Thông tin mới nhất từ Dân trí :
"Cháu không sợ khổ, chỉ sợ không được đi học và đói"
(Dân trí) - Là hai chị em nhưng lại cùng mẹ khác cha. Năn nỉ, lạy lục mãi chị gái mới thuyết phục được bác và dì không bán em trai sang Trung Quốc.
>> Tội lắm, chị gái 8 tuổi nuôi em 17 tháng và ông ngoại già
Đó là những “nghịch cảnh cuộc đời” sau bài báo “Tội lắm, chị gái 8 tuổi nuôi em 17 tháng và ông ngoại già”, phản ánh của Dân trí về trường hợp 2 cháu bé sớm mồ côi cha và mẹ ở xóm Ninh Gia, thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Trong chuyến đi trao quà cho 2 cháu bé ngay sau khi bài báo lên trang (ngày 26/8), PV Dân trí đã phát hiện những sự thật khó tin.
Không có cha, mẹ mất sớm, gánh nặng đổ lên vai bé Hòa khi bước sang tuổi thứ 9.
Năm 2008, sau khi mẹ mất, cháu Nguyễn Thị Hòa (giờ đã lên 9) phải kiêm luôn vai trò của người mẹ để nuôi đứa em trai và ông ngoại già. Em trai là Nguyễn Văn Hải, vừa tròn 2 tuổi, người gầy đét, dặt dẹo vì thường xuyên bị đói.
Ông Nguyễn Văn Bình, bác ruột của 2 cháu bé cho hay, Hòa và Hải là hai chị em ruột nhưng cùng mẹ mà khác… cha. “Tụi nó chưa một lần được biết mặt cha, tôi là bác mà cũng không biết cha của 2 đứa vì “cô ấy” không công khai. Chỉ nghe phong phanh cha của cháu đầu là người trong làng, còn cha của cháu thứ 2 là người trên… tỉnh. Từ khi sinh ra đến nay, chưa thấy một ai đến nhận 2 cháu là con của mình cả”, ông Bình cho biết.
Bé Hòa nhắm tịt mắt khi nghĩ đến chuyện không được đi học vì hoàn cảnh khó khăn.
Cuối năm 2008, bà Nguyễn Thị Ba, mẹ của 2 cháu bé qua đời vì căn bệnh viêm gan và suy tim cấp. Hòa phải thay mẹ nuôi em, cộng thêm ông ngoại già đã 76 tuổi lẩn thẩn, khó tính. Từ giặt giũ, nấu cơm đến việc đồng áng như cấy lúa, trồng khoai đều đổ lên vai của cô bé năm nay vào lớp 5 Trường tiểu học Hiệp Hòa, Bắc Giang.
“Cháu không sợ khổ, chỉ sợ không được đi học và… đói. Từ khi mẹ mất, trong nhà chẳng còn nhiều thứ để ăn, xin bác, dì, bà con xóm giềng được chút nào hay chút ấy”, cô bé Hòa tâm sự. Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào năm học mới, không như bạn bè cùng lứa, Hòa không có được niềm vui mặc áo quần mới. Sách vở cũng không có gì hơn ngoài mấy cuốn sách cũ nát xin lại từ bà con trong làng.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, họ hàng ruột thịt của 2 cháu Hòa và Hải khá đông, trên thì có 2 ông bác, dưới có 2 bà dì, nhưng không mấy ai giúp đỡ được gì nhiều vì cơ bản cùng… nghèo. Ngay cả ông Bình, bác ruột của 2 cháu bé cũng đang phải “gồng lưng” để nuôi 4 đứa con trong nhà tuổi ăn tuổi lớn. “2 đứa con đầu của tôi đều đang thất nghiệp, 2 đứa sau đang còn đi học, hàng ngày tôi phải chạy xe ôm đến tối mịt mới đắp đỡ cuộc sống qua ngày. Tôi nhận cháu nhỏ về nuôi mà cũng không biết được bao thời gian”, ông Bình thở dài.
Nhà bác là thế, nhà các dì của 2 cháu bé cũng chẳng khá hơn. Khó quá, nghèo quá, đã có lúc các cậu, dì họp nhau lại để bàn tính việc… bán cháu bé cho nhà người khác. “Nói thật chúng tôi cũng định bán cháu bé khi mẹ cháu mất để đỡ một gánh nặng. Có người ở Lạng Sơn đến giả 20 triệu đồng rồi cơ đấy. Nhưng lương tâm tôi và nhà tôi không cho phép vì dù sao cháu cũng là con của em gái mình. Với lại con chị (tức cháu Hòa) cũng năn nỉ cho em trai được ở cùng nó để nương tựa lẫn nhau”, ông Bình kể.
Ngày 26/8, TBT Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn
đích thân đến trao quà của bạn đọc cho 2 cháu nhỏ.
Những phần quà hảo tâm của bạn đọc sẽ giúp 2 cháu vượt qua khó khăn trước mắt
Theo ông Bình, hiện tại gia đình đang cố gắng xin UBND xã trợ cấp cho 2 cháu theo diện “mồ côi cả cha lẫn mẹ”. Ngoài ra, 2 sào ruộng mà mẹ 2 cháu bé để lại thì anh em họ hàng nhận cày cấy giúp để lo cho các cháu không bị đói. Với 2 cháu bé, vẫn đang rất cần những tấm lòng hảo tâm.
http://dantri.com.vn/c167/s167-346682/chau-khong-so-kho-chi-so-khong-duoc-di-hoc-va-doi.htm
Đây là bản sửa mới được biên tập lại của báo Dân chí : ???
“Cháu không sợ khổ, chỉ sợ không được đi học và đói”
(Dân trí) - Là hai chị em nhưng lại cùng mẹ khác cha. Năn nỉ, lạy lục mãi chị gái mới thuyết phục được bác và dì không bán em trai đi.
Nhắc đến trường hợp bé Hòa vừa sang tuổi thứ 9 đã phải "gánh gồng" nuôi em trai và ông ngoại già, người dân ở xóm Ninh Gia, thôn Trung Hòa (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) ai ai cũng thương cảm. Gặp chúng tôi ở đầu xóm, bà Nguyễn Thị Đường, hàng xóm của bé Hòa xót xa kể: "Mẹ nó có bệnh từ nhỏ nên ở vậy không lập gia đình. Năm 1999 bà ấy đi "kiếm" được đứa con để ở cho vui nhà vui cửa. Sau khi cháu Hòa ra đời thì ông ngoại cho 2 mẹ con ra ở riêng trong căn nhà phên tre chỉ đủ kê một cái giường và kiềng bếp"...
Mẹ bé Hòa tên là Nguyễn Thị Ba mắc phải căn bệnh xơ gan cổ chướng, nhà quá túng quẫn không có tiền đi viện nên ở vậy nuôi con. Thế rồi căn bệnh cũng thuyên giảm phần nào khi chị Ba chạy chữa bằng thuốc nam. Đến năm 2006, với hy vọng có một cậu con trai để nương nhờ về sau cũng thành hiện thực, chị Ba có thêm cháu thứ 2 là Nguyễn Văn Hải. Nhưng lúc này cuộc sống của 3 mẹ con trở nên chật vật hơn bao giờ hết, chị Ba lại mắc thêm căn bệnh suy tim cấp nên chỉ nằm một chỗ. Mọi công việc trong nhà, ngoài đồng đổ dồn lên vai bé Hòa lúc đó chỉ mới 7 tuổi.
Mẹ mất, bé Hòa đóng thêm vai mẹ cho đứa em trai vừa tròn 2 tuổi.
Niềm vui ngắn chưa tày gang, cuối năm 2008, chị Ba mất vì một cơn suy tim cấp. Bé Hòa từ vai chị nay kiêm thêm cả vai của mẹ để chăm sóc đứa em còn quá non nớt và phục vụ cơm nước cho ông ngoại đã 76 tuổi, mắt mờ, tai điếc, suốt ngày lẩn thẩn trong nhà. Thay mẹ nuôi em nhưng Hòa vẫn đau đáu một nỗi chờ đợi sẽ có ngày, người cha của cả 2 chị em trở về cưu mang, vợi đi nỗi trống vắng tình mẹ. Nhưng, ngày cũ qua đi, ngày mới bắt đầu, hình bóng người cha chưa thấy đâu, chỉ thấy nơm nớp nỗi lo vì... đói. "Cháu không sợ khổ, chỉ sợ không được đi học và bị... đói. Từ khi mẹ mất đến giờ nhà chẳng có gì để ăn, xin của các bác, các dì, hàng xóm mãi người ta cũng chán", bé Hòa tâm sự. Thế nên cả 2 chị em mắt sáng long lanh khi chúng tôi trao những phần quà sữa, bánh, gạo do bạn đọc giúp đỡ ủng hộ. Có lẽ lâu lắm rồi 2 chị em mới được ăn những thức ăn ngon lành đến vậy.
Thiếu thốn tình thương của cha mẹ, vì vậy hai chị em Hòa luôn quấn quýt bên nhau. Tuy nhiên Hòa cho biết đã có lúc em phải lạy lục, van xin mãi thì các bác, các dì mới không bán em trai đi. "Mẹ cháu trước khi mất đã trăn trối dù thế nào thì chị em cũng phải đùm bọc, yêu thương nhau. Nên cháu van xin các bác, dì đừng chia lìa chúng cháu", Hòa kể.
Dù vất vả khổ cực, nhưng bé Hòa rất thích được đi học. Năm nay em đã vào lớp 5, Trường tiểu học Hiệp Hòa, Bắc Giang. Không có áo quần mới, sách vở đẹp như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng mắt em vẫn long lanh khi nghĩ đến chuyện được đến trường. "Cháu sợ phải nghỉ học lắm. Đói cháu có thể chịu được, nhưng không được học cháu sẽ buồn lắm ạ", Hòa nói mà gần như khóc.
Hiện nay, Hòa và em trai đang được bác trai cả là Nguyễn Văn Bình nhận nuôi, dù gia cảnh của ông cũng hết sức túng quẫn, khốn khó. "Dù có khó khăn mấy nhưng tôi cũng cố để nuôi các cháu, dù sao nó cũng là máu mủ của em gái mình", ông Bình thở dài.
Theo tìm hiểu của Dân trí, căn nhà ông Bình đang ở có được từ vay mượn anh em, bà con chòm xóm. Năm 2008, ông thế chấp căn nhà vay tiền ngân hàng cho đứa con trai đi xuất khẩu lao động, nhưng lại đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế nên đi gần một năm, con trai ông vẫn chưa đưa về được đồng nào. Nợ nần lại ngày càng chồng chất, nhận nuôi thêm 2 cháu đang làm ông quá sức.
Theo ông Bình, hiện tại gia đình đang cố gắng xin UBND xã trợ cấp cho 2 cháu theo diện "mồ côi cả cha lẫn mẹ". Ngoài ra, 2 sào ruộng mà mẹ 2 cháu bé để lại thì anh em họ hàng nhận cày cấy giúp để lo cho các cháu không bị đói. Với 2 cháu bé, vẫn đang rất cần những tấm lòng hảo tâm.