Em coppy paste để các cụ đọc cho vui
Nhiệt điện than trước cơn lên đồng tập thể
Năm 2018, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, tỉnh đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.
"Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường".
Không chỉ Long An, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt từ chối điện than. Trong làn sóng tẩy chay đó, hàng loạt các dự án điện than đã không được thực hiện như ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và nhiều trung tâm điện khí mới được nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận đề nghị bổ sung.
“Để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn ********* tại cuộc họp của ông tại Bộ Công thương ngày 11/7/2018.
Đó là điều không bình thường, khác với Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được phê duyệt tháng 3/2016. Theo đó, trong giai đoạn đến 2030, nguồn nhiệt điện than tăng trưởng rất cao, trung bình khoảng 21,6%/năm và tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống; nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, từ gần 41% đến hơn 55% về công suất và từ hơn 49% đến 55% về sản lượng theo các mốc 2025 hoặc 2030.
Trước làn sóng tẩy chay đó, hai chuyên gia hàng đầu về năng lượng của Việt Nam là PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Kĩ thuật Nhiệt Việt Nam và TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng đã liên tục phải đăng đàn phát biểu về nhiệt điện than.
Ông Hiến nói: “Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết; nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025”.
Còn ông Nghĩa nói: “Than có trữ lượng lớn nhất trong các loại nhiên liệu hữu cơ, còn đủ dùng cho nhân loại 300 – 400 năm nữa. Giá than cũng rẻ nhất”.
Song, ý kiến của các nhà khoa học bị nuốt chửng bởi làn sóng trào đó. Không nhà máy điện than nào theo bản Quy hoạch được đưa vào vận hành trong thời gian đó.
Theo báo cáo gần đây của Bộ Công thương, miền Bắc chậm khoảng 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam chậm khoảng 3.600 MW. Hay nói cách khác, gần 3,5 nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã không được xây dựng.
Nhà báo Hoàng Tư Giang