Nhân bàn về nhân vật trong truyện chưởng của Kim Dung và Cổ Long, có những ý kiến bảo thủ, thiên vị, khi yêu thích KD bằng cách dìm CL và ngược lại.
Ở đây, câu chuyện về phong cách giữa hai tác giả, dù đã cũ, nhưng luôn giúp chúng ta có một góc nhìn cân bằng và rộng rãi hơn.
Mời cụ mợ bổ sung những chi tiết khác nhau giữa hai phong cách CL - KD nhé. Làm vậy ko phải để nâng người này hạ người kia, mà giúp ta đọc truyện thêm thú vị, sẵn trên cái nền hiểu biết chung.
***************
Kim Dung và Cổ Long, ai tài giỏi hơn?
Câu hỏi này thật sự là rất khó trả lời, bởi vì hai người họ thật sự là khác nhau rất lớn, cho dù là tính cách, tướng mạo, sở thích, hay là trải nghiệm, tài sản, tuổi tác,…v.v.
Tuy nhiên, nói khó thì thật ra cũng không khó lắm, chỗ khác biệt giữa Kim Dung và Cổ Long, thật ra chỉ là ba chữ mà thôi.
1.
Kim Dung viết về chốn dân gian, Cổ Long viết về nơi chân trời hẻo lánh
Trong tác phẩm của Kim Dung và Cổ Long, mỗi người họ đều tự đặt ra cho mình câu hỏi về nhân sinh và sinh mệnh.
Câu hỏi của Kim Dung là: “Ta là ai?“.
Còn Cổ Long hỏi: “Chân trời còn bao xa nữa?“.
Kim Dung, là suy tư mang tính triết lý đằng sau cái gọi là đầy đủ, sung túc, điều được hỏi là ý nghĩa của đời người.
Câu hỏi của Cổ Long, chính là tìm kiếm trong sự cô độc, phiêu bạt nay đây mai đó, điều được hỏi chính là nơi trở về của nhân sinh.
Hiệp khách của Kim Dung chính là hiệp khách của chốn dân gian, chính là giống như bạn và tôi những con người của cõi phàm tục này, mãi luôn bị nhân tình thế thái bao vây, cha mẹ – sư trưởng – bằng hữu – quân thần, dân gian – gia tộc – miếu đường – giang hồ, các loại quan hệ, các hiệp khách đều phải đối mặt.
(Dương Quá và Tiểu Long Nữ)
Những nhân vật của Kim Dung họ đều có lai lịch rõ ràng, thư hương thế gia Trần Gia Lạc, lênh đênh cô khổ tiểu Dương Quá, dòng dõi hoàng tộc Đoàn công tử, tận trung báo quốc Quách Đại hiệp. Ngay đến cả nhân vật có lai lịch bất minh như Vi Tiểu Bảo, ít nhất thì chúng ta cũng biết được mẹ ruột của y là ai.
Đọc giả có thể biết được tuổi thơ của họ, phong cách nói chuyện của họ, mối tình đầu của họ. Họ bị Kim Dung đẩy vào chốn giang hồ, cũng giống như bạn từ ghế nhà trường bước vào xã hội vậy, muôn vàn sóng gió, muôn vàn trắc trở, mỗi hy vọng mà họ có được, mỗi một cạm bẫy, mỗi một bước trưởng thành, bạn đều cảm thấy được rất rõ ràng.
Hiệp khách của Cổ Long thì lại không như vậy. Hiệp khách của ông là hiệp khách của chân trời.
Cổ Long không phải là không thể viết về nhân gian, nhưng trong phạm vi khá là hạn hẹp, giống như một ca sĩ chất giọng có hạn vậy. Hễ viết về nhân vật nhỏ, thì phải mời ra quán rượu; hễ viết đến cuộc sống của Vương công Thần giả, cũng chỉ có tấm thảm Ba Tư, thịt sườn bò, mĩ nữ thoát y ngả vào lòng. Ông viết không được rõ ràng là họ ăn cái gì, tặng nhau lễ vật gì, nói những chuyện gì. Thế là Cổ Long tự mình mở ra một con đường, kiên quyết rời khỏi nhân gian, đưa những hiệp khách của ông lang bạt đến tận chân trời.
Hiệp khách của ông không có lai lịch, tựa như những vì sao lẻ loi, dường như là khi trời đất bắt đầu, ngay cái thời khắc mà cánh cửa giang hồ mở ra, thì họ đã lạnh lùng ở trong đó rồi.
Họ mãi mãi đang đi đường, nhưng lại không biết sẽ đi về đâu.
(Lục Tiểu Phụng)
Độc giả không biết được quê hương của họ, không biết được mối tình đầu của họ. Bạn có thể biết rõ người đàn bà bên cạnh họ lúc này, nhưng lại không biết là họ đã từng yêu ai.
Quách Tĩnh gặp được Hoàng Dung, chúng ta biết được chàng phần nhiều sẽ nghĩ về Hoa Tranh; Hồ Phỉ gặp được Miêu Nhược Lan, chúng ta biết được chàng phần nhiều sẽ nhớ đến Trình Linh Tố. Nhưng nếu Lục Tiểu Phụng quen được một cô nương thì sao? Chỉ có trời mới biết được rằng y sẽ nhớ đến ai.
Hiệp khách của Cổ Long, trước sau vẫn không xử lý những quan hệ xã hội phức tạp. Cuộc đời của họ chỉ có hai việc: sinh tồn và tử vong.
Hình ảnh trong cuộc sống của họ chỉ có ba loại: giường ngủ, quán rượu, đỉnh núi (hay nóc nhà): “nằm ngủ trên giường, xã giao trong quán rượu, quyết chiến trên đỉnh núi“.
Người mà họ đối diện cũng chỉ có ba loại: “bằng hữu, kẻ thù, và người qua đường“.
Có thể bạn sẽ hỏi: Còn phụ nữ thì sao? Câu trả lời chính là: “người phụ nữ sau khi chấm dứt rồi thì đường ai nấy đi, cũng chẳng khác gì người qua đường vậy“.
2.
Kim Dung viết mặt trời, Cổ Long viết ánh trăng
Đây là chỗ khác biệt thứ hai của hai người.
Hiệp khách của Kim Dung, thường thường là võ sĩ chói lọi như mặt trời.
Khi sống điều mà họ tâm đắc là “anh hùng hảo hán, vì nước vì dân“; điều mà họ hát trước khi chết là “hãy thiêu hủy tấm thân tàn của ta, hỡi ngọn lửa thánh hỏa rừng rực“.
Trận chiến vĩ đại nhất của họ khi ở thành Tương Dương, trên núi Hoa Sơn, Quang Minh đỉnh, ở Nhạn Môn quan đều diễn ra vào ban ngày; đoàn thể lớn mạnh nhất của họ, thứ mà họ tôn sùng là ngọn lửa nóng bỏng; người có võ công mạnh nhất trong họ có họ Đông Phương, võ công lợi hại nhất tên Quỳ Hoa (hoa mặt trời), tất cả đều chỉ hướng về mặt trời.
(Tiêu Phong đả bại quần hùng ở Thiếu Lâm tự)
Hiệp khách của Cổ Long, lại là những hiệp khách thuộc về đêm trăng.
Sở Lưu Hương rõ là thuộc về đêm trăng: “Biết ngài có bạch ngọc mỹ nhân, khéo léo khắc thành, vô cùng xinh đẹp, không thể dằn lòng tưởng đến. Giữa đêm nay, đạp trăng tới lấy”.
Phó Hồng Tuyết là người thuộc về đêm trăng; “Trăng sáng ở nơi nào? Chính là ở trong lòng chàng, trái tim của chàng chính là ánh trăng”.
Mỗi một vị hiệp khách đều theo khí chất màn đêm nồng nặc. Vào ban ngày, họ lười biếng, ẩn mình, chỉ đến ban đêm mới xuất hiện. Chính như A Phi là con sói dưới đêm trăng, Tây Môn Xuy Tuyết là tảng băng giá dưới đêm trăng, Lục Tiểu Phụng là tinh linh dưới đêm trăng, Lý Tầm Hoan là thần dưới đêm trăng.
Vậy nên, trận chiến vĩ đại nhất của Cổ Long thường là diễn ra vào buổi tối. Trận quyết chiến giữa Lý Tầm Hoan và Thượng Quan Kim Hồng là diễn ra vào buổi tối: “Ngọn đèn đang cháy, tim đèn đã sắp cháy hết”.
Trận quyết đấu giữa Tây Môn Xuy Tuyết và Diệp Cô Thành, cũng là diễn ra vào buổi tối: “Giữa đêm trăng tròn, trên nóc của Tử Cấm Thành“. Anh hùng của Cổ Long, trước giờ không thích quyết định số phận của mình vào ban ngày.
3.
Kim Dung viết kiếm, Cổ Long viết đao
Đây là chỗ khác biệt thứ ba giữa họ.
Kiếm là vua của các loại của vũ khí, sắc bén, cao quý, tao nhã, cân đối. Hiệp khách giang hồ của Kim Dung là thiên về dùng kiếm, trong 14 bộ tiểu thuyết, đao thật sự chiếm vai chính chỉ có ba bộ: “Tuyết sơn phi hồ”, “Phi hồ ngoại truyện”, “Uyên ương đao“, còn lại gần như toàn bộ đều là thiên hạ của kiếm.
Nếu như không có “Tuyết sơn phi hồ“, không có đao pháp của Hồ gia, thì thật sự không biết là Kim Dung sẽ thiên vị về kiếm đến trình độ nào nữa.
Trái ngược với kiếm, đao là cuồng khách trong các loại binh khí, thô lỗ, bạo lực, dứt khoát. Hiệp khách giang hồ của Cổ Long, suy cho cùng là giang hồ thuộc về đao khách.
Trong tiềm thức của Cổ Long, thường là cảm thấy kiếm là giả tạo, xem thường người khác, tự phụ. Một loại nhân vật là ông thích viết nhất, chính là con cháu danh gia khoác theo bảo kiếm, không biết trời cao đất dày, sau đó bị người ta lăng nhục đủ điều, ngược đãi đủ điều. Cổ Long thích dùng những thanh đao cao ngạo để phá vỡ cái thế giới lập dị này.
Ông đã nặn tạo nên vô số binh khí nổi tiếng, nhưng lợi hại nhất không chút nghi ngờ hiển nhiên là Tiểu Lý phi đao.
Trong số hiệp khách của ông, những người dùng đao luôn luôn có sức hút hơn so với những người dùng kiếm.
Lý Tầm Hoan dùng phi đao hấp dẫn hơn A Phi dùng kiếm, cũng như vậy Diệp Khai dùng phi đao thú vị hơn so với Lộ Tiểu Giai dùng kiếm, Tiêu Thập Nhất Lang dùng Cát Lộc Đao đặc sắc hơn so với Liên Thành Bích dùng kiếm, chính ngay đến cả Kiếm Thần Tây Môn Xuy Tuyết mà bản thân Cổ Long dày công nào nhặn, bản thân tôi cảm thấy cũng không có sâu sắc, phức tạp và lay động lòng người như Đao khách Cô độc Phó Hồng Tuyết.
Nói cho gọn lại chính là:
Kim Dung: nhân gian, mặt trời, kiếm.
Cổ Long: chân trời, ánh trăng, đao.
(từ Tinhhoa.net)