Khi mới khởi nghiệp thì ai cũng thấy vốn là vấn đề quan trọng nhất, quyết định sống còn, để duy trì hoạt động kinh doanh, để thanh toán tiền hàng, để lấy được những đơn hàng lớn… Gần như 100% khởi nghiệp đã qua giai đoạn chết yểu đều gặp vấn đề về vốn. Mọi nguyên nhân, mọi vấn đề đều được dẫn về lí do thiếu vốn. Lúc mới khởi nghiệp tôi cũng nghĩ vậy, sau này mới biết với cái lòng tham con người làm được 1 lại muốn 2, làm 2 lại muốn 3, chừng nào không còn làm ăn nữa thì thôi, chứ đã còn “muốn” thì dù nhỏ, dù lớn muôn đời vẫn kẹt vốn.
Thực ra trong giai đoạn khởi nghiệp không cần quá nhiều vốn đâu, cái mà chủ doanh nghiệp cần là phương án, ý tưởng, nghị lực và ý chí vượt khó, cái này mới chính là đồng vốn. Còn khi làm được thì vốn tự biết tới kiếm mình. Chính cái sự thiếu thốn nó dạy những chủ doanh nghiệp nhỏ cách xoay sở, cách ra quyết định, học từng quyết định và trả giá từng quyết định một. Ngày xưa nếu tôi có nhiều tiền, có thể tôi chưa chắc thành công, vì tiền nhiều thì sẽ dư tiền đóng học phí, nên khó rút ra bài học. Qúa ít sai lầm trong những quyết định 5 triệu, 10 triệu thì tự dưng có quyền quyết định vài tỉ, vài chục tỉ sẽ không tránh khỏi quyết định sai.
Khởi nghiệp mà tiền vốn nhiều quá, chưa chắc đã thành công đâu à! Ví dụ có 1 hoạt động nào đó mình thấy không hiệu quả, kẻ ít vốn thì đau đầu vắt óc ra để quyết định có nên tiếp tục hoạt động đó hay chuyển nguồn lực sang cái khác. Vắt cạn óc rồi thì sẽ nghĩ ra cách, quyết định dẹp là dẹp để bảo toàn vốn. Còn kẻ dư tiền thì chưa suy nghĩ tới, mà quanh quẩn rút tiền vốn ra nuôi hoạt động đó, rồi từ từ cụt vốn luôn.
Những nghiệp chủ thành công cũng bắt đầu từ 2 bàn tay trắng. Vốn họ đâu? CHỮ TÍN và TRUNG THỰC nó chính là VỐN đó. Mình có Chữ Tín tự nhiên nhà cung cấp cho mình thiếu nợ không lãi suất. Mình trung thực rõ ràng về tiền bạc thì người ta mới dám bỏ vốn cho mình làm.
Đồng tiền là nhạy cảm, ai cũng biết xài tiền, nên không có ai ngu mà đưa tiền cho mình xài dùm hết. Người ta coi cách mình xài tiền ra sao thì mới dám đưa tiền cho mình xài để kiếm ra tiền cho họ.
Bước sang giai đoạn mở rộng khi tiền không còn là vấn đề thì có 1 vấn đề sống còn khác: CON NGƯỜI.
Ai giải quyết được bài toán con người thì người đó phát triển, không giải quyết được thì chính cái sự mở rộng đó nó quay lại đè chết doanh nghiệp.
Vì con người là 1 tài nguyên có đầu óc, nếu cái đầu óc đó nó cống hiến xây dựng thì nó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển rất nhanh. Còn nếu nó chịu phá thì cũng không gì sụp nhanh bằng.
Càng về sau mọi quyết định lớn đều không thể không tính đến yếu tố CON NGƯỜI. Ai làm? Người đó làm được không? Làm sao để người đó hết lòng? Người đó làm được đến đâu? Làm sao tạo ra con người bền vững….
Vấn đề không đơn giản đâu. Tôi cũng đang giải bài toán đó. Nó cũng chẳng có mộ hình nào có sẳng, mỗi doanh nghiệp có 1 lịch sử phát triển khác nhau nên chính sách về nguồn nhân lực cũng không học hỏi qua lại được nhiều đâu.