Cải mộ - Một hủ tục cần sớm loại bỏ.
Em có ông bác ruột bên ngoại, mất từ năm 2006 vì ung thư phổi. Bác em lấy vợ rất muộn, em gần như ở với ông bác từ nhỏ, mãi đến năm lớp 6 khi ông lấy vợ em mới về hẳn nhà mình, vì thế mà tình cảm 2 bác cháu rất gắn bó cho đến tận khi ông mất.
Tuần trước em về tham gia bốc mộ cho bác, bốc mộ làm vào ban đêm, hôm ấy là ngày đẹp nên rất nhiều đám bốc mộ.
1 giờ sáng nhà em có mặt, toán thợ bốc mộ 6 người cũng sẵn sàng, có cả 2 người phụ nữ mặt bịt kín, chỉ hở đôi mắt và im lặng làm từ đầu đến cuối. Khác với những người đàn ông, có lẽ họ muốn giấu mặt để không cho ai biết mình làm cái nghề này. Công 1 ca bốc mộ cho cả nhóm là 4tr.
Một nắm nhang được thắp lên cùng với đống lửa to đốt lẫn với bồ kết, vỏ bưởi khô tỏa mùi thơm khén khét xua bớt cái lạnh lẽo âm u của nghĩa trang. Nghĩa trang nơi bác em nằm có tổng cộng 4 đám, mỗi đám đều treo 2 cái đèn compact, ánh sáng lập lòe trong sương đêm.
Mộ bác em đã được làm lễ và đào để lộ quan tài từ từ chiều, một người thợ nhảy xuống hố dung cái xô to múc nước rất nhanh đổ lên bờ, nước xâm xấp nắp áo quan thì dừng lại. Một người thợ dùng 1 cái que sắt 1 đầu có móc nhọn móc vào nắp áo quan, 1 đầu uốn vòng tròn được luồn 1 cái ống luồng rất to, dài, những người trên bờ ghé vai vào cái ống luồng ấy và sau một vài nhịp thì họ bật được nắp áo quan lên.
Bà già em vốn thương anh, em thì cũng tương đối cứng vía và vì phải đỡ bà già nên đứng ngay cạnh mộ và cả quá trình vệ sinh xương cốt rồi cho vào tiểu, bà con trong họ thì giạt hết. Nắp áo quan lật lên lộ ra bộ quàn áo nổi xâm xấp trên mặt nước, da thịt đã tiêu tan hết chỉ còn lại xương bên trong. Khi nhập quan ngày xưa người ta đã lót sẵn tấm lưới, hai người thợ túm 2 đầu tấm lưới nhấc lên bờ cả nhóm bắt đầu xúm vào nhặt xương, đầu tiên là xương sọ, xương vai, sương sườn, xương chân tay… họ lột dần các lớp quàn áo để lấy xương, riêng xương 2 bàn tay và 2 bàn chân thì lộn trái tất và găng tay ra.
Bác em chôn đã 7 năm nên da thịt tiêu tan sạch, không có mùi, thậm chí ông thợ cả bảo xương đã bắt đầu mủn. Những người thợ làm rất cẩn thận và thành thạo, họ rửa 2 lần nước sạch, một lần rượu và lần cuối cùng là nước thơm sau đó xếp hết lần lượt vào cái tiểu được lót 2 tờ giấy mạ vàng, trên cùng đắp 1 tấm vải lụa đỏ sau đó đóng nắp và chuyển lên xe. Nhưng trước đó khi em chờ ở nghiã trang thì cái đám bốc trước bác em có mùi, mặc dù ở xa nhưng em vẫn thấy. Thoang thoảng thôi nhưng ghê lắm.
Bà già cứ sụt sùi suốt, em nhìn xương cốt ông bác chợt nghĩ cuộc đời thật vô thường, đúng là chết là hết chả còn gì. Ngày xưa ông bác đang khỏe mạnh, K phổi từ khi phát hiện đến lúc chết đúng 6 tháng, anh em, con cháu ai cũng xót xa.
Xong xuôi mọi việc bắt đầu đưa ông bác về quê, đêm sương xuống mịt mù, xe chỉ dám chạy 40km, cả đoàn xe bồng bềnh rẽ sương mà chạy, liêu trai vãi. Hôm ấy đẹp ngày, đi dọc đường cũng gặp ba bốn đám bốc mộ ở quê, xe tang cắm nến lập lòe, kèn ỉ ôi điệu lâm khốc, các nghĩa trang dọc đường cũng lập lòe ánh đèn bốc mộ.
Xong việc trên đường về bà già bảo em, sau này bố mẹ mất chúng mày hỏa thiêu rồi gửi lên chùa, không lạc hậu thế này được. Đúng là hủ tục, phải bỏ các cụ ạ. Người nhà em thật nhưng cũng thấy mất vệ sinh và khi lật nắp quan lên thì lại thêm 1 lần xót xa.
Ngày xưa cái hồi mà rộ lên bọn ngoại cảm, đồng cốt nói chuyện với vong, rồi vong về kêu là nóng lắm vì khi táng hỏa thiêu em cũng bán tín bán nghi nên đi mua sẵn mảnh đất trên Vĩnh Hằng cho các cụ, trong đầu xác định là không chọn phương án thiêu vì sợ các cụ “nóng”. May quá gần đây xã hội đã vạch mặt bọn ngoại cảm, đồng cô nên giờ gia đình em xác định rồi. Hỏa thiêu sạch sẽ rồi gửi lên chùa hoặc đưa về quê các cụ ạ. Nếu không thì chon phương án đào sâu chôn chặt. Cái hủ tục cải táng cần phải bỏ. Em nghe kể nhiều đám lật nắp quan lên vẫn còn da thịt, phải dùng dao lóc mà rùng mình.