Lịch sử Đình Thác Cấm_Hàm Yên
Đình Thác Cấm thuộc làng Nhân Mục, tổng Mục, huyện Sùng Yên, trấn Tuyên Quang có từ thời Lê Hồng Đức (Nay thuộc xã Nhân Mục, thị trấn Tân Yên huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).
Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng và Thánh Mẫu (Mẫu Thoải), Sơn Thần do ông Tạ Thông (đỗ Tiến sĩ thời Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV) thôn Yên Hưng sáng lập, trong các sách cúng tế cho biết: Thời Lê Hồng Đức huyện Hàm Yên có ông Tạ Thông đỗ Tiến sĩ được Nhà vua cho vinh qui bái tổ và nhân dân lập đình ở thôn Yên Hưng ghi nhớ công trạng. Trong một lần đi tuần thú từ thôn Bình Mục phủ Yên Bình sang Tổng Mục đến gần Thác Cấm, thấy một khu đất có địa thế đẹp, ông nói với vị quan cai quản tổng Mục họ Lương: “chọn đất ấy làm Đình, phía tả là suối lớn có thác thiêng, phía hữu là gò đồng vừa cao vừa rộng; Bắc Nam Đông Tây đều có hướng mở, vận phúc muôn dân sẽ lâu dài. 9 làng mười động từ xưa vẫn coi nhau làm anh em hoà thuận, phải lấy chữ “ hoà mục” làm trọng cho đời sau!”. Khi dân Mục lập đễn xong, ông nghè Tạ Thông cho câu đối. Thời đó có vị quan xứ Mục là Lương Công trông coi việc binh cơ và canh nông tuần thú, được dân xứ Mục tin theo, khi qua đời được dân bản thờ làm Thành Hoàng và có danh án phụng Lương Công. Xưa Lương Công là vị quan thu phục nhân tâm các hào mục và dân chúng trong hạt; mất mùa thì bãi thuế; được mùa thì thi hành lễ khắp tổng. Ông dạy dân: Ai có sức khoẻ phải làm lụng, thuế khoá phiên tuần đầy đủ, không được trộm cắp cờ bạc, nát rượu. Ai cũng phải nghe vua và lo cho nước. Họ Lương học rộng chữ Nho, nhiều đời được làm Tri châu, quản hạt. Hàng năm hành lễ đầy đủ mọi nhà yên vui, dân chúng, hào mục nhất loạt tuân theo… Các ông Tạ Thông, Lương Công được hương hoả ở đình.
1. Lược thuật về sự tồn tại và hoạt động của Đình Thác Cấm
- Đình làng Thác Cấm được lập từ thời Lê Hồng Đức (khoảng 1460-1497)
- Ông Tạ Thông sáng kiến chọn đất lập Đình, họ Lương làm quản hạt tổng Mục cho nhân dân trong tổng lập đình, Lương Công được tôn làm Thành Hoàng làng.
- Trong đình thờ Thánh Mẫu, Sơn Thần, Thành Hoàng, Danh sư.
- Nơi tập trung lễ hội hàng năm (Theo âm lịch): Lễ cầu mùa (Tháng Tư); mừng lúa mới (Tháng 11); mừng nhà mới, Hát Then, múa lượn; Hát cọi; Hội lùng tùng, nghênh kiệu mẫu từ đền Ông tới, rồi tiễn mẫu từ đình ra đền. (Đón Mẫu ngày 20 tháng 2, tiễn 24 tháng hai). Trong những ngày lễ hội, Đình làng tổ chức nhiều trò chơi.
- Năm được mùa trai gái trong làng và tổng ra đình giã cốm, múa Then, hát cọi, cúng mừng lúa mới.
- Nơi thu thuế, phu dịch, phạt tội những kẻ trộm cắp, hại dân.
- Hội họp nhận sắc chỉ, đạo dụ của vua (Xưa Đình Thác Cấm đã được Nhà vua Ban cấp sắc phong, sắc được để ở bàn thờ trong đình).
- Trạm nghỉ chân cho khách lữ hành (ngược xuôi; theo các cụ già cao tuổi cho biết trước 1945 có cán bộ Việt Minh đi hoạt động lấy đình là nơi nghỉ chân; trong kháng chiến chống Pháp đây là trạm dừng chân cho bộ đội và dân công đi chiến dịch, là nơi nhân dân đóng góp nhân lực vật lực cho kháng chiến…)
- Nơi khao làng, khao tổng, khao huyện, Thày đồ, Thày Tạo khi 70 tuổi; ông Khán thủ giỏi chữ Nho được làm quản đình (lo cúng tế, sai bảo người lo lễ và đưa tin ngựa trạm trong tổng và tỉnh). Phường săn được thú lớn đến đình khao các già làng, cúng tế Sơn Thần. Ngày 25 tháng chạp hàng năm là ngày lễ cấm cửa rừng: Cấm vào rừng chặt cây, săn bắn, ra đình tế Sơn Thần. Đây cũng là ngày “Tảo Đình” (quét dọn Đình, sửa chỗ dột, làm sạch giếng…)
- Khán thủ là người phải biết chữ Nho, được nhân dân tín nhiệm. (Đình đã nhiều đời có các họ làm khán thủ - quản đình như họ Nông, họ Lương, họ Lê, họ Hoàng, họ Ma…)
- Nơi dạy chữ Nho cho con em tổng Mục, từ năm Mậu Thân thời Duy Tân (1908) có thày đồ dạy chữ Quốc ngữ.
- 1945. Nơi họp của nhân dân xã Nhân Mục châu Hàm Yên và chính quyền mới của Việt Minh.
- 1946. Là cơ sở bình dân học vụ, phổ biến chính sách chính quyền mới.
+ Nơi hội họp, đóng thuế nông nghiệp đầu tiên ở Hàm Yên: nơi tòng quân, đóng quân cho bộ đội thời kỳ đầu kháng chiến.
+ Một số sinh hoạt tồn tại sau 1945: Tung còn, đánh yến, kéo co, văn nghệ đến 1966…
+ Lễ rước Mẫu gián đoạn từ 1945 đến nay. 1965. Thực hiện lệnh sơ tán, ngôi đình hư nát dần. 1969 Đình sụp đổ. Đó là ngôi đình đời thứ 9 được xây dựng trên nền đình tính từ thời Hồng Đức.
- Đến nay nền đình chỉ còn dấu tích cũ trên khu đất góc ruộng đường vào Vực ải.
- Năm 2008, lãnh đạo thị trấn và huyện cùng nhân dân địa phương quyết định tái lập ngôi đình lịch sử này.
- Ngày 20 tháng 2 năm 2009 làm lễ nghênh kiệu mẫu từ Đền Bắc Mục vào Đình Thác Cấm…
2. Kiến trúc và quy mô
- Đình Thác Cấm là ngôi đình lớn nhất huyện Hàm Yên, là trung tâm của Tổng Mục, khuôn viên đình khoảng 4 sào Bắc bộ, chưa kể phần đất lưu không có cây mọc tự nhiên và ruộng thuộc đình.
- Đình có 5 gian 2 trái, chiều dài 22 m, rộng 12 m, mặt tiền hướng về phía tây nam trông ra ngòi Mục. Đình lợp lá gồi, có tầng sàn thấp lát ván cách nền đất khoảng 1,4 m. Cột đình gỗ sến, trò chỉ; cột cái to bằng một người ôm. Vách đình lịa ván, tường lửng. Gian giữa phía đông bắc có một gian bàn thờ kê một tấm ván rộng đặt trên cao gồm các bát nhang thờ thổ công- Thành Hoàng làng, Mẫu Thoải và các đồ thờ, hai bên các cột đình có nhiều câu đối chữ Nho. Các cụ nhà Nho còn giữ được câu đối gốc như sau:
Cấm than vạn cổ lưu linh thuỷ
Mục đình thiên tải mã Đông phong
Nghiã Là:
Thác Cấm muôn đời dòng thiêng chảy
Đình làng mãi mãi gió xuân tươi
Phía Đông Nam nơi bố trí bếp núc và hậu cần có một ngôi nhà nhỏ trong có một bát hương thờ Táo Công. Các góc cột đình treo các lá phướn chữ Nho… Lối lên sàn đình có 4 cầu thang ngắn ở 2 đầu đình. Phía sau đình có một cây đa và cây nhội già. Phía đông góc đình có 1 Giếng nước xếp đá nước rất trong theo chữ Nho gọi là “Ngọc tỉnh”
Lễ đình diễn ra quanh năm nơi họp mặt của nhiều dân tộc thiểu số, đó là ngôi nhà chung của các xã, ai cũng được phép vào lễ đình (Tày, Dao, Cao Lan, Kinh, Dao Tiền…). Ngày 4 tháng Giêng họp mặt dân tổng có bà con Quần trắng, Đeo Tiền, Tày, Cao Lan, Đại Bản ở các làng động Phong lưu, Phù Loan, Cảm Ân, Yên Hưng, Bình Mục, Cùng Thuốc, Ngòi Tha về cúng lễ và ẩm thực, bàn việc trong châu tổng. (Đây cũng là nơi bạn tùng gặp nhau đầu năm tặng nhau hạt giống tốt; ở châu Hàm Yên có tục kết bạn Tùng và bố mẹ Tùng ở các dân tộc khác nhau hoặc cùng một dân tộc).
3. Lịch lệ truyền thống của đình:
- Chiều 30 tết ông khán thủ thắp hương Đình, ai có tâm đến dâng lễ.
- Sáng 1 tết ông Khán thủ thắp hương đình
- 4 tết họp mặt dân tổng (Nhiều dân tộc, nhiều thôn bản)
- 8 tết (tháng Giêng): Hội ném còn, chơi khăng đánh quay hoặc đấu vật, thi bắn nỏ. Trước hội, ông khán thủ làm lễ khai mạc hội còn.
- 20 tháng 2, nghênh kiệu mẫu từ Đền vào Đình
- 24/ 2 tiễn Kiệu Mẫu từ đình về Đền
- Tháng Tư làm lễ cầu mùa, cúng Thần Nông
- Ngày 14 tháng 7 Rước lễ Đình ra Đền để tế rằm
- Ngày 20 tháng 8 Lễ cúng Đức Thánh Trần tại Đền Bắc Mục, tục gọi là Lễ Ông (Các dân tộc trong huyện đều dâng lễ), Đình cử người ra lễ.
- Tháng 10 có Hội giã cốm ở Đình có hát Then, múa lượn, hát cọi…
- Tháng 11 có Lễ mừng cơm mới ở Đình Thác Cấm
* Tóm lại: Sinh hoạt văn hoá của Đình Thác Cấm và Đền Bắc Mục phần lớn mang tính thuần phong mĩ tục; đoàn kết các dân tộc anh em; động viên sản xuất; phê phán tệ nạn xã hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống của quê hương cần bảo lưu và phát huy; mặt khác cũng phải kết hợp bài trừ mê tín dị đoan và các tiêu cực lạc hậu.
*Ghi chú:
1.- Theo các tài liệu chữ Nho của cụ Nhữ Văn Phúng, cụ Khắc Trạo và thông tin tư liệu phong tục từ các cụ Đồ Vượng, cụ Binh Thưởng, cụ Nông Văn Khải, cụ Bàn Văn Nhạn, Cụ Tông, cụ Bụt Đảo, Bà… vv…
2.- Các tài liệu sử sách liên quan:
- Dư địa chí của Nguyễn Trãi (Thế kỷ XV)
- Đại Nam Nhất thống chí do Sử quán Triều Nguyễn soạn (Thế kỷ XVIII)
- Đại Việt địa dư chí của Phan Huy Chú (Thế kỷ XVIII)
- Phương đình địa dư chí của Nguyễn Văn Siêu (Thế kỷ XVIII)
- Tuyên Quang tỉnh phú của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng - Thế kỷ XIX
- Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang (1920) - Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân
Nguồn: Tuyenquang360