Với mức phạt 4-6 triệu cho vượt đèn đỏ và 18-20 triệu cho ô tô. Thật sự mức phạt này quá sức của người dân nghèo. Đi về các vùng quê, vùng núi, miền biển... nhiều người dân, nhiều gia đình vẫn giật gấu vá vai, chưa bao giờ có được 5 triệu tiền 'tích luỹ/dự phòng'. Chiếc xe máy đôi khi là kế sinh nhai và phải vay mượn, chật vật mãi mới mua được. Nhiều gia đình nông thôn gom góp mãi mới được vài triệu để 'gửi cho con trên thành phố trọ học'. Với nhiều gia đình, 5-7 triệu đôi khi còn là số tiền cứu mạng khi đau ốm...
Lỗi cố ý hoặc khi vượt đèn đỏ gây tai nạn, có thể phạt nặng trong những trường hợp này. Nhưng lỗi vô ý thì nên xem xét. Hầu hết các trường hợp vi phạm - các đồng chí csgt hoàn toàn có thể nhận diện được đâu là cố tình và đâu là vô ý. Thật tiếc là xưa nay, các đồng chí coi việc bắt lỗi (đôi khi còn bẫy lỗi) người dân là niềm vui (và mục tiêu/chỉ tiêu kiếm sống). Song song đó là lờ đi mục tiêu quan trọng hơn đó là hướng dẫn, chỉ dẫn, giáo dục người dân về luật giao thông, văn hoá tham gia giao thông an toàn, văn minh.
Tại sao cứ phải phạt nặng. Tại sao một đất nước khi người dân vẫn còn nghèo và vất vả. Khi mà hệ thống giao thông, biển báo, đèn tín hiệu còn bất cập. Khi mà trình độ, nhận thức và am hiểu của người dân về pháp luật, luật giao thông vẫn còn mập mờ. Tại sao vẫn cứ bắt nạt và làm khổ thêm những người yếu thế? CSGT nhìn xe biển tỉnh lạ là sáng cả mắt, nhìn những người tham gia giao thông như những con mồi có thể vặt.
Thật hiếm khi thấy các đồng chí csgt có sự cảm thông, chia sẻ & hướng dẫn, giúp đỡ đối với người tham gia giao mắc lỗi vô ý, vô tình (ví dụ: người dân tỉnh lên thành phố chưa quen đường - mắc lỗi hoàn toàn vô ý). Thay vào đó hoặc là thái độ hằn học, đắc ý với người mắc lỗi, hoặc là thái độ bề trên, bắt nạt, chèn ép (và đôi khi doạ nạt, gây khó dễ, báo lỗi sai, lỗi nặng hơn) đối với người dân từ xa đến, hay thiếu kiến thức hay hiểu biết không đầy đủ về luật giao thông.
Việc nên làm ngay là cần chấn chỉnh hệ thống để các đồng chí csgt làm đúng chức năng nhiệm vụ đầu tiên đó là phổ cập, hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng luật, an toàn, văn minh. Với mức phạt cũ nếu thực hiện nghiêm túc và triệt để, tận tâm... thì mức răn đe cũng là quá đủ. Chỉ cần ai vượt đèn đỏ cũng phạt hết (xe máy 800k-1tr), tóm cho bằng được và phạt triệt để. Làm nghiêm sẽ đảm bảo khác ngay. Không cần tăng mức phạt như hiện nay.
Ngoài ra, có rất nhiều cách phạt, cách giáo dục khác vừa văn minh, đủ sức răn đe, đông thời có sự chia sẻ, cảm thông & trách nhiệm của csgt trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về luật giao thông, an toàn giao thông. Ví dụ: bắt đi lao động công ích, đi làm tình nguyện các việc công (tuỳ trình độ và chuyên môn), học lý thuyết, vv.vv...
-------------
Ngoài lề một chút, ngày mình còn ở Úc 25 năm trước, bị phạt vượt đèn đỏ (ngày đó ở Úc cột đèn cũng đã có camera rồi)- mức phạt khoảng $150 đô la Úc tại thời điểm năm 2000. Có thể nộp phạt, có thể đi làm lao động công ích khoảng 2 ngày (16 tiếng). Với sinh viên, thì $150 là một khoản tiền lớn. Nên mình lựa chọn đi làm công ích, thay vì nộp phạt. Sau đó được chọn là đi trồng cây/trồng hoa trong 2 ngày cho một trường tiểu học. Thằng bạn cùng nhà cũng bị phạt (lần khác) thì chọn đi dạy học/giúp đỡ bọn trẻ con cấp 1 của một trường học vẽ vời/ngoại khoá gì đó. Những hình phạt kiểu này cũng giúp chúng ta nhớ mãi một đời và đi lại an toàn, văn minh hơn. Không biết ngày nay, ở Úc có còn các lựa chọn này khi bị phạt lỗi giao thông hay không.