Kỹ sư Tạch lý giải tỉ lệ triệu hồi xe cực thấp của Toyota
Theo thông báo mới đây của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), chiến dịch triệu hồi hàng chục nghìn xe Innova, Fortuner và Camry tại Việt Nam của Công ty Toyota Việt Nam (TMV) đều đạt tỷ lệ rất thấp dù thời gian thực hiện đã kéo rất dài.
Cụ thể, chiến dịch triệu hồi lớn nhất của Toyota Việt Nam liên quan đến phát hiện của kỹ sư Lê Văn Tạch về các lỗi nguy hiểm trên xe Innova và Fortuner được thực hiện từ tháng 4.2011 và hiện vẫn đang được triển khai trên toàn quốc. Chiến dịch sẽ kiểm tra và sửa chữa miễn phí (nếu cần) các bộ phận bu lông Cam bơ, bu lông chân ghế và van LSPV trên một số dòng xe Innova và Fortuner.
Tuy nhiên, đến nay, trong số hơn 60.000 xe thuộc diện triệu hồi với các hạng mục khác nhau, tỷ lệ đạt được rất thấp, chỉ từ khoảng 5% đến 18%, cá biệt có trường hợp chỉ đạt 0,69%.
Trao đổi với PV chiều 14.11, kỹ sư Lê Văn Tạch cho rằng "nguyên nhân đầu tiên phải kế đến sự thiếu thiện chí và tinh thần trách nhiệm của TMV. Điều này cũng dễ hiểu bởi những lỗi này TMV đã không chủ động thông tin cho cơ quan chức năng và khách hàng sau đó đưa ra chương trình triệu hồi để sửa chữa mà chỉ chịu nhận lỗi và đưa ra chương trình triệu hồi sau khi tôi phản ánh tới cơ quan chức năng cùng áp lực từ công luận".
Cùng theo kỹ sư Tạch, qua một số vụ tai nạn nghiêm trọng như vụ đâm xe liên hoàn ngày 7.10.2011 tại ngã tư Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh làm chết hai người và mười bảy người bị thương. Chiếc xe gây tai nạn có dấu hiệu của lỗi kẹt chân ga và một lỗi nữa là động cơ đã không ngắt khi túi khí đã bung ra. Một vụ tai nạn khác xảy ra vào ngày 24.6.2012 trên cầu Thăng Long làm chết một người và hai người khác bị thương.
“Vụ tai nạn này được camere quay lại một cách đầy đủ và chi tiết, tôi có xem video clip và nhận thấy rằng có dấu hiệu của lỗi lệch áp suất dầu phanh trên chiếc xe Innova gây tai. Về lỗi này tôi đã phản ánh tới ban lãnh đạo TMV để mong công ty có giải pháp phù hợp. Sau đó lãnh đạo TMV đã cử đại diện các phòng ban chức năng liên quan như phòng kỹ thuật, phòng chất lượng, phòng pháp chế, phòng nhân sự để họp với tôi. Tại cuộc họp, đại diện phòng quản lí chât lượng đưa ra lí lẽ bao biện một cách vụng về và hứa là tiếp tục tìm hiểu thêm, nhưng đến nay TMV vẫn không đưa ra giải pháp nào”, kỹ sư Tạch cho hay.
Lý do thứ hai được kỹ sư Tạch đề cập đến là sự thờ ơ của cơ quan chức năng. Theo kỹ sư Tạch, điều này được thể hiện khá rõ qua những động thái như:
Trong khi nhà thiết kế phân định những lỗi đó là những lỗi nghiêm trọng đặc biệt là lỗi lệch áp suất dầu phanh. Sau khi nhận được công văn trả lời của Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 31.12.2011, kỹ sư Tạch đã gửi đơn đề nghị tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam làm rõ xem những chiếc xe trong diện bị triệu hồi liên quan đến hệ thống phanh thì có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không thì đến nay đã một năm gửi đơn nhưng kỹ sư Tạch vẫn chưa nhận được câu trả lời.
“Ngày 23.9.2011 một số cán bộ của Bộ Công an có về làm việc với tôi tại trụ sở nhà máy công ty ô tô Toyota Việt Nam liên quan đến việc tôi phản ánh lỗi kỹ thuật trên xe ô tô của TMV tới Cục Đăng kiểm Việt Nam trước đó. Tại buổi làm việc, tôi đã phản ánh rằng số lượng xe trong diện bị triệu hồi mà TMV công bố là chưa đúng với thực tế và kiến nghị Bộ Công an yêu cầu TMV sớm công bố đầy đủ số lượng xe cần triệu hồi. Nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được thông tin gì từ Bộ Công an. Còn số lượng xe thực tế cần phải triệu hồi thì cũng chưa được TMV công bố”, kỹ sư Tạch cho hay.
Lý do thứ ba kỹ sư Tạch đưa ra là do sự thiếu trách nhiệm của chủ xe đối với cộng đồng. Theo kỹ sư Tạch, nhiều chủ xe biết xe của họ trong diện bị lỗi nhưng không chủ động đưa đến đại lý để kiểm tra, sửa chữa mà vẫn vô tư sử dụng những chiếc xe không đảm bảo an toàn trong khi những chiếc xe này có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.