Em cũng hay lang thang các khu King Power này. Bây giờ rút kinh nghiệm ko có nhu cầu gì cụ thể thì cứ ngồi 1 chỗ cho lành vậy.
--------------
Cạm bẫy ở sân bay Thái Lan
Hàng loạt du khách nước ngoài bị buộc tội trộm đồ ở khu hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế tại Bangkok, Thái Lan, và phải trả nhiều tiền để đổi lấy tự do.
Khu mua hàng miễn thuế ở sân bay quốc tế tại Bangkok. Ảnh: BBC.
Chuyện này đã xảy ra với Stephen Ingram và Xi Lin, chuyên gia công nghệ thông tin ở Cambridge, Anh, khi họ chuẩn bị lên chuyến bay về London đêm 25/4. Họ vừa xem đồ ở khu hàng miễn thuế thì bị nhân viên an ninh đòi khám xét túi hai lần. Những người này cho biết một cửa hàng thông báo mất một chiếc ví và camera an ninh cho thấy chính cô Lin đã lấy cắp.
Công ty sở hữu cửa hàng miễn thuế này - King Power - đưa đoạn video lên trang web của họ, trong đó, cô Lin có vẻ như bỏ gì đó vào túi. Tuy nhiên, nhân viên an ninh sân bay không hề tìm thấy ví trong đồ của Lin và Ingram.
Dù vậy, cả hai người đều bị đưa trở lại khu nhập cảnh và giam tại văn phòng cảnh sát ở sân bay. "Chúng tôi bị thẩm vấn ở hai phòng khác nhau", anh Ingram nói. "Chúng tôi thấy sợ hãi. Họ khám xét và hỏi chiếc ví ở đâu".
Họ sau đó bị nhốt trong một căn phòng nóng, ẩm và bốc mùi. Trên tường là hình vẽ graffiti và đầy vết máu.
Anh Ingram tìm cách gọi điện cho đường dây giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Anh và được thông báo một người ở sứ quán Bangkok sẽ tới giúp họ. Ngày hôm sau, một phiên dịch viên tới. Người này là công dân Sri Lanka, có tên Tony, làm việc bán thời gian cho cảnh sát.
Ingram và Lin, hai hành khách bị vướng vào vụ lừa đảo ở sân bay Bangkok. Ảnh: BBC.
Tony đưa họ tới nói chuyện với chỉ huy lực lượng cảnh sát địa phương trong 3 tiếng. Tuy nhiên, tất cả những gì họ trao đổi là hai người khách Anh sẽ phải trả bao nhiêu tiền để được tự do. Viên cảnh sát nói tội của họ rất nghiêm trọng và nếu không đưa tiền họ sẽ bị tống vào nhà tù khét tiếng Hilton Bangkok. Họ có thể phải chờ hàng tháng trước khi vụ việc được đưa ra xét xử.
Những người này đòi họ 12.000 USD và hứa sẽ giúp Ingram về kịp đám tang của mẹ anh hôm 28/4. Tuy nhiên, Ingram không thể xoay xở đủ tiền ngay trong lúc đó.
Tony liền đưa họ tới máy ATM ở đồn cảnh sát và yêu cầu Lin rút hết tiền trong tài khoản (gần 1.000 USD). Ingram rút 5.600 USD. Số này được cho là đưa cho cảnh sát làm tiền tại ngoại. Ingram và Lin cũng buộc phải ký vào một loạt giấy tờ.
Sau đó, hai người được phép tới một khách sạn bẩn thỉu trong phạm vi gần sân bay. Hộ chiếu của họ bị giữ và bị cảnh báo không được bỏ đi, liên hệ luật sư hoặc sứ quán. "Tôi sẽ để mắt tới các người", Tony cảnh cáo và thêm rằng hai du khách người Anh phải ở đó tới khi 12.000 USD chuyển tới tài khoản của y.
Đến hôm 27/4, Ingram và Lin tìm cách ra ngoài và lên taxi tới Bangkok gặp nhân viên sứ quán Anh. Họ được thông báo đã rơi vào bẫy lừa đảo có tên "zig-zag". Luật sư đề nghị hai người lật tẩy Tony song cũng cảnh báo rằng vụ kiện sẽ kéo dài hàng tháng và họ có thể sẽ bị tù. Sau 5 ngày, tiền được chuyển tới tài khoản của Tony và hai du khách người Anh được trở về.
Ingram lỡ mất tang lễ của mẹ song anh và Lin đã nhận được giấy tờ tòa án trong đó nói rằng không có đủ bằng chứng truy tố họ. "Đấy thật là một trải nghiệm kinh hoàng", Ingram nói và thêm rằng họ muốn kiện để lấy lại tiền.
Phóng viên BBC đã liên lạc với Tony và chỉ huy cảnh sát địa phương - đại tá Teeradej Phanuphan. Họ đều nói rằng Tony chỉ phiên dịch và giúp hai du khách Anh đàm phán mức tiền thế chân để được tại ngoại. Tony cho biết một nửa trong số 12.000 USD là dành cho phí tại ngoại và phần còn lại là thù lao cho việc anh ta làm. Về lý thuyết, Ingram và Lin có thể lấy lại một phần tiền tại ngoại. Đại tá Teeradej nói ông sẽ điều tra song cho biết giao dịch giữa Tony và hai vị khách này là chuyện riêng, không liên quan tới cảnh sát.
Sân bay Bangkok nhận được vô số than phiền rằng hành khách thường xuyên bị giữ tại sân bay vì bị nghi ăn trộm đồ sau đó buộc phải trả tiền cho một người trung gian để lấy tự do. Sứ quán Đan Mạch cho hay một công dân của họ gần đây cũng bị dính vào một vụ tương tự. Hồi đầu tháng, một nhà khoa học Ireland định rời khỏi Thái Lan cùng chồng và cậu con trai 1 tuổi đã bị bắt ở sân bay vì bị buộc tội ăn trộm một chì kẻ mắt giá 28 USD.
Tony cho biết năm nay anh ta đã "giúp" khoảng 150 người nước ngoài gặp rắc rối với cảnh sát. Bình thường, anh ta nói làm việc này miễn phí.
Đại sứ quán Anh ở Thái Lan đã cảnh báo các hành khách ở sân bay quốc tế của Bangkok cẩn thận, không nên cầm đồ vật đi luanh quanh trong khu cửa hàng miễn thuế nếu chưa trả tiền cho món đồ bởi hành động đó có thể dẫn đến việc bị bắt và giam.
Hải Ninh (theo BBC)