Đầu tiên CCCM phải xác định trường phái (đao to búa lớn thì gọi là triết lý) giáo dục cho con mình đã. Ví dụ: các cụ định sau này nó sẽ theo hướng Tây hóa, du học, làm ở nước ngoài, làm cho Tây là chính. Hay là học phổ thông, đại học kiểu Việt Nam, bươn chải lăn lộn với xã hội? Hay là theo hướng kinh viện, nghiên cứu, giảng dạy? Hay là theo hướng văn hóa, văn nghệ, thể thao? Hay làm nhà nước v.v... CCCM cũng phải xác định giáo dục nó theo kiểu cổ điển, trên bảo dưới nghe, kính trên nhường dưới, lễ phép, ngoan ngoãn hay theo kiểu sáng tạo, tự do, phóng khoáng v.v...
Mấy cái này không có đúng có sai, chỉ là chọn cái phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện tài chính, truyền thống gia đình, năng lực hiểu biết của bố mẹ ...
Sau khi có định hướng rồi thì các cụ sẽ dễ dàng hơn trong các lựa chọn: học trường công, trường tư hay quốc tế, học ngoại khóa môn gì. Nghỉ hè cho đi bưng bê giúp việc hay đi học kỳ quân đội hay đi trai hè, hay đi nước ngoài? Nó viết vẽ bậy ra nhà thì đánh mắng hay nhắc nhở, bắt nó dọn dẹp hay vẽ cùng nó v.v...
Quan trọng nhất là chọn kiểu nào rồi thì nhất quán theo một kiểu. Chứ cứ nghe người này, bắt chước người kia thay đổi lúc thế này, lúc thế khác trẻ con nó bị loạn chưởng, rồi chả đâu vào đâu cả.
Còn trả lời thẳng vào ý của mợ chủ thớt, con mợ mới ở những bước đầu tiên, trong khi mợ phải xác định đầu tư cho giáo dục là phải lâu dài, ổn định. Vì thế về mặt tài chính mợ phải xác định là đủ sức chơi 20 năm theo trường phái mình đã chọn thì chơi.
Ngoài ra chọn trường, chọn thầy, chọn lớp ngoại khóa v.v... chỉ quyết định 50% thôi. Quan trọng là bố mẹ phải có năng lực đồng hành với con theo trường phái mình chọn. Ví dụ ông nông dân tự nhiên được đền bù vài chục tỷ, đổ tiền vào cho con học trường quốc tế từ nhà trẻ đến đại học để mong thành công dân toàn cầu thì xác suất thành công không cao đâu.