Đến Hải Phòng không thể không ghé qua tượng đài nữ tướng Lê Chân. trong tâm khảm người dân thành phố Cảng, về một vị nữ tướng tài sắc vẹn toàn, người khai sinh ra trấn Hải Tần phòng thủ, tiền thân Hải Phòng ngày nay. Chắc không phải ngẫu nhiên mà tượng nữ tướng Lê Chân trở thành niềm tự hào, một trong những biểu tượng của Hải Phòng, và ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, những người con miền biển và du khách thập phương náo nức về dự lễ hội đền Nghè và lễ hội đình An Biên - một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của thành phố Cảng.
Sinh ra và lớn lên trong thời kì loạn lạc, khi quân Đông Hán xâm lược nước ta, sắc đẹp mê hồn của nàng Lê Chân lại là một nguyên cớ gây cho gia đình tai biến không ngờ. Một lần Thái thú Tô Định đi kinh lý qua miền Đông Triều, có kẻ nịnh thần tâu với hắn rằng Lê Chân là một tiên nữ giáng thế. Tô Định dung quyền thế của mình để ép nàng làm vợ, nhưng Lê Chân nhất mực từ chối. Chuyện cầu hôn không thành, Tô Định đã hãm hại cả bố mẹ Lê Chân. Căm giận Tô Định- quân cướp nước tham tàn bỉ ổi, Lê Chân quyết chí trả thù nhà, đền nợ nước. Nàng đã đi tìm thầy luyện võ nghệ, binh thư cho mình. Khi võ nghệ đã tinh thông Lê Chân đã di cư đến vùng đất An Biên, An Dương, Hải phòng để chiêu tập binh mã. Vùng đất An Biên lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất phù sa mới được bồi đắp, lơ thơ cỏ dại và mấy túp lều tranh của dân chài lưới. Đến vùng An Biên, Lê Chân bắt tay vào khai khẩn đất hoang, lập ấp mở làng, tích trữ lương thảo, sắm sửa vũ khí và thu nạp quân sĩ, binh mã. Khi đã có lương thảo, quân sĩ trong tay Lê Chân lên xứ Đoài gặp Hai Bà: Trưng Trắc, Trưng Nhị để xin được tham gia đánh giặc. Gặp được người đồng tâm mưu nghiệp lớn, Lê Chân cùng Hai Bà Trưng ngày đêm bàn tính kế sách khởi nghĩa diệt quân Đông Hán.
Được sự hưởng ứng của các Lạc tướng và lạc dân chỉ trong một thời gian ngắn, ngọn cờ chính nghĩa của Hai Bà đã tập hợp được 65 huyện thành trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng từ Mê Linh ra khắp các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố. Chẳng bao lâu quân khởi nghĩa đã hạ được 65 thành. Bọn tàn quân Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải. Hai Bà Trưng xưng Vương và đóng đô ở Mê Linh. Bà Lê Chân được ban thưởng rất hậu và được phong làm tướng trở về trấn ải vùng Đông Triều Quảng Ninh và An Biên, Hải Phòng.
Tại An Biên, Hải Phòng bà Lê Chân tiếp tục cho mở rộng trang trại vận động nhân dân khai khẩn đất hoang dọc theo sông Tam Bạc biến thành đồng lúa, nương dâu và đặt cho vùng này là An Biên trang. Tiếp nối công đức của người cha, bà Lê Chân mở lòng từ thiện cứu giúp người nghèo, khuyến khích nghề nông phát triển. Dân cư trong vùng ngày thêm đông đúc, trù phú.
Ghi nhớ công ơn của nữ tướng Lê Chân, đặc biệt công khai phá và lập ra làng An Biên xưa - nay là Hải Phòng, người dân Hải phòng đã xây dựng đền Nghè thờ bà Lê Chân trên phố Mê Linh, Bà được coi là Thành hoàng của Hải Phòng. (theo website dulichhaiphong.com.vn)