Em thấy cố phần hóa hoặc kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài của trường công giống như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thôi, giúp tăng chất lượng và có nguồn vốn dồi dào để đầu tư cho cơ sở vậy chất và chất lượng giáo dục. Liên quan gì đến Vin mà cụ bảo chửi?!
Ví dụ cho cụ thấy điều này nhé:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/chuyen-kiem-tien-o-harvard-va-oxford-2679995.html
Chuyện kiếm tiền ở Harvard và Oxford
“Nếu không sớm chấn chỉnh nguồn thu tài chính, Oxford khó nằm ở vị trí top ba đại học nổi tiếng nhất thế giới. Đã đến lúc chúng ta không thể đặt tương lai của ngôi trường vào sự trợ cấp của nhà nước nữa”, Phó hiệu trưởng John Hood nói.
Một góc đại học Harvard.
Năm nay 53 tuổi, John Hood là một người New Zealand từng may mắn vào Oxford từ học bổng của Rhodes. Ngoài ra, ông còn là “người ngoài” đầu tiên trong lịch sử 900 năm của Oxford được giao chức vụ Vice chancellor (Phó hiệu trưởng). Chức vụ Chancellor, Hiệu trưởng, hiện trong tay ông Chris Patten và chỉ có tính cách danh dự.
J. Hood đã kinh qua nhiều nghề, như lãnh đạo nhánh sản xuất giấy và xây dựng của tập đoàn Fletcher Challenge ở New Zealand trước khi làm Phó hiệu trưởng Đại học Auckland vào năm 1999.
Để giúp Oxford có nguồn tài chính dồi dào đầu tư vào trường lớp, mời các giáo sư lỗi lạc triển khai các dự án nghiên cứu mũi nhọn nhằm thu hút nhiều sinh viên từ các nước giàu có, đặc biệt là Mỹ, hòng cạnh tranh với Harvard và Princeton, ông cần nhiều hơn 30% của tổng thu 860 triệu USD, tức khoản tiền Chính phủ Anh rót cho hàng năm.
Việc nâng học phí từ 2.100 USD/năm lên thành 5.600 USD/năm kể từ năm 2006, dù chưa bù nổi chi phí thực tế 17.000 USD cho một sinh viên mỗi năm mà nhà trường đang thiếu, đã gặp phải làn sóng phản đối rất lớn. Học phí mỗi sinh viên đóng và trợ cấp chính phủ cấp chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng chi phí cần thiết cho một sinh viên trong một niên học là khoảng 35.000 USD. Tuy đã đầu tư vào vài lĩnh vực sinh lợi nhưng mỗi năm, Oxford vẫn bị thâm thủng khoảng 35 triệu USD.
Ông John Hood rất muốn mở rộng thêm hệ thống 39 trường độc lập bơm vốn cho Oxford, vì với tổng giá trị các quỹ tài trợ hiện có là 3,7 tỷ USD, đại học này thua xa Harvard (22 tỷ USD) và Stanford (13 tỷ USD) ở Mỹ. Ông đã thuê Jon Dellandrea, một chuyên gia kêu gọi vốn tài trợ giáo dục từ các mạnh thường quân ở Đại học Toronto, về phụ việc. Trách nhiệm lớn đang thuộc về Dellandrea vì hàng năm, nội số tiền cựu sinh viên Harvard nay đã là những triệu phú này, tỷ phú nọ đóng góp cho trường cũ đã lên đến hơn 500 triệu USD, trong khi các cựu sinh viên Oxford chỉ gửi về cho trường cũ của mình có 150 triệu USD.
Rất có thể John Hood sẽ phải bắt chước đối thủ Harvard ở khoản kêu gọi trợ giúp và đầu tư từ các mạnh thường quân. Lâu nay, trong khi giới sinh viên, học sinh khắp thế giới ước mơ được vào Đại học Harvard học thì giới quản trị viên các nước phát triển lại nhìn Công ty Harvard Management (HMC) để học hỏi về nghề đầu tư và quản lý.
Trong suốt 10 năm qua, Harvard Management luôn ghi nhận mức lãi trên đầu tư hàng năm là 15,9%, trong khi mức lãi trung bình ở các quỹ đầu tư lớn chỉ là 10,1%. Nhờ tài quản lý vốn của Harvard Management mà Đại học Harvard nay có tài sản tiền mặt sẵn sàng cho những dự án đầu tư sinh lãi khác lên đến 12,2 tỷ USD, tức bằng tổng nguồn kinh phí tài trợ mà Đại học Yale nhận được.
Tổng giám đốc HMC là Jack R. Meyer, từ Rockerfeller Foundation chuyển đến năm 1999. Ông có biệt tài “đánh hơi” các nguồn đầu tư an toàn và chắn chắn sinh lãi để lấy tiền tài trợ của các mạnh thường quân đầu tư vào, sinh lợi lớn cho Đại học Harvard. 15% tổng quỹ vốn được ông dùng mua trái phiếu kho bạc chính phủ liên bang Mỹ và 11% dành mua các loại cổ phiếu bình thường khác ở thị trường Mỹ. Phụ việc với ông là 175 chuyên gia. Họ rải tiền của Harvard ra thật rộng và thật xa, không bỏ qua các cơ hội ở thị trường hải ngoại.
Trong số cổ phiếu mà Đại học Harvard sở hữu có cổ phiếu công ty chuyên về gỗ, công ty chuyên về nhu yếu phẩm, công ty chuyên về bất động sản và cả những khoản nợ nước ngoài của các chính phủ ở những thị trường đang phát triển. “Cũng như giáo dục là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, chúng tôi kiên nhẫn đầu tư vào những cổ phiếu sẽ chỉ sinh lợi lớn về lâu, về dài”, Meyer nói. Ông không tiết lộ mình được hưởng lương, thưởng là bao nhiêu nhưng năm qua, hai quản trị viên cao cấp phụ việc cho ông có tổng thu lên đến 25 triệu USD mỗi người.