và dí bén (tay giơ ra dứ trước ngắm rồi mới bổ). Quay mà bị đinh quay khác phang vào là "ăn vố" với ngạn ngữ "nhiều vố càng vu, chẻ tu càng tít". Quay vu là quay đứng im không nghiêng ngả cứ quay vù vù gọi là quay "ngủ", chẻ tu thì dễ hiểu rồi, cái tu bị đinh cắm chẻ ra. Nếu bổ quay mà chỉ đập thân vào quay khác gọi là "ghẹ mình".
Dưới HN đi tiện quay chứ không đẽo, sau đó đóng đinh bi hay đinh lùn hoặc đinh dài, đinh dài dễ đổ nhưng dễ ăn vố quay khác. Thân quay cũng có tên gọi riêng như quay "lọ mực" hay quay "bầu".
Thấy bảo quay vùng Mèo toàn dùng gỗ nghiến không đóng đinh, dưới này thì các loại gỗ, gỗ dổi hay gỗ ổi là nhất, hiếm lắm.
À, có anh thiện nghệ còn biết nuôi quay: lấy cái dây bổ vụt vào thân quay để trợ lực, dùng khi đọ quay xem ai quay lâu hơn. Có anh thua nhiều chơi quả "cắm tu đọ nhất" : cắm cái đinh quay vào giữa lồ thách cả làng oánh bung quay mình, nếu không oánh bung khỏi lồ được thì cả làng lại nằm vào cho anh bổ trả hận. Tất nhiên sau trận "cắm tu đọ nhất" thì quay anh cũng đầy vố.
Tai nạn nặng nhất mình thấy là có chú bị phụ huynh chẻ quay vứt vào lò vì từ sáng đến chiều thấy toàn đi bêu nắng bắn súng cao su, dính ve, đá bóng rồi chơi quay, chơi bi, đổ dế, đổ ve..chả học hành gì, ăn đòn quắn ***, chẻ quay, vốc bi ném xuống cống, hết ăn chơi. Đau nhất nếu mất bi cái, bi ve hay con quay gỗ dổi. Có lẽ bây giờ ngang mất ipad chứ không đùa.