Chào ông Trương Tuần ạ.
Cậu Phước con ông Lý đầu óc vốn ngu dốt. Ông đã tốn bao nhiêu tiền cho cậu học thêm học nếm, rồi trường chuyên lớp chọn… Vậy mà dạy câu gì, cậu cũng không nhớ, bảo cái gì cậu cũng không nghe. Nói mãi mới biết được “cái ống nhổ”, “cái hỏa lò” và “cái cấp thiêu”, ngoài ra cậu chẳng biết thêm một cái mô tê mù tịt gì nữa. Đấy như hôm rồi, ông Lý mời Trương tuần là chỗ tâm phúc lâu năm đến chơi nhà, thế mà cậu Phước cũng chẳng thèm chào. Bực lắm, ông Lý mắng:
Ông Trương là thuộc hạ thân tin của tao. Sao mày gặp mà dám không chào, hả? Thế là vô phép! Hễ bận sau thấy ông ấy thì mày phải chắp tay lại mà: “Chào ông Trương tuần ạ!” nghe chưa!
Cậu Phước dạ.
Biết tính thằng con ngu ngơ chậm hiểu do thiếu iot bẩm sinh, ông Lý còn dặn thêm kỹ càng: Ông nào có râu quai nón xồm xoàm là ông Trương tuần đấy nhé.
Cậu Phước vâng.
Ông Lý quý Trương tuần lắm lắm, hài lòng nhất là kế hoạch, định mức tiền phạt
“vi phạm trật tự, an toàn giao thông” hàng tháng Trương tuần luôn thực hiện vượt chỉ tiêu. Ông Lý nhờ thế cũng thêm thắt được khối. Ngoài ra nó lại là đứa nhanh nhẹn tháo vát, lắm mưu nhiều mẹo đã bao phen cứu ông những “bàn thua trông thấy”. Đang ngồi ăn cơm mà ông Lý cứ miên man nghĩ tới phiên tòa sáng nay:
+ Ông Lý đập tay xuống bàn quát: Thằng con nhà giáo Thứ kia, mày láo đến thế cơ à? Trần đời tao mới thấy có đứa dám đâm đơn kiện lại Trương tuần, mày định đầu têu làm loạn phỏng?
+ Con giáo Thứ nhẹ nhàng: Dạ không dám, nhưng thực tình con bị oan ạ.
+ Tay chỉ mặt con nhà giáo Thứ, ông Lý rít lên: Oan cái nỗi gì. Hành vi “đỗ xe ở lòng đường trái quy định” rành rành ra đấy, bị phạt là đúng rồi còn dám kêu ca hả?
+ Trương Tuần xun xoe hùa theo: Dạ đúng đấy ạ. Trục lộ của thị xã ta nằm trong 56 tuyến đường “văn minh đô thị” đã bị cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên lề đường, hè phố theo quyết định của Tỉnh đường từ 3 năm nay. Mà 2 đầu đường cũng đã được cắm biểm cấm đàng hoàng rồi ạ.
+ Con giáo Thứ vẫn nhẹ nhàng: Bẩm cụ, đúng là 2 đầu đường đã có biển, nhưng đường xã mình dài, có nhiều giao cắt, mà theo Luật của Bộ Lục lộ thì biển báo giao thông chỉ có hiệu lực từ nơi đặt biển đến ngã ba,ngã tư tiếp theo thôi, muốn cấm tiếp phải có biển nhắc lại. Biển cấm cụ cắm ở tít tận đầu phố, nhưng không có ở ngã ba chỗ con đậu xe thì làm sao con biết mà thực thi ạ.
+ Điên tiết, ông Lý quát đến văng cả nước bọt: Mày cư trú tại xã này từ lâu, đi lại thường xuyên trên tuyến phố đó, mà mày đã có bằng lái xe được 4 năm rồi chứ có ít đâu... hả... bảo là không biết sao được... hả. Hay mày cố tình chống đối hả... hả... hả?
+ Con giáo Thứ đĩnh đạc: Bẩm cụ quyết định nào muốn đi vào cuộc sống cũng cần phải được luật hóa và triển khai đúng luật. Khi ban hành cụ nên kịp thời chỉ đạo lắp đặt biển báo phù hợp, rồi Trương tuần căn cứ vào đó để xác định việc có lỗi hay không của người tham gia giao thông. Chứ cứ như hiện nay, bùng binh hết méo lại tròn, lươn – trạch thì hết phá lại xây, đèn tín hiệu thì lúc mờ lúc tỏ, nay bịt ngã tư mai mở ngã ba... Thay đổi như thời tiết như thế thì làm sao chúng con có thể ghi nhớ chính xác các tuyến đường cấm, nếu không có biển báo rõ ràng ạ.
+ Trương tuần hách dịch: Hứ, đây cứ theo lệnh mà làm. Mà Trương tuần cũng không có nhiệm vụ đi cắm biển nhé.
+ Quay sang Trương tuần, con giáo Thứ hiền lành: Dạ, đúng thế. Đây là thiếu sót của cấp quản lý, nhưng ông là người nắm rõ Luật, không thể biết như vậy mà vẫn...
+ Nghe nói đến mấy từ quản lý, ông Lý hộc lên: Các cấp quản lý! Mà dám động đến cả ông nữa phỏng? Láo quá. Ông lại đánh cho tuốt xác ra bây giờ.
+ Con giáo Thứ nhỏ nhẹ: Bẩm cụ con không dám ạ. Nhưng quyết định cụ ban hành suốt từ 3 năm nay, mà có dăm cái biển báo chứ nhiều nhặn gì, sao cụ không cắm nốt cho chúng con đỡ khổ ạ
+ Ông Lý ú ớ: Tao... tao... chắc là tao phải có lý do chính đáng chứ.
+ Trương tuần nịnh nọt: Dạ bẩm, cụ không cắm biển là... đúng. Vì giao cắt giữa 2 con đường chỗ thằng con nhà giáo Thứ đỗ xe không phải là… ngã ba ạ.
+ Con nhà giáo Thứ miệng há hốc ngạc nhiên: Bẩm cụ, đường thôn Đông nối vào giữa trục lộ Thị xã mà không phải ngã 3 thì là cái gì ạ?
+ Trương tuần xun xoe: Thưa cụ, chỗ đó là ngã... “tam” ạ.
+ Ông Lý vung tay khoái trá: Đúng quá, phải quá. Hay! Ha ha ha... Đấy là ngã “tam” nhé. Không phải ngã ba đâu mà bắt tao cắm biển nhé. Ha ha ha...
+ Rồi ông Lý đứng lên trịnh trọng: Tao tuyên bố bác toàn bộ nội dung đơn kiện của con nhà giáo Thứ. Nếu muốn thì mày cứ mang đơn lên huyện, chỗ ông anh tao mà kháng cáo. Bãi đường!
Càng nghĩ ông Lý càng phục Trương tuần. Độc, độc thật, thế mà nó cũng nghĩ ra được. Giỏi, giỏi quá.
+ Ông Lý lẩm bẩm: Điểm giao cắt, chỗ đường thôn Đông nối với trục lộ là ngã “tam” chứ không phải... ngã ba. Tiên sư anh Tào Tháo,
mẹ cha thằng Trương Tuần, giỏi, giỏi đến thế là cùng.
Thích chí, ông Lý vỗ đùi đánh đét đến... tung cả bát nước mắm. Chờ mãi chả thấy chồng đụng đũa đụng bát làm cơm canh nguội hết cả, giờ lại thêm nước mắm vung vãi khắp nhà.
+ Lộn ruột bà Lý đứng bật dậy xỉa xói: Đường này nối nhập vào đường khác mà không phải ngã 3 thì là cái gì? Còn cái ngã “tam” của thầy trò nhà ông ấy à... thì thì... Điên tiết bà Lý tốc tung váy lên.
+ Vừa nhác thấy
(ấy)... Cậu Phước liền khoanh tay lễ phép: Cháu chào ông Trương tuần ạ.