Khi uống bia rượu, có người mặt đỏ, có người mặt lại tái đi. Vì sao vậy? Nguy cơ bị tác hại do rượu ở loại người nào cao hơn?
Não là nơi “hút” rượu nhiều nhất, kế đó là gan, thận, cơ bắp, ... Các nhà khoa học đã nghiên cứu thấy khi trong 100 gam máu có 0,52 ml rượu nguyên chất thì não có 0,41 ml; thận 0,39 ml, cơ bắp 0,33 ml. Não “ngấm“ rượu như vậy nhưng phản ứng thần kinh của từng người với rượu thì mạnh yếu khác nhau. Có người phản ứng mạnh thiên về giãn nở mạch máu ngoại vi, co mạch nội tạng (tạm gọi nhóm A). Nguời khác thần kinh lại phản ứng bằng cách giãn nở hệ mạch máu trong các cơ quan nội tạng như tim, gan, dạ dày, ruột, lá lách; còn mạch máu ở da thì co lại (tạm gọi nhóm B ).
Khi bị rượu tác động mạnh tới não, ở nhóm người A, các mạch máu bên trong (các tạng phủ) thì co, nhưng mạch máu bên ngoài (dưới da) lại giãn mạnh nên mặt đỏ bừng bừng. Ở người nhóm B thì nguợc lại, thần kinh phản ứng bằng cách “ra lệnh” giãn các mạch máu nội tạng, co mạch máu ở ngoại vi nên da mặt họ bị tái.
Những người uống rượu mà mặt tái nếu hay “quá chén”, mạch máu các cơ quan nội tạng thường bị giãn nở nhiều, có thể gây các hậu quả: loét dạ dày hoặc nặng hơn xuất huyết, thậm chí thủng; xuất huyết thận, lách; xơ cứng động mạch vành. Người uống rượu mặt đỏ thường ít bị các biến chứng nói trên, nhưng lại có nguy cơ khác. Do diện rộng của da tiếp xúc với bên ngoài, mạch máu ngoại vi giãn nở mạnh, làm cho cơ thể mất nhiều nhiệt, nếu ở nơi ấm ra ngoài gặp lạnh dễ bị trúng gió nguy hiểm.