Qua một đêm, con số thống kê COVID-19 lại tụt xuống đột ngột, cả thế giới ghi nhận 1.674 ca mắc mới.
Trong một diễn biến kì lạ khác, người đàn ông Ấn Độ cả ngày xem các video liên quan đến coronavirus, vì quá lo sợ, người đàn ông ấy đã tự tử bằng cách treo cổ trên một ngọn cây ở quận Chittoor, Andhra Pradesh vào rạng sáng hôm thứ Hai.
Đây là trường hợp đầu tiên chết vì sợ hãi COVID-19.
Theo một báo cáo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 82% người bệnh mắc COVID-19 biểu hiện với “triệu chứng nhẹ”, chỉ 15% triệu chứng nặng và 3% có triệu chứng nguy kịch. Quan sát số lượng bệnh nhân nhiễm mỗi ngày, rõ ràng tốc độ lây lan của COVID-19 lại quá nhanh; điều đó chứng tỏ COVID-19 mặc dù là chủng vi rút giống như SARS nhưng độc lực vi rút không nặng như SARS, mà biểu hiện dịch lại có xu hướng gần giống với cúm gia cầm, hoặc như H1N1.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó.
Nhưng trước mắt, sự liên tưởng COVID-19 biểu hiện dịch giống cúm gia cầm, cúm mùa, mà đỉnh điểm là đại dịch cúm năm 2009 có tới 20-40% dân số thế giới mắc, thì việc phòng tránh để không bị lan rộng trong cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng.
Đến thời điểm hiện tại, dựa trên các bằng chứng cho thấy khả năng COVID-19 lây truyền chủ yếu thông qua các giọt bắn khi tiếp xúc gần với cá nhân bị nhiễm bệnh, vi rút cũng có thể truyền qua tiếp xúc bề mặt các vật dụng.
Vì thế mà phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây truyền = người khỏe mạnh phải đảm bảo vệ sinh cá nhân + người mắc bệnh phải có trách nhiệm với xã hội + thực hiện vệ sinh nhà ở + thực hiện vệ sinh môi trường nơi công sở.
…
NHỮNG ĐIỀU CÁ NHÂN CẦN LÀM
--------------------------------------------
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy: Lưu ý xà phòng thông thường là lựa chọn đầu tiên, không có xà phòng mới phải sử dụng các dung dịch sát khuẩn thay thế, hông dùng xà phòng sát khuẩn, thời gian rửa tay ít nhất 20 giây.
2. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Tốt nhất dùng khăn giấy 1 lần rồi vất vào thùng rác có nắp kín an toàn. Nếu không có khăn giấy sử dụng 1 lần thì che bằng mặt trong khủy tay áo.
3. Từ bỏ thói quen sờ tay lên vùng mặt.
4. Tự phát hiện các dấu hiệu của bệnh: Đo nhiệt độ cơ thể để phát hiện sốt, ho, hắt hơi, đau họng, tức ngực.
5. Người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, tự cách li, tránh xa nơi đông người, thăm khám bác sĩ và bệnh viện.
6. Những người không có triệu chứng không nhất thiết phải đeo khẩu trang, trừ khi đến nơi đông người, đến bệnh viện, chăm sóc hoặc tiếp xúc gần với người ốm
7. Ăn uống điều độ và đủ chất, bổ sung đủ vitamin, tập luyệt thể dục thể thao rèn sức mạnh ít nhất 150 phút mỗi tuần (rèn thêm sức bền và rèn sức chịu đựng), ngủ sớm và đủ giấc.
8. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
9. Lựa chọn cầu thang bộ thay vì đi thang máy khi lên hoặc xuống tầng thấp.
…
NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM TRONG GIA ĐÌNH
-------------------------------------------------------
1. Thường xuyên hút bụi, lau dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
2. Hạn chế dùng điều hòa nếu phải dùng thì nên sử dựng 27˚C.
3. Mở cửa thông thoáng ít nhất 60 phút mỗi lần ngày ít nhất 2 lần.
4. Có thể bật đèn cực tím trong phòng không có người ít nhất 60 phút mỗi lần ngày ít nhất 1 lần.
5. Ngâm giặt quần áo trong xà phòng hoặc khăn vải trong chất tẩy gia dụng ở nồng độ thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
…
NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN LÀM
---------------------------------------------------------
1. Theo dõi thân nhiệt hàng ngày.
2. Khi mắc bệnh phải nghỉ việc và khám bác sĩ.
3. Đeo khẩu trang nếu ho hoặc sổ mũi.
4. Người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
5. Sử dụng khăn giấy 1 lần để che mũi miệng khi hắt hơi, vất bỏ khăn giấy vào thùng rác an toàn, nếu không có khăn giấy phải sử dụng mặt trong khủy tay áo để che; thực hiện rửa tay xà phòng dưới vòi nước chảy sau khi hắt hơi.
6. Thực hiện thói quen đi vệ sinh sạch sẽ như đàn ông đi tiểu phải lật nắp bệ ngồi, xả bồn cầu sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
7. Thực hành thói quen vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng trước và sau bữa ăn, sau khi xử lí rác thải, sau khi đụng chạm vào các vật dụng bẩn, sau khi đi vệ sinh.
…
NHỮNG ĐIỀU CƠ QUAN CÔNG SỞ CẦN LÀM
---------------------------------------------------------
1. Thực hiện vệ sinh và dọn phòng làm việc hàng ngày.
2. Khử trùng các khu vực thường xuyên chạm vào như tay vịn, tay nắm cửa, màn hình kỹ thuật số, bảng điều khiển màn hình cảm ứng, bảng điều khiển trong thang máy, bàn ghế ở khu vực chung.
3. Nhà vệ sinh thực hiện khử trùng các khu vực thường xuyên chạm vào như vòi nước, tay nắm cửa, bể chứa nước, bệ ngồi vệ sinh và nắp đậy, chậu rửa, nút và công tắc.
4. Cung cấp đầy đủ giấy vệ sinh, khăn giấy và máy sấy tay (nếu có), xà phòng lỏng.
5. Đảm bảo thiết bị xả bồn cầu luôn hoạt động.
6. Đảm bảo thùng rác an toàn và được dọn sạch hàng ngày.
7. Rửa và khử trùng tất cả các thùng rác, buồng chứa rác và trung tâm thùng khi cần thiết.
8. Chống chuột và gián.
--------------
KẾT LUẬN: Đến nay, Việt Nam đã triển khai “đội đặc nhiệm đa ngành” phòng chống dịch COVID-19 và đang khống chế dịch rất tốt, con số người nhiễm vi rút vẫn chỉ dừng ở 16, trong đó có 7 trường hợp đã khỏi. Tôi vẫn tin tưởng số người nhiễm ở Việt Nam chỉ dừng ở con số dưới 20, sau 14-28 ngày không có ai mắc thêm Việt Nam sẽ công bố hết dịch, dự kiến của tôi vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4.
Bác sĩ Trần Văn Phúc