Bài hay của tác giả Thùy Linh, chia sẻ cùng mng để rộng đường dư luận:
Mấy ngày nay theo dõi cái NĐ168 đang diễn ra, cho dù may mắn đang ở nơi đường thông hè thoáng, không phải hít bụi xe. Thấy thương những người ở phố, nhất là những người phải bám đường mưu sinh
Tựu trung nghe nhiều về các loại phê phán về ý thức người dân, về đông người dịp Tết... Phải, đúng hết. Xem nhé:
1-Ý thức tham gia giao thông kém:
Ai nói điều này chả sai. Nhưng nguyên nhân từ đâu? Liệu có thể mong muốn, đòi hỏi người dân phải xác lập ý thức đúng đắn trong một hạ tầng ý thức thấp kém, xộc xệch, sai lạc ngay từ nền móng? Nhìn công cuộc đốt lò rổn rảng, bất lực thì rõ. Từ thượng tầng đã không có ý thức xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng đắn thì đòi hỏi người dân có ý thức tốt đẹp cho XH sao? Thôi thì cứ lấy quan điểm ý thức của MacLe của chính quyền để khỏi tranh luận: "Theo quan điểm triết học Marx-Lenin, ý thức là sự phản ánh chân thật thế giới khách quan vào bộ óc con người. Nó có sự thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Từ đó, ý thức tác động vào sự đổi mới và tạo động lực phát triển của xã hội. Ý thức có mối quan hệ biện chứng với vật chất". Rõ rồi nhé!
Nếu phỏng vấn người dân về ý thức công vụ của CSGT - lực lượng có nhiệm vụ bảo đảm điều phối giao thông xem họ nói gì? Mấy ngày gần đây trên mạng tràn lan các clip đầy bạo lực của CSGT: đuổi theo xe vi phạm đạp xe họ ngã; đánh người vi phạm...Còn nhận hối lộ thì là...đương nhiên. Tại sao lại có đề xuất CSGT được hưởng 75-85% tiền phạt, khi họ đã nhận lương từ ngân sách cho công việc của mình? Ngân sách của bộ CA cao hơn mấy lần dành cho GD, Y tế cơ mà. Đây chính là xung đột lợi ích. Phạt (trừng phạt) các vi phạm giao thông không còn là thực thi sự nghiêm minh của PL mà trở thành khoái cảm với CSGT. Họ nhìn thấy lợi ích to đùng của mình trong đó, vậy tội gì không đổ ra đường mà rình rập, bắt chết với từng trường hợp vi phạm?
Chưa hết, việc huy động dân tham gia quay clip người vi phạm để lãnh thưởng không khuyến khích bớt sự vi phạm và chỉ càng làm suy thoái tận cùng lòng trắc ẩn của con người. Đừng chuyển mâu thuẫn trong dân thành mâu thuẫn Ta-Nó, gây hiềm khích, đa nghi, căm thù lẫn nhau trong lòng mỗi người dân. Đừng biến họ thành Javert cho ngành CA. Nguy hại đến vài đời con cháu.
2-Hạ tầng quá kém:
Ai là người có quyền qui hoạch một thành phố, một vùng đô thị, rộng ra là cả nước? Người dân chăng?
Không thể chồng chồng lớp lớp các chung cư khắp các nẻo đường thành phố, trước cả khi hạ tầng đường phố được thi triển. Vậy mà họ làm được. Đường phố chật chội, thiếu không gian công cộng đến mức để nhìn thấy mặt trời, trăng sao trong thành phố bỗng trở thành giấc mơ. Hệ thống thoát nước cũng không tương ứng với các tòa nhà mọc lên. Chuyện "phố bỗng là dòng sông uốn quanh" thành thường ngày ở phố. Tôi không nhớ trận mưa lớn năm nào, hết giờ làm phải để xe lại, lội nước từ Đê La thành về nhà ở Ngọc hà. Dọc đường sợ chết khiếp vì lọt ống cống nên cứ gần giữa đường mà đi... Mỗi lần mưa ngập là đường phố hỗn loạn khủng khiếp. Về qui hoạch đô thị và đường xá là câu chuyện dài chưa có hồi kết...
3-Di dân:
Người ta bảo mấy hôm nay kẹt xe là do người dân quá đông ra đường sắm Tết. Không sai nhưng chỉ đúng rất ít. Vì rất rất nhiều người dân còn đang vục mặt chạy ăn từng bữa,Tết nhất với họ chỉ là ngồi đó nghỉ ngơi vài ngày trước khi lại quay cuồng với miếng ăn hàng ngày. Họ không đổ ra đường kiếm vài đồng bạc lẻ thì đi đâu?
Từ thuở Hồng hoang con người đã biết dìu đỡ, xúm tụm nhau về nơi có nước, có phù sa để lập làng lập xóm, rồi thành các trung tâm văn hóa của nhân loại. Nên di dân về nơi giúp họ có cuộc sống tốt hơn là lẽ thường hằng. Thậm chí khuyến khích thanh niên đến những nơi giúp họ có tri thức, công việc và cống hiến là việc nên làm. Thử hỏi các ông quan có ông nào không cho con cái ra nước ngoài học hành, thậm chí ở lại định cư? Di dân đấy!
Vậy người dân ở vùng nông thôn ra thành phố kiếm sống là lẽ tất nhiên. Họ cần được thông cảm, sẻ chia của XH. Nhưng họ có quyền đòi hỏi chính quyền phải có kế sách cho cuộc di dân lớn, lâu dài này. Đừng để họ bơ vơ, lạc lõng trước mọi chính sách không dành cho họ. NĐ168 này thực sự là cơn ác mộng của họ, biến họ thành tội đồ đáng bị trừng phạt. Có NĐ nào ban hành ngày 26/12/2024 và "biến thành hành động CM" vào ngày 1/1/2025, tức chỉ 5 ngày sau đó. Gần một thế kỷ còn không xây dựng nổi ý thức quan quyền, thì chỉ sau 5 ngày mong xây dựng được ý thức người dân sao? Mức phạt đưa ra không phải giúp dân tuân thủ pháp luật mà kiểu "cho chúng mày chết".
Theo số liệu thì VN còn 10 năm được coi có dân số vàng. Nhưng hiện tại người ta bắt đầu lo sẽ giảm dần số sinh thấp, khuyến khích sinh không hạn chế. Vậy thì kêu ca gì người đông? Nếu kinh tế tại các địa phương phát triển tốt thì hà cớ gì người dân phải bỏ nhà cửa, xa người thân để tập trung về các tp kiếm sống gây nên quá tải? Dân có nghĩ ra được việc này không?
Mấy vụ cháy nhà thương tâm ở HN vừa qua hầu hết là dân ngoại tỉnh, người có thu nhập thấp. Không lẽ họ đáng bị xô vào bi kịch thảm thương vậy sao? Chỗ ở đã vậy, đường phố cũng chỉ là cạm bẫy, sống sao nổi? Trong khi nhiều nguồn lực quốc gia phung phí vào các tượng đài, lễ lạt, nhà hát này nọ... Chưa kể chạy vô vàn vào túi quan - có đốt lò thêm vài chục năm nữa vẫn thừa củi nếu còn bộ máy này. Còn các ông kễnh lắm tiền nhiều của, vô vàn các quan hệ trên thượng tầng thì chiếm đất làm chung cư bán giá cao, bất chấp hạ tầng mục nát, phá non lấp biển xây những resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp để moi tiền đám nhà giàu, có kẻ nào nghĩ đến dân sinh? Ý thức của đám trọc phú này ở đâu? Cuộc di dân bất đắc dĩ đầy mồ hôi và cả mạng sống của dân nghèo va đập vào thành trì bảo thủ, trì trệ, tham nhũng, bất nhân thì hà cớ gì qui tội cho ý thức người dân?
4-Luật pháp yếu kém, thiếu nghiêm minh:
Một rừng luật, nhưng khi thực thi là luật rừng - dân than thở. Cái này dẫn chứng quá nhiều, khỏi nói. Chưa có nhà nước pháp quyền thì nói chuyện tuân thủ PL là viển vông!
Khi LP không còn đáng được nể trọng, tôn trọng và thực thi nghiêm minh thì kiểu NĐ168 sẽ phát tác ngày càng nhiều và trầm trọng. Biến chính quyền và dân thành hai thể đối lập, mâu thuẫn đối kháng là khó tránh. Rồi chuyện gì xảy ra tất xảy ra khi sự chịu đựng của dân vượt ngưỡng. Đừng cư xử với dân như kẻ bề dưới, muốn làm gì cũng được.
Không thể lấy các NĐ như NĐ168 với hy vọng lập lại trật tự, bắt đầu từ trật tự giao thông. Một khi hạ tầng ý thức chưa đổ móng để xây dựng những ý thức cống hiến, xả thân, quên mình từ thượng tầng chính quyền thì đừng mong rèn rũa ý thức người dân. Chỉ là giã tràng xe cát như kiểu đốt lò mà thôi!