Vấn đề là từ một nhà to, được phân cho nhiều hộ, nên buồng tắm, xí đều là chung.
Dân “phố cổ” ở Hà Nội cũng dăm bảy loại. Giang hồ hay phân định là Hà Nội “54”, “Hà Nội 75” và “Hà Nội 00”
”Hà Nội 54” là những người tuy có thể xuất thân từ các tỉnh lân cận nhưng họ đã sinh sống ở Hà Nội, có nhà riêng (nhà riêng có giấy tờ chính chủ do nhà nước VN thời đó cấp) từ năm 1954 trở về trước. Ở khu phố cổ, những người Hà Nội sống trong những căn nhà đa phần tuy hẹp về chiều ngang nhưng sâu vào phía trong. Nhà thường có các phòng ốc riêng biệt, tiện nghi đủ dùng, không chung đụng bất cứ “tiện ích” gì với hàng xóm. Mỗi gia đinh một số nhà. Những người “sang chảnh“ hay có tý Tây hoá thì chọn khu phố Tây (Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản, Bà Triệu, Hàng Bài, Quán Thánh…). Mỗi gia đình một biệt thự riêng và họ không dùng chung toa-let với hàng xóm
.
Năm 54 rất nhiều gia đình vào Nam. Rồi tản cư, nhiều người Hà Nội thời đó khi về bị chiếm mất nhà. Đòi chỉ được 1 phần, phải chấp nhận cho những người ở nơi khác đến ngang nhiên vào ở trong nhà mình. Số lượng người “Hà Nội 54” thực sự bây giờ còn ở lại khu phố cổ hay khu phố Tây của Hà Nội cực kỳ hiếm. Họ có thể vẫn đang cự ngụ ngay khu phố cổ, khu phố Tây của Hà Nội. Họ cũng có thể hiện đang là cư dân quận 13 ở Paris, hay họ đang sống ở một hẻm yên tĩnh nào đó trong Sài Gòn. Phải có duyên lắm mới gặp được họ, nói chuyện với họ rất thú vị. Họ xuất thân từ những gia đình và môi trường có chút học hành, nề nếp, có truyền thống và họ đã sống qua nhiều thăng trầm nên nhân sinh quan của họ rất tinh tế, nhân văn.
“Hà Nội 75” là để nói về những người “Hà Nội” đến ở khu phố cổ sau năm 1954 cho đến thời gian quanh năm 1975. Rất nhiều người trong số họ là dân chạy loạn từ ngoại tỉnh vào. Nhiều gia đình sau năm 54 và sau 75 được NN chia cho một căn phòng be bé trong cả toà nhà mà ngày xưa chỉ có 1 gia đình ở. Mười mấy gia đình chen nhau trong một số nhà, chia nhau 1 cái nhà vệ sinh (ngày xưa là nhà vệ sinh riêng, sau khi các gia đình vào ở thì thành nhà vệ sinh công cộng). Mấy chục năm ròng cha chung không ai khóc, không ai sửa sang duy tu các “tiện ích” chung này, lâu dần xuống cấp. Rồi chia nhà người ta ra làm mấy phần, lập lối đi vào sâu bên trong, rồi ngăn ra làm lối đi riêng lên gác, đều là tự làm, không theo quy hoạch, đa phần là chiếm được chút nào thì chiếm. Rồi “chạy” được sổ đỏ, rồi người mới mua lại của người cũ, nhưng kể cả khi họ không nhảy dù, không lấn chiếm thì họ không phải người Hà Nội gốc theo tiêu chí “54” của giới giang hồ.
Những người ”Hà Nội” này nhiều người thường có thái độ khá chảnh, hay coi thường dân từ nơi khác đến và đi đâu cũng tự nhận mình là “người Hà Nội”, dân “phố cổ”. Cách nói chuyện của họ nhiều khi không hề “Hà Nội” chút nào.
”Hà Nội 00” là nói về những người Hà Nội đến khu phố cổ tầm từ năm 2000 trở về sau, có tiền, mua nhà khu phố cổ, sửa sang lại. Những người này tuy đến sau nhưng họ có tiền, có thế, nên nhiều người trong số họ lại thành ra “có công” sửa sang phố cổ và cũng nhờ đó mà bộ mặt phố cổ cũng được chỉnh trang tốt hơn. Dân có tiền mua lại nhà phố cổ để kinh doanh (như mở khách sạn) khá nhiều.
Vì thế các cụ khi nói về “người Hà Nội” nói chung và “dân phố cổ” nói riêng cũng như thầy bói xem voi. Gặp được người 54 thì khen “Ôi sao hoa nhài thế”. Đến thăm nhà “dân phố cổ” Hà Nội 75 thì chê ỏng eo cái toa-let kinh dị, ở chen chúc, tối tăm... Đến khi gặp được người Hà Nội 00 thì lại bảo người Hà Nội giờ sao lắm người giàu thế!!!
Vật đổi sao rời. Hà Nội trải qua bao nhiêu thăng trầm. Cùng với thời gian, những thanh lịch, lãng mạn, những tối tăm, những xưa cũ, những đổi thay, hạnh phúc và khổ đau, những bon chen và những toan tính cơm áo gạo tiền… tất cả đã góp phần tạo nên một Hà Nội hiện đại mà vẫn phảng phất nét đẹp “ngàn năm văn hiến” rất riêng.