Và đây nữa, để tiêu diệt cứ điểm Pa thí, còn có các lực khác, các anh đã nằm lại tại trận địa. Đến hôm nay, các thế hệ sau này mãi ghi nhớ chiến công của các anh, xin thắp một nén hương để tỏ lòng tôn kính, các anh hùng liệt sĩ:
Quy tập các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào tại Nghĩa trang Đồng Tâm, Bá Thước. Ảnh: M.T
(THO) - Thiếu úy Khăm Kẹo lái xe kỳ cựu nhất của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn (Lào) kể với tôi rằng: Năm 1966-1967, bố Khăm Kẹo đã cùng bộ đội Việt Nam làm con đường lên Pha Thí. Bây giờ ông bố đã trên 70 tuổi rồi. Cứ mỗi lần thấy xe của Khăm Kẹo chuẩn bị đi Pha Thí, ông lại dặn: “Con xin với cấp trên chạy tuyến đường khác, đừng đi tuyến Pha Thí, nguy hiểm lắm, không may xe lao xuống vực là đời con bằng hết”.
Năm 1986, tôi và anh em trong đội công tác đi khảo sát để đưa bộ đội lên Pha Thí, chiếc xe Gát do lái xe Lê Văn Quân lái đã lao xuống vực sâu. Trước khi xe đổ, Quân còn kịp thét lên “Vĩnh biệt các anh” rồi mới chịu ôm trọn vô lăng – xe lăn 17 vòng xuống đáy vực, bận ấy ngoài Quân bị thương gãy chân, gãy tay, còn thêm 2 chiến sỹ nữa bị thương nặng.
Sau 12 năm, hôm nay đoàn chúng tôi trở lại Pha Thí, chiến trường xưa ác liệt nhất của Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn. Đang là mùa khô của Lào, nhưng do bị ảnh hưởng gió mùa đông bắc ở Việt Nam trời Sầm Nưa mấy hôm nay u ám. Mưa giăng giăng, rét đến kinh khủng, đường ô tô lên Pha Thí xe chỉ chạy được một chiều, lại phải vượt qua 5 cái dốc cổng trời. Chiếc xe Zin 64-67 do Phạm Đình Sao lái như con trâu già phì phò nặng nhọc, bò chậm chạp chở 16 cán bộ và chiến sỹ, còn chiếc xe u-oát hồng thập tự mới được đi đại tu về lần đầu được đưa đi thử nghiệm ở Lào do Lê Hữu Khiêm lái thì tay lái một đường xe đi một nẻo, *** xe cứ đánh pan tưởng chừng muốn hắt 7 con người ngồi trên đó xuống vực. Hai xe bò cách thị xã Sầm Nưa 17 km hết 3 giờ không đi được nữa. Mưa to, xe của bạn đi cùng bị hỏng, toàn đội nằm lại ở một bản nhỏ người Mông bàn tính cách giải quyết. Tôi được anh em trong đội cử quay lại Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn xin chi viện xe và phụ tùng thay thế. Gặp tôi bùn đất be bét khắp người, đồng chí Bua Phim, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn kéo tôi vào phòng rồi nhỏ nhẹ: “Mình khuyên Thư nếu trời nắng hãy đi Pha Thí, còn thời tiết thế này nên quay lại Sầm Nưa, đừng để anh em thương vong khi chưa cần thiết”. Tôi nêu quyết tâm của anh em trong đội và biện pháp khắc phục xe trên đường đi. Cuối cùng thấy tôi kiên quyết đi, đồng chí Bua Phim cũng đành nói: “Tôi chịu các ông rồi” và anh đã chỉ thị cho cơ quan kỹ thuật mở kho dự trữ cấp cho tôi một ít phụ tùng và cho một xe chở tôi trở lại bản người Mông.
Ngày hôm sau, toàn đội vẫn lên đường theo kế hoạch với tâm trạng lo lắng vì trời mưa ngày càng to. Vượt dốc thứ nhất, khi xe bắt đầu xuống dốc, đã phải cài cả ba cầu, khi xe đang nhích từng tấc một để leo dốc thứ hai thì đột ngột lái xe kêu lên: “Tất cả trèo bám lên đầu xe cho đầu xe chúi xuống”. Cả trên hai chục con người beo níu lấy đầu xe mặt mày be bét bùn đất và cứ lúc trèo lên, khi tụt xuống, cả đội dầm mình trong mưa rét để hành quân. Đồng chí Lâm, cán bộ cơ yếu ngồi cạnh tôi rét run lên cầm cập, anh nói trong hơi thở: “Số mệnh anh em mình nằm trong tay lái của lái xe, nếu chỉ cần tay lái chệch một cái là toàn đội ta về âm phủ theo các đồng chí liệt sỹ...”. Mãi tới 17 giờ xe mới bò lên được bản Mường Nhứt, còn phải đi tiếp 13 km nữa mới đến sân bay Hói Mạ, đó là nơi đồn trú đóng quân canh phòng của đơn vị 18 của bạn. Đứng ở Mường Nhứt nhìn lên thấy mấy cái chấm sáng như sao trời, tôi hỏi một người dân bản: “Cái gì đó ?”, họ cười nói: “Bộ đội ơi, cái chấm sáng kia là nhà tôn của Bộ đội 18 đó”. Chỉ có 13 km mà xe của chúng tôi đi mất 3 giờ mới tới nơi. Cả đội bỏ cả cơm, mặc dù đã đói mềm nằm lăn ra lán mà thở...
Pha Thí đây rồi. Nhìn từ xa núi Pha Thí như một con cá voi khổng lồ bị mắc cạn, nằm mờ ảo trong màn mưa và sương mù dày đặc. Bây giờ chúng tôi đã đến chân Pha Thí, nhìn lên đỉnh núi. Con người trở nên nhỏ bé và bất lực trước những vách đá dựng đứng chọc trời, tạo nên một cảm xúc xa vời vợi. Đỉnh núi cao 1.700m so với mặt biển. Trên đỉnh núi có diện tích 4km2 quanh năm giá lạnh. Đây là điểm cao quân sự hết sức lý tưởng. Vì vậy ngay từ những năm 1964-1968, tổ hợp quân sự do Mỹ - quân Chư Hầu và Phỉ Vàng Pao đã chiếm núi Pha Thí. Từ đây, chúng dùng pháo tầm xa bắn phá dã man vùng giải phóng Lào, trực tiếp uy hiếp 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa. Hơn thế nữa, trạm ra đa do Mỹ điều khiển, luôn chỉ điểm cho không quân Mỹ ném bom các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ 2 nước Lào-Việt.
Do tính chất cực kỳ nguy hiểm của căn cứ Pha Thí, bạn đã yêu cầu ta phải giúp bạn giải phóng Pha Thí. Các đơn vị: E217, 219 công binh đã mở đường từ Sầm Nưa lên Pha Thí. Các đơn vị pháo mặt đất, pháo cao xạ bí mật, vượt núi, xuyên rừng chiếm các điểm cao xung quanh Pha Thí, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị bộ binh, đặc công của ta và bạn đánh Pha Thí. Do địa hình hiểm trở, đường lên đỉnh Pha Thí chỉ có lối lên, phải dùng thang dây bò bám vào vách đá để đột nhập các lô cốt hầm ngầm trại lính trên đỉnh Pha Thí. Do địa hình hiểm trở và độc đáo như vậy nên suốt từ năm 1965 mãi đến 1968 ta mới giải phóng được Pha Thí. Biết bao cán bộ và chiến sỹ của các đơn vị: D7, D5, đoàn 766, E923, 907, 959, D54 cao xạ, D41, D31 đã anh dũng hy sinh. Những thổ dân còn sống ở các bản quanh Pha Thí hôm nay kể lại rằng: “Máu của bộ đội Việt Nam đã nhuộm đỏ cả khúc sông Nậm Ét, con suối Huội Hào và cả xung quanh sân bay dã chiến Hói Mạ”.
Còn hôm nay, chúng tôi trở lại chiến trường Pha Thí để tìm lại hài cốt cha ông mình. Pha Thí đã khác xưa. Trên đỉnh núi kia đã có các đơn vị của bạn chốt giữ, sân bay Hói Mạ đã có một bản người Mông, người Lào Lum sinh sống. Dựa vào dân bản, đoàn chúng tôi tìm được địa chỉ của cha ông mình ngã xuống cách đây trên 30 năm. Rừng Lào vẫn uy nghi trầm mặc, tìm nơi yên nghỉ của cha ông mình là cả những câu chuyện huyền thoại. Đoàn đến một khu rừng nằm sát chân núi Pha Thí, bỗng nhiên có một bầy chim lạ thấy đoàn đến chúng không bay đi, cả đàn chim bay phân chia ra đậu thành từng hàng thẳng lối trên các cây rừng kêu thảm thiết. Một chiến sỹ trong đoàn nói: “Hay là linh hồn các bác liệt sỹ hiện hình kêu chúng ta đấy ! Hãy đào thử xem”. Và cả đoàn đào ở các vị trí có chim đậu thì đúng ở đó đều có hài cốt liệt sỹ.
Hay một lần đến suối Huội Hào, khi hoàng hôn đã buông xuống, chim rừng đã nháo nhác về tổ. Toàn đội đã tìm được 30 hài cốt liệt sỹ ở khu vực này. Thế mà lúc ra về, mọi người không ai đi được cứ níu chân lại, chiến sỹ Phan Văn Cẩm gọi tôi: “Chú ơi, tại sao cả dải rừng xanh kia lại có một bụi luồng chết đứng. Ta đào thử xem chú”. Cả đội đốt lửa rừng đào hơn một giờ đồng hồ thì hất tung được bụi tre lên, dưới đó có một hài cốt liệt sỹ nằm ngay thẳng như một pho tượng, trên di hài người liệt sỹ còn cả chiếc dù hoa quấn cổ và chiếc nhẫn bằng đuy ra máy bay còn nằm trong cốt xương...
Rồi một hôm tại khu rừng bản Huội Xiêng, toàn đội mò mẫm cả ngày chỉ tìm được hai hài cốt liệt sỹ, nhưng dân bản ở đây nói rằng có 3 bộ đội Việt Nam hy sinh chôn ở hai khu rừng này. Cả đội thất vọng định thu dọn dụng cụ quay về. Chiến sỹ Bùi Văn Ba nói: “Để cháu trở lại cái chỗ buổi sáng thắp hương để cúng thần thổ địa và kêu các linh hồn liệt sỹ xem sao ?”. Có ai ngờ cái nơi đầu tiên đoàn đến đặt lễ, dâng hương lại chính là nơi có hài cốt liệt sỹ thứ ba mà đoàn đang đi tìm. Thảo nào khi mới đốt hương lên, cả ba thẻ hương cứ cháy bùng bùng và còn nữa... cái ngày 20-12-1998 toàn đội được lệnh chở hài cốt về cửa khẩu Na Mèo – Thanh Hóa xe do Phạm Đình Sao điều khiển. Đại úy Hoàng Minh Thế đội trưởng chỉ huy, ngồi trên xe còn có 7 chiến sỹ trinh sát, đặc nhiệm, thế mà khi xe đến ngã ba đường: một về cửa khẩu Na Mèo, một về cửa khẩu Pa Háng, Sơn La. Lúc lái xe đến ngã ba, tất cả 9 người ngồi trên chiếc xe ấy cứ như người bị thôi miên, không ai nhận ra đường về Na Mèo, Thanh Hóa nữa, mà cứ cho xe chạy hướng Pa Háng, Sơn La. Lúc đó tôi đi trên chiếc xe tiền trạm của bạn đến Quân khu Viêng Xây, chờ đến mỏi cả mắt không thấy xe chở hài cốt đâu cả. Hỏi dân đi đường, mới biết là xe bộ đội chở hài cốt đã đi về hướng Sơn La.
Khi về nước, tôi đến thư viện tìm đọc lại ký sự của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, ông kể về chiến trường Pha Thí, tôi mới hay các khu vực chúng tôi lấy hài cốt là khu vực trước đây các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam thuộc Quân khu Tây Bắc chiến đấu hy sinh, trong đó có rất nhiều cán bộ và chiến sỹ quê ở Sơn La. Lúc đó, các chiến sỹ của chúng ta hành quân đi từ Sơn La qua cửa khẩu Pa Háng sang Sầm Nưa. Còn hôm nay, sau 30 năm họ lại trở về quê, không còn phải đi bộ, những con người bằng xương bằng thịt năm xưa bây giờ đã hóa thân trong những bộ hài cốt nằm im lặng dưới màu cờ đỏ của Tổ quốc. Những linh hồn liệt sỹ đã thôi miên 9 cán bộ và chiến sỹ ngồi trên chiếc xe kia dẫn đường cho họ được quay trở lại con đường mà họ đã ra đi từ 30 năm trước nay mới được trở về.
Cả đoàn chúng tôi dừng lại bên dòng sông Mã, chúng tôi đốt vàng mã, rải tiền âm phủ, đóng bè chuối thả xuống dòng sông Mã cầu nguyện cho các linh hồn phù hộ cho xe chở về Thanh Hóa được bình an.
Còn biết bao huyền thoại về chuyện đi tìm hài cốt liệt sỹ Việt Nam ở chiến trường Pha Thí, ở đó trong những cánh rừng bạt ngàn bốn mùa mây che phủ. Trong các hang động lạnh lẽo u tịch kia, khi đoàn chúng tôi tìm vào vẫn còn nguyên vẹn những chiếc sạp làm bằng tre nứa cho bộ đội nằm, những thùng phi đựng nước cho thương binh tắm, những bếp dã chiến xếp ba hòn đá thay kiềng, những ống lon, ống bò, những đôi dép cao su đã mòn vẹt theo năm tháng hành quân đánh giặc. Cả đoàn bồi hồi xúc động nhìn lên vách đá trong hang, một dòng chữ nguệch ngoạc đục vào vách hang: “Vĩnh biệt Pha Thí”. Người chiến binh nào biết mình không sống nổi, những ngày nằm điều trị trong hang đá này đã viết những lời cuối cùng để hôm nay chúng tôi được quay trở lại nơi anh ngã xuống để tìm đưa các anh về nước. Các anh đã vĩnh biệt Pha Thí rồi, còn chúng tôi những người còn sống sẽ phải trở lại Pha Thí để tìm lại quá khứ - một thời oanh liệt của các anh.