Quy trình quản lý XNK các mặt hàng trong Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế sẽ rất phức tạp dẫn tới tình trạng một loại hàng hóa lại bị quản lý theo nhiều chính sách khác nhau!
Thí dụ một doanh nghiệp nhập khẩu đậu nành (đậu tương):
- nếu nhập khẩu làm dược liệu ===> Bộ Y tế quản lý
- nếu nhập khẩu làm thức ăn cho người (làm đậu phụ, sữa, dầu ăn...) và thức ăn cho gia suc, tôm cá... ===>Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT....
Tương ứng với mục đích nhập khẩu có lẽ sẽ bị áp các mức thuế suất khác nhau tùy thời điểm....
Chính vì vậy các Bộ ngành và doanh nghiệp đã yêu cầu sửa đổi thông tư này!
Cần sửa Thông tư 48, tránh tình trạng một mặt hàng hai chính sách quản lý
Để tránh tình trạng một mặt hàng nhập khẩu thuộc hai danh mục áp dụng theo hai chính sách quản lý khác nhau, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi Thông tư số 48/2018/TT-BYT.
Trước đó, liên quan đến việc làm thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật, để quản lý chặt chẽ đối với các mặt hàng thuộc Danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế (Danh mục dược liệu; các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam).
Tuy nhiên, doanh nghiệp, đơn vị hải quan phản ánh vướng mắc trong việc làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật, cụ thể: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả... để làm thực phẩm; gừng, tỏi, sả... để làm gia vị.
Các hàng hóa này đều có tên trong Danh mục dược liệu ban hành kèm theo Thông tư số 48/2018/TT-BYT nhưng doanh nghiệp không được Bộ Y tế cấp phép các mặt hàng này do không sử dụng làm dược liệu, cũng như doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để xin phép theo các quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, trước mắt, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp Danh mục hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhưng chủ yếu dùng làm thực phẩm để áp dụng chính sách nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Về lâu dài, để tránh tình trạng một mặt hàng nhập khẩu thuộc hai danh mục áp dụng theo hai chính sách quản lý khác nhau, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi Thông tư số 48/2018/TT-BYT theo hướng: Chỉ đưa vào Danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu, áp dụng chính sách quản lý theo quy định tại Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ CP; đối với những sản phẩm chủ yếu để làm thực phẩm thì đưa ra khỏi Danh mục dược liệu, bổ sung vào Danh mục sản phẩm thực phẩm, áp dụng chính sách quản lý theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong thời gian chờ ý kiến từ các bộ, đối với sản phẩm nhập khẩu được doanh nghiệp khai báo chủ yếu để làm thực phẩm như: Đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả, gừng, tỏi, sả, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị hải quan địa phương giải quyết thủ tục nhập khẩu cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.