em copy tiếp, em xin hỏi có cụ nào biết hội phụ huynh của trường Nam Trung Yên đã phát biểu ý kiến gì chưa
Truong Anh Ngoc
6 phút ·
Hà Nội ·
Câu chuyện ở trường Nam Trung Yên và bà hiệu trưởng ở đó thực ra không hề mới với nhiều người, vì nó xảy ra ở nhiều nơi, ở chính các ngôi trường họ dạy và con em họ học. Các giáo viên biết, các phụ huynh biết, học sinh cũng biết, nhưng "luật im lặng" đã bao trùm lên tất cả.
Hôm qua, một cô giáo viết cho mình rằng, gần như trường nào cũng như vậy cả, nhưng vì miếng cơm manh áo mà người ta không thể lên tiếng, "bởi chúng em không sống một mình, chúng em còn có cha mẹ và con cái phải nuôi". Một giáo viên khác viết đại ý rằng, nhà trường giống như một "nhà tù" vậy, vào đó không dễ, cũng phải chạy chọt để có chỗ dạy, nhưng ra cũng không đơn giản, vì ra cũng có nghĩa là mất chỗ làm, không nơi nào nhận lại nếu đã có "phốt" chống lại hiệu trưởng, và vì thế, họ phải im lặng và thỏa hiệp với rất nhiều những sai trái mà một người đứng đầu đã đặt ra để làm lợi cho cá nhân người đó trên danh nghĩa là "làm lợi cho tập thể", nếu không sẽ bị quy kết đủ thứ và bị trù dập.
Những nỗi uất ức cứ dồn nén mà không thể bày tỏ một cách công khai được, bởi việc nói ra trên Facebook cho nhiều người biết cũng có thể bị quy kết là chống đối và có thể bị kỉ luật. Việc vào comment và like những post về giáo dục như của mình cũng có thể đem đến cho họ những nguy cơ. Những người thầy thấy mình đứng trước biết bao sức ép, từ lương tâm của họ, từ quyền lực và thành tích, từ chính các bậc cha mẹ và đủ thứ việc linh tinh khác nữa ngoài chuyên môn, chẳng hạn như một UBND xã cho cô giáo đi tiếp khách (xảy ra ở Hà Tĩnh). "Chính vì thế, người ta mới tuyển giáo viên xinh, biết múa, biết hát, chuyên môn bồi dưỡng sau", một cô giáo viết. Những chuyện như thế xảy ra rất nhiều, và nếu không có mạng xã hội, không có báo chí vào cuộc, không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu.
Có cả những message mà phụ huynh gửi cho mình. Phụ huynh ấy đặt ra một vấn đề rất đáng suy nghĩ:
tại sao các phụ huynh nói riêng và hội đồng phụ huynh không thể thể hiện vai trò quan trọng nào trong đời sống học đường và không lên tiếng trước các sai trái? "Nói thẳng ra, hiệu trưởng hay giáo viên cũng chỉ là người làm thuê", vị phụ huynh này viết, "vì tất tần tật các khoản, từ học phí, tiền xã hội hoá, các loại quỹ, ... đến tiền ăn, nước uống, giấy vệ sinh... đều do phụ huynh đóng góp. Tiền đầu tư cơ sở vật chất, trang trí lớp học, trồng cây, mua sắm cơ sở vật chất, lương giáo viên cũng từ tiền đóng góp của phụ huynh mà ra".
Thế nhưng xét cho cùng, trong nền giáo dục này, phụ huynh không phải là chủ thuê mà thực ra là người đi xin xỏ và nhà trường là nơi ban phát ân huệ và bổng lộc, nơi mà người ta lẽ ra phải dạy con em chúng ta những điều hay lẽ phải, nhưng cũng ẩn chứa bên trong biết bao điều tăm tối mà vì nhiều lí do, "luật im lặng" khiến các giáo viên, học sinh và phu huynh không dám lên tiếng, dù biết đó là xấu, là tiêu cực. Đơn giản bởi vì họ cảm thấy mình thấp cổ bé họng, không thể chống lại được một cơ chế mạnh mẽ và thiếu minh bạch áp đặt lên họ. Bao trùm lên là một tâm lí bất lực và buông xuôi.
Từ một môi trường như thế, con cái chúng ta sau này lớn lên sẽ ra sao?