Em thêm đạn cho các cụ bắn nhao
Bài học kiểm soát súng đạn của Australia
Infonet18/01/2013 13:57 GMT+7
Gốc
18 năm thông qua luật kiểm soát súng, Australia đã giảm được 74% các vụ giết người và tự tử có liên quan đến súng. Có được kết quả đó, chính phủ nước này đã phải đi qua một chặng đường kiên quyết đấu tranh để thông qua được luật kiểm soát súng. Nước Mỹ nên học tập theo tấm gương này.
John Howard nhậm chức Thủ tướng Australia đúng vào năm xảy ra một vụ thảm sát súng kinh hoàng khiến 35 người chết. Sau sự kiện đau thương đó, vị thủ tướng này đã theo đuổi một cuộc chiến chống lại sự tung hoành của cái gọi là “văn hóa súng đạn” ở đất nước của những chú Kangaroo.
Ông Howard được bầu làm Thủ tướng đầu năm 1996, dẫn đầu một liên minh trung hữu. Hầu như các huyện ngoại thành đều có thành viên trong liên minh này và được bầu vào Quốc hội nên tạo lợi thế lớn cho ông Howard chiến thắng.
Sau sáu tuần John Howard nhậm chức, vào ngày 28/04/1996, một người đàn ông bị rối loạn tâm lý đã dùng một khẩu súng trường bán tự động đã giết chết 35 người tại Port Arthur, Tasmania. Vụ giết người kinh hoàng này đã khiến ông Howard thức tỉnh và quyết định sẽ sử dụng thẩm quyền của mình để tìm cách hạn chế việc sở hữu súng cũng như các loại vụ khí giết người khác, dù ông biết điều này không hề dễ dàng.
Không giống với Mỹ, Úc có những điều kiện thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm những đồng thuận cho một luật cấm vũ khí mới. Úc là một xã hội được đô thị hóa mạnh mẽ với hơn 60% dân số sống ở các thành phố lớn. Sau lưng chính phủ Úc không có những khoản tài trợ của hiệp hội súng đạn nào. Úc cũng không có một Tuyên ngôn Nhân quyền như ở Mỹ, vì thế, các cơ quan lập pháp có nhiều tiếng nói hơn so với Mỹ trong nhiều vấn đề về quyền cá nhân và tòa án tối cao của Úc cũng ít quyền kiểm soát hơn. Ngoài ra, Úc cũng không có một hiến pháp cho phép người dân sử dụng vũ khí.
Tuy nhiên, cũng có những điểm tương đồng giữa Úc và Mỹ. Úc cũng là một nước liên bang của nhiều tiểu bang, chính phủ quốc gia không có quyền kiểm soát việc bán súng, quyền sở hữu hay sử dụng súng và còn không thể kiểm soát việc nhập khẩu loại hàng hóa đặc biệt này.
Cựu Thủ tướng John Howard đã bắt đầu cuộc chiến của mình bằng cách thuyết phục các tiểu bang ban hành luật một cách thống nhất về việc cấm hoàn toàn quyền sở hữu, mua bán tất cả các loại vũ khí tự động và bán tự động. Trong khi đó, chính phủ quốc gia cố gắng đưa ra một luật liên bang cấm nhập khẩu các loại vũ khí như vậy.
Để thực hiện được kế hoạch đó, chính phủ Úc lúc bấy giờ đã phải thực hiện chương trình tài trợ mua lại súng trên toàn liên bang. Cuối cùng, chi phí dùng để mua lại súng được thay thế bởi việc cắt giảm thuế một lần đặc biệt đối với tất cả người dân Úc. Luật mới được đưa ra và được chấp nhận rộng rãi trên mọi mặt trận chính trị của Úc. Gần 700.000 khẩu súng được mua lại và phá hủy – tương đương với số lượng 40 triệu khẩu súng ở Hoa Kỳ nếu tính tỷ lệ tương quan số người sở hữu súng trên toàn bộ dân số.
Trong khi dân thành thị ở Úc đồng thuận với hướng đi của chính phủ thì vùng nông thôn – nơi có tỷ lệ sở hữu súng cao – lại phản kháng mạnh mẽ. Nhiều nông dân bực bội khi được yêu cầu mua lại súng và cho rằng họ sử dụng súng là để đảm bảo an toàn trong cuộc sống của mình và họ cho rằng việc xử phạt, buộc công dân tuân thủ pháp luật vì những hành vi tội phạm của người khác dường như là không công bằng. Tuy nhiên, không thể có biện pháp thay thế nào khác việc ban hành luật cấm súng ở Úc. “Tôi hiểu mối nghi ngại của họ”, Cựu Thủ tướng John Howart chia sẻ trong một bài báo, “Tuy nhiên, tôi cảm thấy không thể có sự thay thế nào khác”.
Ông Howard cũng cho rằng sự sẵn có của một loại vũ khí đầy sức mạnh cho phép mọi người dẫn đến các xung đột giết người. Những thiếu sót trong điều trị các bệnh tâm thần, ảnh hưởng tiêu cực của các trò chơi và phim ảnh bạo lực góp một vai trò trong các vụ giết người bằng vũ khí sát thương lớn, tuy nhiên, không có gì tiếp cận với việc giết người dễ dàng như một khẩu súng.
Thông qua luật kiểm soát súng là một thách thức lớn của chính quyền ông Howard lúc bấy giờ. Họ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của Đảng Quốc gia bảo thủ, các vùng nông thôn, trong khi đó tất cả thành viên của liên minh của ông đều giữ ghế tại các khu vực này. Khó khăn nhất là với chính quyền bang Queensland phía đông bắc nước Úc, nơi Đảng Quốc gia chiếm ưu thế và phần lớn dân số là nông thôn.
Các nhà lãnh đạo của Đảng Quốc gia, những như các nhà lãnh đạo bang Queensland cuối cùng cũng ủng hộ quyết định của chính phủ, tuy nhiên sau đó, họ gặp tổn thương lớn trong cuộc bầu cử tiếp đó. Trong vòng một năm, một đảng mới theo chủ nghĩa dân túy và bảo thủ, Đảng Quốc gia thống nhất, xuất hiện và Chính quyền ông Howard đã mất lợi thế trong các cuộc bầu cử tiểu bang và liên bang. Đảng Quốc gia thống nhất đã đưa ra một chính sách mà trong đó, chủ yếu chống lại việc kiểm soát súng.
Chính phủ Úc lúc đó đã tổ chức một cuộc trưng cầu trên toàn quốc nhằm thay đổi Hiến pháp Úc và đề nghị cho phép chính quyền liên bang được thông qua luật kiểm soát súng. Một cuộc trưng cầu tốn kém và chia rẽ.
Cuối cùng, chính quyền của ông Howard cũng đã chiến thắng và luật kiểm soát súng được thông qua trên khắp phần lớn nước Úc. Với sự đồng thuận rộng rãi từ năm 1996 cho đến nay, thông qua một vài cải cách, đã không chỉ làm giảm tỷ lệ giết người liên quan đến súng và còn giảm cả số lượng người tự tử vì súng. Viện Tội phạm Úc cho biết các vụ giết người và tự tử liên quan đến súng đã giảm mạnh sau năm 1996. Tờ Pháp luật Mỹ và Đánh giá Kinh tế đánh giá rằng chương trình mua lại súng của Úc đã giảm các vụ tự tử xuống 74%. Trong 18 năm kể từ cải cách 1996, Úc chỉ có 13 vụ thảm sát súng, 102 trường hợp tử vong, tính trung bình mỗi vụ là 4 nạn nhân. Chưa có một vụ thảm sát nào nghiệm trọng và đau thương tương tự như vụ thảm sát năm 1996.
Người Úc có thể nhận ra rằng đất nước của họ hiện đã an toàn hơn bởi hiệu quả thực sự của việc kiểm soát súng.
Minh Anh
https://baomoi.com/bai-hoc-kiem-soat-sung-dan-cua-australia/c/10220165.epi