Sự thực về Pháp sư Trần Huyền Trang và quyển Tây Du Ký do ngài viết ra
1 - Tiểu sử Pháp sư Huyền Trang
Huyền Trang tục danh là Trần Vỹ, sinh năm Khải Hoàn thứ 16, đời nhà Đường (595) ở huyện Hầu Thị, châu Lạc Xuyên. Thân sinh là Trần Huệ, trước làm quan ở Giang Lăng, nhận thấy tình thế nhiễu nhương, cáo quan về quê dạy học. Trần Huệ có bốn con trai, Huyền Trang là con út, người anh thứ hai làm Hòa Thượng ở chùa Tịnh Độ đất Lạc Dương.
Thuở nhỏ Ngài theo Nho học, trong những buổi đến thăm anh ở chùa Tịnh Độ, Ngài thuờng ở lại nghe kinh, Pháp, với trí tuệ khác thường Ngài lãnh hội được lý nghĩa Đại Thừa rất sâu rộng. Từ đó Ngài bỏ Khổng, quy y theo Phật Giáo.
Năm 13 tuổi, Ngài được vị chủ khảo, quan Khâm Sai Trịnh Thiện Quả, đặc cách cho miễn tuổi do sự đối đáp thông minh trôi chảy. Ngài được dự vào cuộc sát hạch tuyển chọn Tăng sĩ triều đình và trúng tuyển. Sự nghiệp lớn bắt đầu từ đây.
Ngài có vóc dáng đẹp đẽ, phong quang rực rỡ, có nhiều tăng mỹ tướng. Chính Trịnh Thiện Quả đã dựa vào phong mạo của Ngài để biện bạch cho sự quyết định của mình: "Tòng nghiệp mà học đạo cho thành thì dễ, chớ phong cốt luyện cao được thì khó lắm. Cậu bé Trần Vỹ này nếu được làm Tăng, tất nhiên sẽ thành vị Cao Tăng Đại Đức trong chốn Thiền Môn không ai sánh kịp".
Ngài chính thức xuất gia tại chùa Tịnh Độ. Về sau đất Lạc Dương biến loạn, anh em Ngài đi về Trường An, tu tại chùa Trang Nghiêm. Rồi vì Trường An gặp lúc khó hành đạo, các Ngài dời đến Thành Đô tại chùa Khuông Tuệ.
Năm 27 tuổi, Ngài vân du khắp Trung Quốc để cầu học với các danh Tăng Hoa, Ấn. Dù đã đạt đến trình độ siêu việt, các giáo nghĩa của Đại Thừa vẫn chưa thỏa mãn khát vọng của Ngài. Năm 31 tuổi Ngài bắt đầu cuộc Tây du. Trải qua vô vàn gian khổ, cuối cùng Ngài đã đạt được ước vọng không lường của mình. Đi đến nơi, về đến chốn, năm 50 tuổi Ngài trở về Trường An. Ngài được vua quý trọng, xem như quốc bảo và ban làm ngự đệ. Ngài đã làm nên một sự nghiệp thế kỷ, dịch 75 bộ 1.335 quyển kinh từ chữ Phạn ra chữ Hán.
Ngài mất năm 664 tại Trường An khi trong tay đang cầm bút dịch kinh Đại Thừa. Đường Cao Tôn rơi lệ, bãi Triều 3 ngày và than thở: "Trẫm nay mất rồi một người quốc bảo". Một triệu người tham dự đám tang, ba mươi ngàn người lập lều ở quanh mộ Ngài tại Bạch Lộc Nguyên. Hình ảnh Ngài được phổ cập khắp thế giới, nhất là Đông Nam Châu Á, trong đó có Việt Nam qua sự tích Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh (Tây Du Ký).
2 - Ngài Huyền Trang xiển dương Đại Thừa Phật Giáo:
a- Tại Trung Quốc:
Huyền Trang trước khi xuất gia thường nghe Pháp Đại Thừa tại chùa Tịnh Độ, với lợi căn thông tuệ, Ngài lý hội tất cả kinh điển nghe qua. Do đó khi phát tâm xuất gia, Ngài đã ý thức được một trong năm đức lớn: "Chỉ cầu Đại Thừa vị độ nhân cố". Như thế khi xuống tóc xuất gia, Ngài đã bắt đầu phát bồ đề tâm: "Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh". Tâm bồ đề ấy Ngài đã tuyên dương qua câu trả lời với vị Chánh chủ khảo: "Tôi muốn xa nối chí chư Phật, gần hoằng dương Chánh Pháp". Để thực hiện chí nguyện, Ngài đã đi tìm cầu học khắp Trung Quốc với các vị Cao Tăng thạc đức. Song kinh điển truyền sang thời đó còn hạn chế, việc lý giải, dịch thuật chưa đáp ứng được chí tiến tu của Ngài mặc dù Ngài đã say mê tìm học đến quên ăn bỏ ngủ. Vào thời đó, Ngài là vị Giảng Sư trẻ tuổi nhất, đã đăng đàn giảng kinh Niết Bàn, bộ kinh Đại Thừa uyên thâm nhứt. Năm 31 tuổi Ngài gặp học giả nổi tiếng là Pháp Sư Phạ Mật Đa Na, học trò xuất sắc của Ngài Giới Hiền từ Trung Ấn qua, Ngài được giải tỏa nhiều nghi vấn. Và thế là chí Tây Du của Ngài được quyết định.
b- Tại Ấn Độ:
Với chí nguyện học tận gốc, tìm cho ra chân nghĩa Đại Thừa, năm mươi vạn dặm đường dài từ Trung Quốc qua Ấn Độ, phải vượt suối trèo non, băng qua sa mạc nắng cháy, những đêm lạnh cóng xương, một mình một ngựa đối đầu với muôn ngàn khó khăn nguy hiểm, mạng sống như treo đầu sợi tóc. Với chí nguyện Đại Thừa "Hủy thí thân mạng, tôn sùng đạo cố" là một trong năm đức của người xuất gia. Chí nguyện và lòng cầu nguyện Bát Nhã Tâm Kinh niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Và đây câu trả lời dứt khoát, khi vua nước Cao Xương Khúc Văn Thái lưu luyến giữ Ngài lại: "Đại Vương có thế giữ được hài cốt của bần đạo thôi, chứ tinh thần ý chí của bần đạo thì Đại Vương không thể giữ được". Và chí nguyện sắt đá của Ngài cũng thành tựu qua 24 bức thư giới thiệu với 24 tiểu quốc của vua Y Ngô.
Ngài đến đất Phật, một mặt chiêm bái các Phật tích tòng lâm, mặt khác Ngài tầm học các Kinh Luận bằng Phạn văn của cả Đại lẫn Tiểu Thừa (như Câu Xá Luận của Thế Thân, Thành Thật Luận của Ha Lê Bạt Ma) với các vị Pháp sư danh tiếng: Nhưng có lẽ nổi bật nhất là Ngài được Pháp sư Giới Hiền, lúc bấy giờ đã 105 tuổi, vẫn phá lệ khai đàn giảng lại bộ Du Già Sư Địa Luận trong 15 tháng (đặc biệt cho Ngài Huyền Trang) tại tu viện Nalanda, một ngôi Phật Tự được coi là tráng lệ nhất - đại học Phật giáo xưa nhất Ấn Độ, một trung tâm văn hóa xứ Phật, chứa tất cả Kinh Luận Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa, kinh Phệ Đà cho đến sách Gia Chu Tử. Sau ba năm Ngài đã thông suốt:
- 3 thiên bộ Du Già Sư Địa Luận
- 1 thiên bộ Thuận Chánh Địa Luận
- 1 thiên bộ Hiến Dương Đối Phá
- 2 thiên của các bộ Nhân Minh, Thanh Minh Tập luận
- 3 thiên của các bộ Trung Luận, Bách Luận.
Và quan yếu nhất là giải tỏa được nhiều điểm nghi ngờ trong các Kinh Luận Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa.
Trong vòng sáu năm, Ngài đã đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc xứ Trung Ấn Độ, qua trên 100 nước lớn nhỏ, đọc, học, ghi chép, lý giải thông qua các Kinh Luận, sách vở tàng trữ trong các thư các, đền, chùa, ghi chú thứ tự từ phong tục, tập quán, địa lý, thiên văn, đặc sản v.v... rất có hệ thống.
Đỉnh cao và công hạnh lớn nhất của Ngài đối với việc xiển dương giáo nghĩa Đại Thừa tại Ấn Độ là việc tranh luận sôi nổi nhất, có tính cách quyết định sự hưng vong của Đại Thừa Phật Giáo.
Ngài dùng lý luận sắc bén, trí tuệ bao trùm, bẻ gãy 700 bài luận huênh hoang là vô địch "Phá Đại Thừa" của Bát Nhã Cúc Đa, một Luận sư uyên thâm có nhiều thế lực của phái Tiểu Thừa.
Bằng 1.600 bài Phá Ác Kiến Luận, Ngài Huyền Trang đã đánh tan mọi mê chấp của phái Tiểu Thừa. Cao hơn nữa làm cho các Luận sư pháp Tiểu Thừa tâm phục, khẩu phục.
Phá Ác Kiến Luận có giá trị siêu việt tuyệt đối đến nỗi vua Giới Nhật, một vị vua hùng mạnh nhất xứ Trung Ấn đã tuyên cáo: Nếu ai tìm thấy một chữ sai lầm vô lý, có thế bác bỏ được thì Trẫm xin cắt đầu để tạ ơn. Sau 18 ngày Ngài ngồi ghế luận chủ, Huyền Trang đã đánh bạt tất cả luận điểm sai trái, xiển dương giáo lý Đại Thừa rực rỡ trên đất Phật. Lý lẽ vững chắc, trí tuệ sắc bén của Ngài đã làm cho nhiều Pháp sư, học giả bỏ ngay tà kiến và quy ngưỡng theo Đại Thừa tại chỗ. Tất cả Vương Tôn Công Tử, Đại Thần... tuân phục, ca ngợi Ngài không ngớt. Chính họ đã tranh nhau cúng dường Ngài vô số châu báu, lụa là, Ngài đều hồi hướng từ chối tất cả. Khi ấy vua đành lấy bộ tăng phục của Ngài đặt lên kiệu voi trắng với lời hiệu triệu truyền ra cho công chúng: "Vị Pháp Sư Trung Quốc đã kiến lập Đại Thừa và phá hủy tất cả mọi tà thuyết trong 18 ngày không ai dám đối lập. Nay tin cho công chúng biết".
Ba mươi lăm ngày tiếp theo, Giới Nhật Vương, cung thỉnh Ngài minh chứng đại hội Vô Già tại Bản La Đa Già quốc (Prayaga). Số người tham dự lên tới 50 vạn. Đàn đại thí bày ra một tháng mới đủ và hội trường mới giải tán.
c - Trở về cố hương:
Tháng giêng niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (645), Tể tướng Phòng Huyền Linh cùng các quan chức ở Trường An đi đón Ngài. Hàng trăm hương án sắp hàng để cung nghinh kinh tượng mà Ngài mang về. Dân chúng nô nức đến đảnh lễ Ngài, những con đường không còn lối đi, cảnh tượng thật kỳ diệu và linh thiêng.
Mặc dầu ra ngài Huyền Trang ra đi không được sự chấp thuận của chính quyền phong kiến, nhưng cả vua Thái Tông (626 - 649) lẫn Cao Tông (650 - 683) đều rất sùng kính Ngài và tổ chức Đại lễ ban Pháp hiệu là Tam tạng Pháp sư. Ngài cũng đã nhiều lần khéo léo từ chối đề nghị hoàn tục để nhận chức Tướng quốc của vua Thái Tông. Trong thâm tâm, Ngài vẫn mong muốn suốt cuộc đời xuất gia hành đạo để báo đáp Phật ân và quốc ân. Vua vui vẻ thuận theo và giúp đỡ rất nhiều trong công việc phiên dịch sau này.
Nếu ở Ấn Độ Ngài là một học giả, một Luận sư danh tiếng, khi trở về Trung quốc Ngài là một nhà trước tác dịch thuật đại tài. Ngài dâng trọn cuộc đời còn lại cho việc phổ cập Kinh Luận Đại Thừa mà Ngài đã học hỏi, nghiên cứu suốt hai mươi năm.
Năm 664 Ngài thành lập Hội Đồng Phiên Dịch chia thành nhiều nhóm.
- Nhóm thứ nhất: Vị Dịch chủ tinh thông Phạn văn- Hán văn (Ngài Huyền Trang)
- Nhóm thứ hai: Chuyên dịch từ Phạn văn ra Hán văn
- Nhóm thứ ba: Chứng nhận xác định đã dịch đúng
Phạn văn
- Nhóm thứ tư: Nhuận văn sửa lại cho đúng văn pháp
Trung Hoa.
- Nhóm thứ năm: Nhuận nghĩa, so bản dịch với nguyên bản.
- Nhóm thứ sáu: Duyệt xét lần cuối.
Tổng số Kinh Luận đã được dịch là 75 bộ gồm 1.335 quyển, trong đó có hai pho lớn nhất là: Đại Tỳ Bà Sơ Luận 200 quyển, bộ Định Đạt Bát Nhã gồm 600 quyển. Phương pháp dịch thuật, làm việc của Ngài thật chu đáo, khoa học, tiến bộ có thể nói vô tiền khoáng hậu như chuyến Tây du của Ngài vậy.
Nhờ công trình dịch thuật vĩ đại của Ngài mà Đại Thừa Phật Giáo được phát khởi mạnh mẽ ở Trung Quốc và các nước phía đông như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.
3 - Kết luận
Huyền Trang một mình một ngựa ngàn dặm gian lao, du học khắp xứ Ấn Độ, học vấn thành tựu, biện tài vang khắp, công thành quả mãn, Ngài đã tiếp bước Mã Minh với Đại Thừa Khởi Tín Luận, Ngài Long Thọ với Trung Quán Luận; Vô Trước, Thế Thân với Thành Duy Thức Luận. Huyền Trang có 1.600 tụng Phá Ác Kiến Luận đã nhiếp phục tất cả những kẻ đối nghịch cả hai phái Đại và Tiểu Thừa.
Tại bản xứ Ấn Độ thắp sáng chói ngọn đuốc trí tuệ Đại Thừa, đưa Đại Thừa lên đỉnh cao hưng thịnh, kết thúc việc tranh luận giữa hai bộ phái kéo dài hơn một thiên niên kỷ.
Dân Ấn người Đại Thừa tôn xưng Ngài là Đại Thừa Thiên (Ông trời Đại Thừa). Những vị Tiểu Thừa xưng tụng Ngài là Mộc Xoa Đề (Giải Thoát Thiên hay Trời Giải Thoát).