Nguồn gốc của tên gọi Do Thái trong tiếng Việt có lẽ bắt nguồn từ 犹太 (
Yóu Tài, Hán Việt: Do Thái) trong tiếng Trung. Theo trang web này (
https://www.chinesejews.com/chinese-character-for-jew) thì 犹太 xuất hiện từ năm 1833 khi Karl Friedrich August Gützlaff (1803-1851), một nhà truyền giáo người Đức thuộc giáo hội Luther (Lutheranism) viết tên gọi này trên 東西洋考每月統記傳 (Đông Tây Dương khảo mỗi nguyệt thống ký truyện, Eastern Western Monthly Magazine, nguyệt san Đông Tây) phát hành tại Quảng Châu từ tháng 8/1833 và chấm dứt năm 1838 tại Singapore.
Bản thân người Do Thái tự gọi họ là יְהוּדִים (
Yehudim, Latinh:
Judaeus), được người Trung Quốc phiên âm thành 一赐乐业 (
Yicileye, Nhất tứ lạc nghiệp) từ thời Tống và các văn bản thời Minh. Người Hán Trung Quốc đôi khi không phân biệt được người theo Hồi giáo với người theo Do Thái giáo và gọi người Do Thái là 蓝帽回 (Lam mạo Hồi, người Hồi khăn lam) để phân biệt với người Hồi thực thụ quấn khăn trắng.
Trở lại với tên gọi Do Thái. Chữ Thái (太) thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên chữ 犹 (giản thể)/猶 (phồn thể) thì có vấn đề.
Thứ nhất, nó thuộc bộ khuyển (犬, nghĩa là chó) hàm ý xúc phạm dân tộc này (mặc dù tại Trung Quốc trước năm 1956 trong tên gọi các dân tộc thiểu số đều có bộ khuyển). Một số người khi xem xét chữ này trong bối cảnh thái độ bài xích người Do Thái tại châu Âu rất mạnh khi đó đã đặt ra vấn đề cố ý của Gützlaff khi dùng từ này, do ông hoàn toàn có thể dùng 尤 cùng cách đọc
yóu (Hán Việt: vưu) nhưng không có nghĩa nào mang tính xúc phạm.
Thứ hai, ở dạng danh từ nó có các nghĩa sau:
* Âm do: Con do (một loài khỉ); họ Do; mưu kế, mưu lược.
* Âm dứu: Chó con.
Sau năm 1956 đa phần tên gọi các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc được đổi sang bộ khác, như 猺族 (Dao tộc) đổi thành 瑶族 (Dao tộc), với bộ khuyển (犬) của 猺 đổi thành bộ ngọc (玉) của 瑶; nhưng tên gọi 犹太 thì vẫn không thay đổi.