"Gần đây dân mạng tranh luận vì bức ảnh làm từ thiện bên giường bệnh của nữ Thiếu úy “dành cuộc sống cho con”. Những ồn ào về bức ảnh cũng tạm lắng xuống sau tâm sự của người làm từ thiện, nhưng phong trào “làm từ thiện câu like” là có thật.
Lòng tốt có thể trở thành một thứ trang sức trong thời đại mà chủ nghĩa vật chất đang làm người ta chán ngấy. Và vì thế, những cử chỉ tốt đẹp có thể không xuất phát từ thiện tâm: nhiều người đi làm việc thiện cho… sang. Nói theo ngôn ngữ của thời đại facebook, bây giờ đang có mốt từ thiện câu likes.
Từ thiện có thể mang lại cho người ta sự vẻ vang. Đó là một thực tế hiển nhiên, khi mà lòng tốt luôn là một thứ quý giá. Nhưng khi mà cái danh hão được ưu tiên hơn là bản thân mong muốn giúp đỡ người nghèo, thì từ thiện trở thành một hành vi lệch lạc. Có thể không phải ai cũng đi “lừa” nhưng những hành vi hời hợt thì rất nhiều.
Bãi Giữa sông Hồng là một “địa chỉ đỏ” cho việc làm từ thiện. Ở đó, với một cộng đồng dân cư hơn trăm người gần như thuộc dạng “vô gia cư”, sống trong những túp lều nổi trên sông, có rất nhiều khía cạnh có thể giúp đỡ. Từ lương thực, quần áo, chăm sóc y tế, giáo dục cho trẻ em đến việc làm… Và bởi vì khu vực ấy rất gần với trung tâm thành phố, nên trăm hoa đua nở, đủ các đoàn từ thiện, các dạng từ thiện xuất hiện ở nơi này.
Ở đó, bạn có thể bắt gặp một đoàn cán bộ một công ty nước ngoài xuống cho gạo. Mấy tạ gạo được chuyển xuống, và bà Hồng, người phụ nữ trong câu chuyện của chúng tôi, khi ấy còn là tổ phó của xóm, trực tiếp đứng ra cân gạo chia cho mọi nhà.
Bà Hồng cặm cụi cân, người dân trong xóm, giữa ngày mưa phùn, trong những bộ quần áo cũ nhàu, cặm cụi xách bao đi nhận gạo về. Còn những nhà từ thiện, thì cặm cụi chụp ảnh. Họ tạo dáng đủ tư thế trẻ trung, ngả đầu vào vai bà Hồng đang cân gạo, giơ ngón tay hình chữ V và nở nụ cười tươi sáng để chụp ảnh. Chắc là để đăng facebook. Gạo không đắt - nhưng có thể đổi lại rất nhiều like trên mạng xã hội.
Hoạt động từ thiện vốn đòi hỏi vô cùng nhiều công sức. Những người nghèo hiện lên trong những bộ dạng quen thuộc: Quần áo lem luốc, khuôn mặt khắc khổ, thiếu việc làm và con cái nheo nhóc. Nhưng đằng sau mỗi người đó lại là một số phận khác nhau. Họ có thể đang cần chăm sóc y tế, đang cần giáo dục cho con cái, hay thậm chí đang cần giúp đỡ về pháp lý. Chỉ có điều, xã hội có vẻ đang quá đề cao hành vi “cho” mà không màng đến việc cái sự cho ấy thực sự giúp được gì người khác.
...
Bài "
Khi từ thiện trở thành trang sức" của Đức Hoàng, phản ánh 1 hiện tượng méo mó có thật trong đời sống.
Chỉ có trên Ngày Nay, số 41 ra ngày
11/8/2016.
#baomienphi
Tờ báo này khác và có quá nhiều bài đáng để đọc và suy ngẫm.