ở đây có link nói là tổng hợp tài liệu mới giải mật của TQ và Nga sau thời LX. Nội dung thì nói rằng vai trò của Stalin lên hơn nữa, và cũng tiết lộ 1 số thất bại là do cố vấn Liên Xô.
http://nghiencuuquocte.org/2015/11/05/vai-tro-cua-stalin-trong-chien-tranh-trieu-tien/
Vai trò của Stalin trong Chiến tranh Triều Tiên
Trước đây sách báo các nước đưa ra những tư liệu khác nhau, thậm chí trái ngược về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đầu thập kỷ 1990, Nga công bố các bài phỏng vấn một số nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỵ nạn tại Liên Xô cũ và giải mật nhiều tài liệu lưu trữ, trong đó có thư, điện Stalin trao đổi với Kim Nhật Thành và Mao Trạch Đông. Tháng 6/1994, Tổng thống Yeltsin trao cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam 215 bộ hồ sơ của Liên Xô cũ liên quan đến chiến tranh Triều Tiên; Hàn Quốc dịch, xuất bản thành sách “Trích yếu các văn kiện chiến tranh Triều Tiên” (có cả bản tiếng Anh). Cuối thập kỷ 1980, Trung Quốc công bố nhiều tài liệu liên quan. Giới sử học thế giới đã tổ chức 2 hội thảo quốc tế về Chiến tranh Lạnh (Washington 12/1995 và Hongkong 1/1996). Nhờ đó nhiều bí ẩn của cuộc chiến này đã được làm sáng tỏ.
Stalin cho rằng bán đảo Triều Tiên có tầm chiến lược quan trọng, nếu Nam Triều Tiên được giải phóng thì phạm vi thế lực của Liên Xô sẽ mở rộng tới sát Nhật Bản, đối thủ kỳ cựu đáng gờm nhất của Nga từ cuối thế kỷ 19. Tuy vậy, Liên Xô không muốn đụng độ với Mỹ; vì thế dù Kim Nhật Thành nhiều lần đề nghị giúp “
thống nhất đất nước” nhưng Stalin chỉ tăng viện trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên mà thôi.
Cuối năm 1948, Liên Xô rút quân khỏi Bắc Triều Tiên. Sau đó Bắc Triều Tiên tố cáo Lý Thừa Vãn tập kết 40 nghìn quân sát vĩ tuyến 38 định tấn công miền Bắc. Tháng 3/1949, Kim Nhật Thành sang Liên Xô bàn với Stalin vấn đề bảo vệ Bắc Triều Tiên. Ít lâu sau Bắc Triều Tiên báo cho Stalin biết: tháng 5/1949 Mỹ sẽ rút hết quân ra khỏi Nam Triều Tiên và Lý Thừa Vãn quyết định tháng 6 đánh lên phía Bắc.
Stalin rất lo, vì Bắc Triều Tiên lúc này mới có 3 sư đoàn bộ binh, còn Nam Triều Tiên có 6 sư đoàn trang bị vũ khí Mỹ hiện đại. Stalin bèn đề nghị Kim Nhật Thành bàn với Mao Trạch Đông cho 12 nghìn binh sĩ Trung Quốc người gốc Triều Tiên mang theo vũ khí biên chế vào quân đội Bắc Triều Tiên. Tháng 9/1949, Bắc Triều Tiên đã có 90 nghìn quân, trang bị đầy đủ các loại vũ khí. Kim Nhật Thành nhận định: nếu tình hình quốc tế cho phép thì Bắc Triều Tiên có thể chiếm Nam Triều Tiên trong vòng từ 2 tuần đến 2 tháng.
Tình hình thuận lợi đó xuất hiện khi tháng 1/1950 Tổng thống Truman tuyên bố vành đai an toàn của Mỹ không bao gồm Nam Triều Tiên và Đài Loan; Mỹ sẽ không dùng hành động quân sự trực tiếp bảo vệ vùng này.
Hai tuần sau, Stalin báo Kim Nhật Thành biết ông sẵn sàng bàn việc thống nhất Triều Tiên, và Liên Xô tăng viện trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên lên tới 300 triệu rúp. Lúc này Stalin càng tích cực ủng hộ giải phóng Nam Triều Tiên vì tình báo Liên Xô bắt được điện mật của MacArthur (Tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật) gửi về Mỹ, chủ trương không can thiệp vào cuộc xung đột Nam-Bắc Triều Tiên. Tuy thế, Stalin vẫn thận trọng nhắc Kim chỉ được dùng hình thức phản công khi Nam Triều Tiên tấn công trước, và kế hoạch đó phải được Mao Trạch Đông đồng ý. Đáng chú ý là Stalin không hề lộ cho Mao biết ý định trên, dù lúc đó Mao đang ở thăm Liên Xô hai tháng và Mao sốt sắng đề nghị Stalin giúp Trung Quốc giải phóng Đài Loan trước, giúp Bắc Triều Tiên giải phóng Nam Triều Tiên sau.
Ngày 30/3/1950, Kim bí mật đi gặp Stalin; trước khi đi, Kim có báo cho Mao biết. Tháng 5, Kim đến Trung Quốc thông báo kết quả cuộc hội đàm ở Moskva. Trước một việc đã rồi và được Stalin an ủi bằng cách dành cho Trung Quốc quyền quyết định tối hậu về cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mao Trạch Đông miễn cưỡng đồng ý với kế hoạch tấn công của Kim và đồng ý giúp về quân sự nếu Bắc Triều Tiên có nhu cầu.
Được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ, Kim ráo riết chuẩn bị. Liên Xô tích cực viện trợ và cử hơn 3.000 cố vấn quân sự sang giúp; tính trung bình cứ 45 lính Bắc Triều Tiên có một cố vấn Liên Xô. Trung tướng Vaxilev dẫn đầu đoàn cố vấn lập kế hoạch tác chiến, yêu cầu trong 22-27 ngày phải chiếm xong Nam Triều Tiên.
Ngày 11/6/1950, Lý Thừa Vãn từ chối đề nghị hoà bình thống nhất đất nước của Bắc Triều Tiên. Ngày 25/6 xảy ra vụ khiêu khích của Nam Triều Tiên tại vĩ tuyến 38. Lập tức 7 sư đoàn quân Bắc Triều Tiên ém sẵn tại đây tràn qua giới tuyến quân sự, ào ào tiến xuống miền Nam.
Trong các bức điện ngày 1 và 6 tháng 7, Stalin viết: Liên Xô sẽ “
hoàn toàn thoả mãn yêu cầu của Bắc Triều Tiên về vận chuyển vũ khí và các trang bị quân sự khác”, “
sẽ cung cấp toàn diện các loại vũ khí, xe tăng…” Viện trợ quân sự trong năm 1950 lên tới kỷ lục 870 triệu rúp. Nhờ vậy quân Bắc Triều Tiên nhanh chóng chiếm gần hết Nam Triều Tiên, chỉ khi tới Pusan tận cùng phía Nam mới gặp chống cự đáng kể.
Stalin theo dõi sát chiến sự, liên tục gửi điện chỉ đạo tác chiến cho Kim Nhật Thành. Sau khi chiếm Seoul, quân Bắc Triều Tiên ngừng tiến công để nghỉ ngơi và chỉnh đốn. Thấy thế Stalin liền chỉ thị Kim: “
tuyệt đối phải tiếp tục tấn công, phải giải phóng Nam Triều Tiên sớm nhất, không cho Mỹ có cơ hội tham chiến.” Ngày 28/8 ông đề nghị Kim tập trung không quân vào tấn công. Sau khi hứa “
sẽ cung cấp thêm máy bay” ông an ủi “
chớ nên lo nghĩ về việc chưa giành được thắng lợi hoàn toàn”, và ca ngợi Bắc Triều Tiên “
đã trở thành ngọn cờ của phong trào giải phóng châu Á”.
Tuy vậy Stalin không muốn công khai việc Liên Xô giúp Bắc Triều Tiên về quân sự. Ông cấm các cố vấn quân sự Liên Xô vượt vĩ tuyến 38 với lý do “
không muốn để lại chứng cớ để người ta tố cáo Liên Xô tham dự cuộc chiến tranh này, đây là việc của Kim Nhật Thành”.
Khi đà tấn công bị chững lại do Mỹ ném bom đội hình hành quân, ngày 8/7, Kim đề nghị cho 25-35 cố vấn quân sự Liên Xô vượt vĩ tuyến 38 xuống giúp Bộ Tham mưu mặt trận và Quân đoàn II, Stalin buộc phải đồng ý nhưng nhấn mạnh các cố vấn phải lấy danh nghĩa là “
phóng viên báo Sự Thật”, và chỉ “
đến Bộ Tư lệnh Mặt trận mà không xuống đơn vị chiến đấu.”
Ngày 15/9, quân Mỹ đổ bộ vào Incheon ở phía Tây Seoul; cắt đường rút lui của quân Bắc Triều Tiên; chiến cuộc bắt đầu bất lợi khiến Stalin rất lo lắng.
Ngày 18, ông yêu cầu Kim điều ngay 4 sư đoàn từ Pusan về Seoul, và chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Vaxilevxki lập kế hoạch cho không quân Liên Xô bảo vệ thủ đô Bắc Triều Tiên, điều một số máy bay, ra đa và bộ đội phòng không sang Bình Nhưỡng. Stalin còn cử Phó Tổng Tham mưu trưởng Sakharov (đổi tên là Matveev) dẫn phái đoàn sang Bắc Triều Tiên mang theo lệnh ngừng tấn công vành đai phòng thủ Pusan, rút về giữ Seoul.
Trong bức điện ngày 27/9, Stalin trách “
Bộ Tư lệnh Mặt trận, Bộ tư lệnh Quân đoàn (Bắc Triều Tiên) đã phạm sai lầm nghiêm trọng về chỉ huy quân sự, nhất là về chiến thuật”, và phê bình “
các cố vấn quân sự Liên Xô có trách nhiệm càng lớn hơn về các sai lầm đó”, họ đã “
ngu xuẩn” trong việc vận dụng chiến thuật xe tăng và tỏ ra “
thiếu hiểu biết” trong công tác tình báo; tình hình xấu đi là do các cố vấn Liên Xô coi nhẹ “
ý nghĩa chiến lược của việc địch đổ bộ Incheon …. Điều đó cộng với sự thiếu tầm nhìn chiến lược đã khiến họ nghi ngờ tính tất yếu của việc rút bộ đội từ miền Nam về Seoul; việc điều động bộ đội đã bị kéo dài và gác lại”. Ông cho rằng “
nếu thi hành đúng và kịp thời lệnh của Bộ Thống soái Tối cao Liên Xô về việc rút 4 sư đoàn từ mặt trận chính về Seoul” thì “
lẽ ra đã có thể thay đổi căn bản tình hình ở Seoul”.
Stalin trách các cố vấn Liên Xô chưa góp ý cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, “
do đó đã làm cho thái độ giao động của Bắc Triều Tiên càng nặng hơn”; ông trách Matveev “
không chuyển về cho Moskva biết các nhận định về chiến cuộc ở Triều Tiên và chưa đề xuất bất cứ kiến nghị nào cần thiết”, do đó đã gây khó khăn cho ông khi đưa ra các quyết sách và dẫn đến việc “
lãnh đạo Bắc Triều Tiên chưa có bất kỳ kế hoạch nào bảo vệ nước cộng hoà ở phía Bắc vĩ tuyến 38, chưa có kế hoạch rút quân từ Nam Triều Tiên về.”
Ngày 28/9/1950, Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên họp, nhận định không còn đủ sức ngăn quân đội “Liên Hợp Quốc” vượt vĩ tuyến 38, và thông qua thư yêu cầu Liên Xô, Trung Quốc lập tức viện trợ quân sự trực tiếp. Trong thư tối khẩn gửi Stalin ngày 30/10 có viết: ưu thế tuyệt đối của không quân Mỹ đã phá vỡ mọi hoạt động quân sự của Bắc Triều Tiên, “
gây ra các thiệt hại lớn về người và trang bị cho chúng tôi”, thông tin liên lạc bị cắt đứt, bộ đội ở miền Nam bị chia cắt và bao vây, cô lập, “
việc bỏ Seoul là không thể tránh khỏi”; “
khi địch vượt vĩ tuyến 38, chúng tôi vô cùng cần sự viện trợ quân sự trực tiếp của Liên Xô”; “
đề nghị giúp thành lập một đội quân tình nguyện quốc tế gồm binh sĩ Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác ”.
Cùng ngày, Stalin điện cho Đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh và cho Matveev, chỉ thị: “
phải lập tức động viên mọi lực lượng ngăn không cho địch vượt vĩ tuyến 38, đồng thời chuẩn bị tác chiến ở Bắc vĩ tuyến này.”, “
chớ nên đánh giá thấp khả năng và thực lực của Bắc Triều Tiên trong tổ chức phòng ngự … Họ có đủ sức mạnh, có nguồn lực và tài nguyên cực lớn có thể động viên; chỉ cần tổ chức lại và cố gắng chiến đấu”; về “
vấn đề viện trợ vũ trang, chúng ta cho rằng hình thức có thể tiếp nhận là tổ chức quân tình nguyện nhân dân. Về điểm này, trước hết chúng ta phải bàn với Trung Quốc”.
Cùng ngày, Stalin điện cho Mao Trạch Đông, nêu yêu cầu: “
Nếu đồng chí cho rằng trong trường hợp khẩn cấp, Trung Quốc có thể cho bộ đội sang giúp Bắc Triều Tiên, thì nên cho ngay ít nhất 5-6 sư đoàn đến vĩ tuyến 38, để Bắc Triều Tiên dưới sự yểm hộ của các đồng chí, tổ chức chiến đấu ở phía bắc vĩ tuyến 38. Có thể coi quân đội Trung Quốc là quân tình nguyện, dĩ nhiên do người Trung Quốc chỉ huy”. Vì không muốn để Mao biết yêu cầu đó là do Kim Nhật Thành đề xuất, Stalin viết: “
Chúng tôi chưa và cũng không có ý định cho các đồng chí Triều Tiên biết ý kiến trên; theo tôi, sau khi biết tin này nhất định họ sẽ rất phấn khởi.”
Ngày 2/10, Mao Trạch Đông trả lời Stalin là Trung Quốc chưa có quyết định tối hậu về vấn đề đưa quân sang Bắc Triều Tiên. Ngày 7, Stalin lại mạnh mẽ yêu cầu Mao đưa quân sang giúp Bắc Triều Tiên: “
Hiện nay Mỹ chưa sẵn sàng tiến hành chiến tranh lớn”, “
lực lượng quân phiệt Nhật còn chưa hồi phục”, Liên Xô ủng hộ Trung Quốc, do đó Mỹ sẽ phải nhượng bộ, sẽ phải bỏ Đài Loan và không thể để cho Nhật trở thành bàn đạp của Mỹ ở Viễn Đông. Nếu Trung Quốc “
áp dụng chính sách tiêu cực chờ và xem” thì “
Trung Quốc chẳng những không đạt được các nhượng bộ nói trên mà sẽ không thể thu hồi Đài Loan”.
Trả lời ý kiến Mao cho rằng chiến tranh Trung-Mỹ sẽ kéo Liên Xô vào cuộc và tình hình sẽ “
trở nên vô cùng nghiêm trọng”, Stalin viết: “
Chúng ta sợ điều đó ư? Theo tôi thì không nên sợ, vì chúng ta hợp sức lại sẽ mạnh hơn Mỹ và Anh. Các nước tư bản châu Âu mà không có nước Đức (hiện Đức không thể giúp gì cho Mỹ) thì chẳng phải là lực lượng quân sự quan trọng. Nếu chiến tranh là không tránh khỏi thì hãy cứ để nó đến bây giờ đi …”
Lời lẽ hùng hồn của Stalin không làm Mao Trạch Đông xúc động. Tuy đã quyết tâm đưa Chí nguyện quân Trung Quốc sang giúp Bắc Triều Tiên, nhưng trong điện trả lời cùng ngày, Mao vẫn viết: “
hiện giờ chưa thể phái bộ đội đi, cần chờ một thời gian nữa”, và báo sẽ cử Chu Ân Lai sang gặp Stalin.
Sau khi Chu Ân Lai và Lâm Bưu (Lâm Bưu đang được Mao Trạch Đông chuẩn bị cử sang chỉ huy Chí nguyện quân Trung Quốc tại Triều Tiên) đến Biển Đen hội đàm với Stalin, ngày 13/10/1950, Stalin điện cho Kim Nhật Thành thông báo kết quả hội đàm và nói rất lấy làm tiếc là do Trung Quốc chưa sẵn sàng tham chiến nên tốt nhất Bắc Triều Tiên hãy rút hết bộ đội sang đất Trung Quốc và Liên Xô. Ông cũng chỉ thị Đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng giúp Bắc Triều Tiên thảo kế hoạch rút lui. Cùng ngày, Đại diện Liên Xô tại Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách “cứng rắn” và hợp tác với Liên Xô như trong Thế chiến II.
Ngày 14/10/1950, khi biết Trung Quốc đã quyết định đưa quân sang Bắc Triều Tiên, Stalin lập tức điện cho Kim Nhật Thành: “
Bản kiến nghị do cuộc hội đàm lãnh đạo Xô – Trung nêu ra và (hôm qua) đã báo cho đồng chí là vô hiệu”.
Ngày 19/10, Quân Chí nguyện Trung Quốc do Bành Đức Hoài chỉ huy vượt sông Áp Lục tiến sang Bắc Triều Tiên đánh Mỹ.
Từ đó trở đi Stalin không còn trực tiếp chỉ đạo Kim Nhật Thành như trước, nhưng ông vẫn theo dõi chiến sự và tiếp tục viện trợ quân sự cho Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.
Đầu năm 1951, quân Mỹ bị đẩy lui trở lại vĩ tuyến 38, song chiến sự lại trở nên vô cùng ác liệt. Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt bằng một hiệp định ngừng bắn ký ngày 27/7/1953 giữa các bên tham chiến./.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp theo tài liệu của Trung Quốc.