NGÀY 04: LUÔNG PHA BĂNG – VIÊNG CHĂN ( 400 KM)
5h00 - 7h00: Buổi sáng các thành viên đoàn dậy sớm. Tìm hiểu nét văn hóa tâm linh, hết sức độc đáo của người dân Lào tại Cố đô Luang Phrabang, cúng dường cho các nhà sư đi khất thực buổi sáng. Từng đoàn nhà sư đi khất thực buổi sáng sớm tinh mơ trong những dãy phố nhỏ của Cố đô Luang Phrabang như đưa chúng ta về cõi hư vô, huyền ảo….Trả phòng khách sạn và ăn sáng tại khách sạn.
7h00 - 8h30:Tham quan Hoàng Cung của Cố đô nước bạn Lào, Tham quan Chùa Xiêng Thong – một ngôi chùa được coi là đẹp nhất của Lào nằm bên bờ sông Mekong
09h00: Khởi hành đi Viêng Chăn Thủ đô thơ mộng của những ánh trăng của đất nước Lào.
13h00 - 14h00: Đoàn ăn cơm trưa tại Casi.
18h00 - 20h00: Đến Viêng Chăn đoàn nhận phòng, ăn tối và tự do về đêm tain thủ đô Viêng Chăn.Chuẩn bị cho chương trình ngày sau.
( BUỔI SÁNG, CHÚNG EM THAM GIA 1 NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DÂN LÀO - LỄ CÚNG DƯỜNG CHO CÁC NHÀ SƯ ĐI KHẤT THỰC)
Phật giáo, các vị tăng ni và những mái chùa là một phần linh thiêng, sống động trong đời sống của người dân các bộ tộc Lào.
Hình ảnh các vị sư trong màu áo vàng nghệ, trang trọng, khoan thai trì bình khất thực vào mỗi buổi bình minh ở Luang Prabang, ở Viêng Chăn và khắp đất nước Lào là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đất nước nhiều thế kỷ lấy Phật giáo làm quốc giáo này
Lần đầu tiên đặt chân đến Viêng Chăn tôi muốn được sống trong nghi lễ khất thực một cách thấu đáo. 4 giờ 30 tôi xách máy ảnh dời khách sạn đi về phía ngã tư gần ba bốn ngôi chùa lớn, trong đó có chùa Ông Tự nổi tiếng.
Ánh đèn đêm vàng rực, phố xá còn chìm trong giấc ngủ, tịnh không có tiếng ô tô, xe máy của những người đi chợ sớm như Hà Nội. Gió từ phía sông Mê Kông thổi về mát rượi, yên bình.
Ngoài đường phố lúc này chừng 5 giờ sáng, đã đông người, người ta ngồi thành nhóm dàn ngang trên hè phố, trên chiếu hay những chiếc ghế thấp
Hầu hết mọi người cả nam và nữ đều quàng phạ biêng, loại khăn quàng chéo từ vai trái xuống một cách trang trọng.
Đây là lễ phục của người Lào, phạ biêng của nam giới thì thường đơn giản, một màu, còn phạ biêng của nữ giới nhiều màu sắc với những hoa văn cầu kỳ. Nhiều phụ nữ trông rất hiện đại đi xe ô tô đến, trải chiếu xuống vỉa hè và quỳ xuống chờ đợi. Mọi người khác đều lặng yên như chìm vào suy tưởng. Một không khí linh thiêng lan tỏa trên các con phố, có những hàng cột đèn nối nhau tỏa sáng đến xa tít như những ngọn nến khổng lồ…
Mỗi Phật tử cầm sẵn lễ vật, đưa lên trán khấn nguyện rồi cung kính đặt vào bát của mỗi vị sư. Bát được làm bằng kim loại, ghép từ 8 miếng tượng trưng cho bát chính đạo, như quả bí nhỏ, miệng bát rộng cỡ một gang tay, có nắp đậy, khác với thời Đức Phật, bát chỉ làm bằng gốm. Bát được các sư lồng trong một túi vải màu vàng vừa in, có quai đeo, vì thế, khi nhận lễ vật, một tay sư mở nắp, một tay giữ bát để nó không đung đưa.
Lễ vật trước hết là nắm xôi nhỏ, những chiếc bánh tự gói, trái cây, rồi các loại bánh mua sẵn, sữa hộp, sữa tươi, có khi kèm theo một tờ tiền chừng 2000 kíp, bằng khoảng 5000 VNĐ. Theo giới luật của Phật giáo nguyên thủy, Phật tử chỉ cúng dường bằng thức ăn đã nấu chín, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng rau đã nấu chín chứ không cúng rau tươi. Vì vậy mà nhà chùa không có bếp.
Phật tử cúng gì thì các sư dùng thứ nấy, không để tâm chuyện ngon hay không ngon, chay hay mặn, vì sư đi khất thực lấy thực phẩm nuôi thân khỏe mạnh để tu tập chứ không màng chuyện mặc đẹp, ăn ngon. Tuy thế, hầu hết các Phật tử tôi thấy đều cúng đồ chay.
Ngoài người dân địa phương, người nước ngoài sống ở Lào cũng tham gia cúng dường.
Các nhà sư đã thay y áo mới, quàng kín hai vai, chân trần, lặng lẽ đi thành một hàng dài thong thả như sợ dẫm đạp lên các sinh vật nhỏ bé dưới chân. Đi đầu là vị sư có thâm niên cao nhất, đi sau cùng là các chú tiểu, mỗi vị cách nhau chừng nửa mét, tất cả đều lặng yên và nghi lễ cúng dường cũng diễn ra trong sự yên lặng gần như tuyệt đối. Không có tiếng bước chân, tiếng nói chuyện, chỉ có tiếng gió thổi lao xao.
Hết đoàn sư này đến đoàn sư khác, cả một quãng phố vàng rực mầu áo cà sa và tiếng đọc kinh êm ả. Sau khi nhận lễ vật từ một nhóm Phật tử, dù vài người hay hàng chục người, các vị sư đều đứng lại, dàn hàng ngang, cách các Phật tử chừng 2 m rồi đồng thanh đọc một bài kinh ngắn, cầu phúc cho các thí chủ.
Khi đó, các thí chủ đều cúi đầu, một tay đưa lên như bông hoa sen trước ngực trong tư thế niệm Phật, một tay cầm bình nước nhỏ rót xuống đất hay rót vào cái âu nhỏ bằng đồng mà họ mang theo, sau đó ró vào gốc cây một cách kính cẩn, mang ý nghĩa hồi hướng công đức cho đến tổ tiên, ông bà đã khuất được mát mẻ, an lành.
Chiêm ngưỡng buổi khất thực tôi được chứng nghiệm đoạn giảng kinh ở đâu đó quy định về khất thực là “khi đi vị khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện… Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình được cái gì, và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn.
Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái.
Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực”.
Những người cúng hết thức ăn thì ra về, có người tươi cười chia tay nhau, hẹn sáng mai gặp lại, còn các ni sư cũng lên ô tô trong lặng lẽ, những người còn thức ăn thì lại kiên nhẫn chờ đợi để dâng cúng tiếp. Tuy vậy, họ vẫn ngồi nguyên chỗ cũ chứ không di chuyển đến chỗ mà các sư có thể sắp đi qua.
Tôi thầm nghĩ, những người Lào bắt đầu một ngày mới bằng một nghi lễ thành kính như thế, được tắm gội tâm hồn trong không khí thanh sạch, thánh thiện như thế, làm sao họ có thể làm điều gì trái với đạo đức, với lời Phật dạy được nhỉ…