Ở Ha noi muốn làm người tử tế cũng không được hay sao
Ở Ha noi muốn làm người tử tế cũng không được hay sao
Nguồn :
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/09/nghi-van-an-chia-suat-com-tu-thien-cua-benh-nhi/
Nghi vấn 'ăn chia' suất cơm từ thiện của bệnh nhi
B
ức xúc trước việc Bệnh viện Nhi không cho quán cơm 5.000 đồng bán "vì căng tin không bán được hàng", nhiều người đặt nghi vấn "có sự ăn chia giữa bệnh viện và căng tin" để bán suất ăn giá 25.000 đồng cho bệnh nhân.
> Thiếu gia đất mỏ bán cơm 5.000 đồng
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/nhip-dieu-tre/2012/09/thieu-gia-dat-mo-ban-com-5-000-dong/
Sau khi VnExpress.net đăng bài "Thiếu gia đất mỏ bán cơm 5.000 đồng", nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư tới chia sẻ và cảm ơn tấm lòng của Nguyễn Thành Trung cùng nhóm bạn. Nhưng cũng không ít người bày tỏ sự bức xúc khi Bệnh viện Nhi Trung ương không cho nhóm từ thiện bán cơm. Nhiều nhóm từ thiện phản ánh, từng bị bệnh viện cản trở khi phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân.
"Ông chủ" quán cơm di động 5.000 đồng cho biết, trước khi bán cơm đã xin phép bệnh viện và được "gợi ý" đóng 25.000 đồng một suất cho Phòng công tác xã hội. Sau đó, Phòng sẽ nhờ căng tin bệnh viện nấu và nhóm của Trung chỉ việc tới phát cơm cho bệnh nhân. Thấy số tiền nộp vào khá lớn, hơn nữa muốn tự tay chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân nghèo để tiết kiệm chi phí, Trung đã từ chối nộp tiền.
Sau hai tháng bán cơm 5.000 đồng trước cổng Viện Nhi, quán cơm của Trung bị bệnh viện cấm với lý do "căng tin không bán được hàng" và "vệ sinh an toàn thực phẩm". Buổi bán cuối cùng đó, Trung xin được phát miễn phí đồ ăn cho bệnh nhân nhưng cũng không được chấp nhận nên nhóm chở cơm tới bệnh viện khác.
"Hôm đó, bảo vệ của bệnh viện thậm chí còn ngăn không cho bệnh nhân ra nhận cơm và mời cả công an phường tới can thiệp. Người dân quanh đó và cả bệnh nhân ra xin cũng không được", Trung kể lại.
Quán cơm di động 5.000 đồng của Trung trước khi bị cấm bán ở cổng sau của Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hoàng Hà.
Tương tự, nhóm Đồng hành thiện nguyện đoàn của chị Thúy cũng buộc phải dừng việc phát cháo sáng miễn phí tại Bệnh viện Nhi Trung ương sau gần một tháng hoạt động. Cả tuần bận rộn nhưng cứ đến thứ 7, hơn 10 thành viên của nhóm lại quyên tiền rồi tự nấu cháo mang tới phát cho các cháu nhỏ vào mỗi sáng chủ nhật.
Sau ba lần "trót lọt", lần thứ tư, nhóm Đồng hành bị cấm phát cháo miễn phí. Chị Thúy kể, hôm đó trời mưa tầm tã, bảo vệ không cho người nhà bệnh nhân ra lấy cháo. Sau 1-2 lần đưa qua khe cổng, chị cùng một tình nguyện viên xách khoảng 50 hộp cháo đi bộ ra cổng trước để phát.
"Lúc đó mình chỉ nghĩ làm cách nào mang được vào vì nhiều người bệnh đi ra mà không nhận được cháo. Mang vào được hai lần thì bị cấm, mọi cổng vào đều bị chặn, kể cả lối qua nhà xác. Nhóm người trong bệnh viện vừa đuổi vừa lớn tiếng chửi bới chúng tôi", chị Thủy bức xúc kể và cho hay, trước đó, Phòng công tác xã hội của bệnh viện cũng tư vấn mua suất ăn do căng tin nấu với giá 25.000 đồng.
"Mỗi lần phát phiếu ăn cho cả trăm người nên nếu làm theo gợi ý của viện thì số tiền khá lớn. Mỗi lần nấu ba nồi cháo lớn chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng mà vẫn đủ chất, trong khi nếu mua phiếu 25.000 đồng, chúng tôi phải mất 5 -6 triệu đồng", chị Thủy phân tích.
Còn Trung chia sẻ, với mỗi suất cơm bán 5.000 đồng, nhóm chỉ phải bù lỗ 2/3, tức giá trị thực là 15.000 đồng. Trong khi, nếu mua phiếu 25.000 đồng, nhóm sẽ phải bù lỗ 20.000 đồng một suất.
Việc Bệnh viện Nhi Trung ương không cho các nhóm từ thiện tự nấu và phát đồ ăn đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Phần lớn ý kiến cho rằng, không nên cấm quán cơm 5.000 đồng hay cơm, cháo miễn phí khác chỉ vì "căng tin không bán được hàng". Một số người còn nghi ngờ Phòng công tác xã hội "ăn chia" với căng tin nên không muốn để các nhóm vào làm từ thiện.
"Sao Bệnh viện Nhi lại làm thế, khi lòng tốt của những người như Trung bị từ chối. Hay những người nghèo phải góp tiền cho người giàu ở bệnh viện (căng tin) mới đúng? Hay chỉ vì căng tin không bán được hàng mà bệnh viện để bao bệnh nhân nghèo không được tiếp cận lòng tốt của Trung và các bạn sao?", nickname Bảo Linh viết.
Không ít bình luận tỏ ra bức xúc: "Lương y như từ mẫu, vậy mà những người khoác áo Blue trắng lại không cho bán cơm giá rẻ, phát cơm miễn phí cho người nghèo, vì sợ căng tin của họ không bán được".
Hộp cơm 25.000 đồng ở căng tin Bệnh viện Nhi Trung ương và
Hộp Cơm 5.000 đồng (phải) của Trung. Ảnh: Bình Minh.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ cao cấp Vũ Quý Hợp, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bệnh viện không từ chối cá nhân hay tổ chức hỗ trợ từ thiện cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. Nhưng quan điểm của bệnh viện là tất cả thức ăn nấu từ các nơi khác mà không có cam kết an toàn thì không dám nhận vì "nếu xảy ra ngộ độc thức ăn sẽ rất phức tạp".
Nói về quán cơm 5.000 đồng, bác sĩ Hợp cho rằng, ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ là đáng khen ngợi, mục đích từ thiện là đáng quý nhưng về mặt quy trình "có lẽ cần hướng dẫn để họ khỏi chệch hướng bởi làm từ thiện chệch hướng đôi khi phản tác dụng".
"Nếu bệnh nhân ăn không may bị ngộ độc hàng loạt thì không biết có tìm được những bạn đó không hay bằng chứng nào. Tôi chắc chắn không một cơ quan chức năng nào cấp cho nhóm cơm 5.000 đồng giấy phép để bán cơm ở cổng sau Bệnh viện Nhi vì chỗ đó không phải địa điểm bán hàng", bác sĩ Hợp lý giải nguyên nhân quán cơm 5.000 đồng bị cấm.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tháng 7/2012, Phòng công tác xã hội nhận được hơn 146 triệu đồng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho bữa ăn nhân ái của bệnh nhi. Tháng 6, số tiền này là 160 triệu, và tháng 5 là hơn 172 triệu đồng...
Ông Chủ tịch Công đoàn cho hay, mọi hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức đều phải thông qua đầu mối là Phòng công tác xã hội. Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu (phụ trách Phòng công tác xã hội) cho biết, căng tin ký hợp đồng với Ban giám đốc bệnh viện và chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho bệnh nhân và cán bộ công nhân viên của bệnh viện.
"Tôi chỉ là người xin tiền của nhà tài trợ sau đó thanh toán trực tiếp cho căng tin. Ví dụ, nhà hảo tâm ủng hộ 30 suất, họ sẽ gửi lại tiền 30 suất để tôi trả cho căng tin với giá 10.000 đồng (cháo) và 25.000 đồng (cơm)", bà Thu phân trần và nói, đặt suất cơm bao nhiêu tiền là do nhà tài trợ xem mức giá mặt bằng và khả năng họ muốn. Nếu đặt suất quá rẻ, căng tin sẽ không làm được.
"Đặt cơm 20.000 đồng căng tin vẫn phải làm nhưng trông suất cơm như thế bèo bọt. Bệnh nhân đã nghèo, đói, cần mình bao cấp mà cho dạng bố thí như vậy thì không nên. Đi xin cho bệnh nhân thì xin luôn bữa tối thiểu là 25.000 đồng. Các nhà tài trợ cũng hoan hỉ với suất cơm giá ấy", bà Thu chia sẻ.
Trước nghi vấn của các độc giả rằng "liệu căng tin và Phòng công tác xã hội có ăn chia tiền cơm từ thiện cho các bệnh nhân", sau một hồi ngập ngừng, bác sĩ Hợp khẳng định: "Với trách nhiệm và thể diện, tôi tin là không ai mong ăn tiền đó. Mình là người được giao nhiệm vụ làm cầu nối giữa người tài trợ và người hưởng tài trợ mà lại ăn tỷ lệ thì dưới cách nhìn nhận và hiểu biết về nhân viên của mình, tôi khẳng định là không có".