Bài biên của GS. Phạm Ngọc Đính thầy giáo đáng kính của Phương nhân sự kiện WHO hôm nay đã chính thức công bố “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.
Bài thầy viết nhóm kín không share được nên copi lại cho ai thích tìm hiểu.
(Bác sĩ Bùi Huy Phương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)
CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH CORONA LẠI BẮT ĐẦU...
Rạng sáng nay truyền thông VN đưa tin WHO đã chính thức công bố “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu” (public health emergency of international concern – PHEIC) đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp gây ra do chủng virus corona mới (New Corona virus – NCoV). Công bố quan trọng này có được sau những cân nhắc “rất khó khăn” của ông Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom (TGĐ) và các chuyên gia hàng đầu của WHO trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Điều lệ y tế quốc tế. Công bố diễn ra chỉ sau khi trên toàn cầu đã có trên 9.500 trường hợp mắc bệnh do virus corona mới trong đó có 213 người tử vong do bệnh, chủ yếu xảy ra ở Trung Quốc. Tổng số ca bệnh nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc là trên 100 có ở 18 quốc gia của 6 châu lục toàn cầu, trong đó Việt Nam đã có một số ca bệnh lây nhiễm trong nội địa.
Vậy nên hiểu thế nào về công bố PHEIC của WHO và tầm quan trọng của nó ra sao trong việc gìn giữ bình yên cho sức khỏe toàn cầu trước các dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm.
Công bố PHEIC là một nội dung hoạt động quan trọng hàng đầu của cơ quan sức khỏe toàn cầu WHO thể hiện qua văn bản Điều lệ Y tế Quốc tế (international health regulations – IHR). Điều lệ 2005 chính thức lưu hành từ năm 2005, thay thế cho những Điều lệ Y tế trước đó. Theo đó TGĐ chỉ được phép công bố PHEIC sau một loạt động thái cẩn trọng như: Tham vấn và tư vấn với quốc gia xảy ra dịch; Tham khảo ý kiến của Ủy ban về Tình trạng khẩn cấp của WHO; Tham vấn các bằng chứng đánh giá nguy cơ của bệnh dịch với quốc gia và cộng đồng thế giới từ các chuyên gia hàng đầu khác. TGĐ là người cuối cùng và cao nhất có quyền quyết định công bố PHEIC và chấm dứt PHEIC.
Điều kiện cần có để TGĐ công bố một loại bệnh dịch là PHEIC gồm 3 nội dung: (1) Sự kiện bệnh dịch gây ảnh hưởng to lớn rõ rệt tới sức khỏe cộng đồng và kinh tế-xã hội tại quốc gia có dịch; (2) Gây nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với quốc gia khác do sự lan truyền qua biên giới; (3) Cần có sự phối hợp quốc tế để ứng phó. Như vậy dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cho tới hiện nay đã hội đủ 3 nội dung điều kiện trên. Sự “khó khăn” trước đó trong quyết định công bố cấp độ dịch cao nhất của TGĐ có lẽ nằm ở những vấn đề khác của quan hệ quốc tế.
Đây là lần công bố PHEIC thứ sáu của WHO kể từ khi có IHR-2005. Điểm lại những lần công bố PHEIC trước đó:
- Lần đầu tiên WHO công bố PHEIC vào năm 2009 khi toàn cầu chìm đắm trong đại dịch cúm A(H1N1) ở trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hàng chục triệu người mắc, 18.449 người tử vong; đại dịch xuất phát từ Mexico, 4/2009 và kéo dài trong hơn một năm. Chỉ tới tháng 6/2009 PHEIC mới được công bố. Tháng 8 năm 2009, các chủng cúm A/H1N1gây đại dịch được coi là đã chuyển sang gây bệnh cúm thông thường (cúm mùa).
- Lần thứ hai PHEIC được công bố năm 2014, xuất phát từ dịch bệnh bại liệt, một bệnh gây “kinh hoàng” cho trẻ nhỏ trong quá khứ. Cho tới thời điểm công bố PHEIC đã ghi nhận có 74 bệnh nhân bại liệt tại 10 nước (Afghanistan, Cameroon, Guinea, Ethiopia, Israel, Nigeria, Pakistan, Somalia, Irac và Syri), trong đó Pakistan ghi nhận số mắc nhiều nhất (59 trường hợp). Các chuyên gia cảnh báo bệnh bại liệt đang quay trở lại và có nguy cơ đe dọa sức khỏe của cộng đồng dân cư châu Á-Phi khi chúng xuất hiện mà không có biện pháp ngăn chặn.
- PHEIC lần ba được công bố cũng vào năm 2014 liên quan tới dịch bệnh virus Ebola (DVE) diễn ra ở Tây Phi. Đó là sự bùng phát nghiêm trọng nhất của Bệnh virus Ebola tính theo số lượng các ca nhiễm và số người tử vong kể từ khi phát hiện ra các virus trong năm 1976. Dịch bệnh bắt đầu tại Guinée trong tháng 12/2013, sau đó lây lan sang Liberia, Sierra Leone, Nigeria và các nước khác và kéo dài nhiều năm.Tính đến tháng 5 năm 2016, đã có 28.646 trường hợp lây nhiễm và 11.323 trường hợp tử vong. Vào tháng 12 năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã thông báo rằng 22.000 trẻ em đã bị mồ côi, bị mất một hoặc cả hai cha mẹ do Ebola.
- PHEIC thứ tư xuất phát từ dịch bệnh do virus Zika và nguy cơ lan truyền cao của bệnh. Đây là một bệnh do muỗi truyền và có thể gây bệnh nặng, có thể tử vong hay các biến chứng nguy hại cho thai nhi và thai phụ. Bệnh dịch bắt đầu bộc phát vào tháng 4 năm 2015 tại Brasil, và sau đó lan sang các nước khác ở Nam Mỹ, Trung Mỹ và vùng biển Caribbean.Tính đến đầu năm 2016, dịch bệnh do virus Zika gây ra đã bùng phát trên diện rộng nhất trong lịch sử đang diễn ra ở châu Mỹ với hàng triệu trường hợp mắc. Vào tháng 2 năm 2016, WHO công bố PHEIC. Một số quốc gia đã ban hành cảnh báo hạn chế du lịch và di cư.
- Lần công bố PHEIC thứ năm gần đây nhất, vào tháng 7/2019 khi có dịch bùng phát do virus Ebola (EVD) tại Congo từ tháng 8 năm 2018. Tới tháng 5 năm 2019, chín tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, dịch bệnh tại Congo đã vượt qua 1.000 người chết do virus Ebola và vẫn chưa được kiểm soát. Trong khi Guinea đã ghi nhận khoảng 3.800 trường hợp mắc và 2.500 trường hợp tử vong do EVD trong giai đoạn một năm và tám tháng trong khi dịch Ebola ở Tây Phi bùng phát. Tình trạng dịch chỉ tạm tàn lụi khi có sự hỗ trợ, hợp tác hành động cao độ (hiện vẫn đang tiếp diễn) của cộng đồng nhiều quốc gia trên toàn cầu sau PHEIC được công bố.
Tất nhiên những nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng của VN đón nhận công bố PHEIC của TGĐ WHO với tâm thế của những người đã “sẵn sàng” vào cuộc. Thực tế thì y tế dự phòng (YTDP) và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) chúng ta đã vào cuộc từ tháng 2 năm 2003, khi bắt đầu cuộc chiến đẫu với dịch bệnh SARS do SARS-CoV, một chủng độc có họ hàng với nCoV hôm nay. Trong cuộc chiến đó chúng ta đã thắng dù đã phải trả giá bằng cái chết của 5 đồng nghiệp yêu quí và nhiều sự mất mát khác không thể tính toán được.
Cuộc chiến của các cán bộ YHDP và NIHE hôm nay lại bắt đầu... và chắc còn tiếp diễn lâu dài. Hãy coi nét mặt căng thẳng của TGĐ...