Ngày 1:
6 người-3 gia đình tụi em bay từ Nội Bài thẳng vào Côn Đảo, đầu năm vé khá cao, chuyến bay thẳng tới Côn Đảo giờ khá nhiều: Hải Phòng, Thanh Hoá, Tp HCM, Vũng Tàu, ... hoặc các cụ chọn kết hợp đi Tàu từ Sóc Trăng hoặc Vũng Tàu ra nếu muốn trải nghiệm đi tàu cao tốc
Tụi em ở khách sạn Secret Hotel-4sao, xếp sau 6sensces thôi, ngay cạnh biển, cách các điểm du lịch như các nhà tù, bảo tàng, nghĩa trang, nhà chúa đảo- bán kính 1km
Khách sạn có bể bơi khá đẹp
Tới khách sạn khoảng 8h sáng, gửi đồ xong ( do 2h mới nhận phòng), ngồi cafe và bắt đầu mới tìm hiểu thông tin sơ bộ và những điểm đi thăm
Tổng quát về Côn Đảo:
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo, diện tích tự nhiên (phần đất liền) khoảng 76km2, trong đó đảo lớn nhất là hòn Côn Sơn, diện tích khoảng 52km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện, dân sốgần 7.000 người, không có đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Ngày 1 tháng 2 năm 1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Vì vậy dưới thời Pháp thuộc đã có câu rằng:
“Côn Lôn đi dễ khó về
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”
Quần đảo Côn Lôn trước khi thuộc Pháp, thuộc tỉnh Hà Tiên, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản lý.
Ngày 16 tháng 5 năm 1882 tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận quần đảo Côn Lôn là một quận của Nam Kỳ.
Tháng 9 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn.
2/3 dân số trên đảo là bộ đội, dân huyện đảo nhưng gần như không làm nghề đi biển, điều này giải thích tại sao hải sản toàn được cấp từ tàu đánh bắt đi ngang qua hoặc nơi khác cấp đến
Vào mùa gió chướng 10-12 AL hàng năm tàu thuyền đất liền khó ra đảo nên giá cả sẽ tăng lên đáng kể
Tụi em nghỉ ngơi đến 9h thì đắt đầu khám phá
- Điểm đến đầu tiên là Bảo tàng nằm cách khách sạn 500m, em nhập vào một đoàn có hướng dẫn viên ( bảo tàng có mỗi một anh làm HDV ) nên thăm quan cũng sinh động và nhiều thông tin hơn
Bảo tàng lưu giữ và trưng bày khá đầy đủ hình ảnh về Côn Đảo từ thời kỳ Pháp thuộc- thời kỳ này người Pháp đã xua hết dân đi, trên đào chỉ có hai đối tượng là cai tù và tù nhân
Đến thời kỳ Mỹ Diệm thì có dân ở, nhà tù cũng có cả thường phạm ngoài tù chính trị
Tổng cộng đã có hơn 20.000 tù nhân đã từng bị giam giữ ở các nhà tù Côn Đảo, và 20.000 tù nhân đã chết trên Đảo.... nghe đến đây thì bắt đầu em thấy người gai gai...
Điểm đến tiếp theo là thăm quan hệ thống nhà tù, nơi được mệnh danh là " Địa ngục trần gian"
Hệ thống
nhà tù ở
Côn Đảo gồm: Trại Phú Hải, Trại Phú Sơn, Trại Phú Thọ, Trại Phú Tường, khu biệt lập Chuồng Cọp, khu Chuồng Bò, Trại Phú An, Trại Phú Phong và Trại Phú Hưng với 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.
Trong số đó thì Trại Phú Sơn đã đóng cửa kh ông đón khách thăm quan
Em vào thăm Trại Phú Hải với đặc trưng nét kiến trúc của người Pháp: Mái ngói, tường xây đá khá dày, nền cao. Điều này khác biệt so với Trại do người Mỹ xây sau này: mái fibro ximang nhằm tra tấn người tù vào mùa nóng, cốt nền thấp nhằm tra tấn người tù vào mùa mưa
( Gốc bàng di sản này chắc bằng tuổi với nhà tù, khu nhà nó ghi là "giảng đường"...)
Tại phòng giam số 30 là câu truyện vượt ngục của hai chiến sỹ đặc công và một bạn tù, đã cắt quần áo bện thành dây, đu lên mái nhà cao tới cả mười mấy m, rồi trốn ra ngoài nhưng sau mấy hôm thì bị bắt trờ lại, sau sự kiện này thì người Pháp cho chăng một lưới thép ngăn bên trên cốt tường nhà giam
Đỉnh cao của sự tàn bạo và dã man là dãy chuồng cọp hay là khu biệt giam nằm sau cánh cổng phụ và kẹt giữa ba khu nhà tù...với hình thức tra tấn là từ trên sàn giám thị chọc gậy đầu bịt sắt vào người tù nhân, rắc vôi bột và dội nước trực tiếp xuống người tù nhân bên dưới...
Dãy chuồng cọp này bị đoàn đại biểu dân chủ của Mỹ ra thăm và phát hiện ra tháng 6/1970 và buộc chính quyền Sài Gòn đập bỏ vào tháng 7/1970 sau khi một số sinh viên Sài Gòn trong phong trào áo trắng bị nhốt giam khu này-khi đưa vào toàn bộ tù nhân đều bị bịt mắt hoặc đánh ngất, sơ suất lúc thả ra có một anh không bị bịt mắt đã nhớ sơ đồ và về Sài Gòn báo lại với đoàn đại biểu dân chủ Mỹ sắp ra thăm Côn Đảo điều tra chi tiêu quân sự cho chính quyền Sài Gòn...
Ngay đối diện nhà tù, cách một con đường là nghĩa trang Hàng Keo, nghe nói đế quốc đã từng dùng máy ủi cả nghĩa trang trắng xương người xuống biển, đặc biệt nghĩa trang này không có một nấm mồ nào...
Nghe đến đoạn này thì cả đoàn vừa căm phẫn, vừa buồn, vừa đói, vừa mệt nên quyết định tạm dừng tìm chỗ thoáng đãng yên tĩnh đi ăn
và điểm đến là ra bè ngoài vịnh với cá biển, bia lạnh và ngồi ngắm biển xanh ngút tầm mắt