Theo tường thuật của một trong ba tài xế này, công an đã buộc anh phải ghi vào biên bản làm việc theo hướng không phản đối mức phí trạm BOT, thì mới để anh đi sau hơn 4 tiếng làm việc.
Có thể thấy rằng, vì một mục đích nào đó, công an huyện Văn Lâm đã vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng luật pháp.
Đầu tiên, bộ luật tố tụng hình sự nói riêng và pháp luật hiện hành của Việt Nam nói chung quy định rất rõ rằng chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán là có quyền ký và sử dụng giấy triệu tập. Tiếp đó, người có thể bị triệu tập chỉ có thể là đối tượng có tư cách tham gia tố tụng như: bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng, v.v... Điều này có nghĩa rằng trong phạm vi hình sự, chỉ khi đã khởi tố vụ án/bị can và quyết định điều tra, thì giấy triệu tập mới có thể được dùng bởi một số cơ quan đặc biệt. Giấy triệu tập được sử dụng rất hạn chế và nghiêm ngặt là hợp lý với quyền con người về tự do đi lại, tư do thân thể, và không bị bắt giữ trái phép như đã được quy định tại Hiến pháp.
Tại đây, chúng ta có thể gần như chắc chắn 100% rằng chưa có bất kỳ quyết định điều tra hay khởi tố vụ án/bị can nào liên quan đến việc một số tài xế dùng tiền lẻ để thanh toán tại các trạm BOT. Vậy, công an huyện Văn Lâm đã sử dụng cơ sở hay căn cứ pháp luật nào để tự ý triệu tập 3 tài xế trên. Nếu muốn làm sáng tỏ hoặc tìm hiểu về một số vấn đề, công an có thể MỜI những người này (và tất nhiên họ có quyền chấp nhận hoặc từ chối lời mời này), nhưng không thể TRIỆU TẬP và ép buộc họ phải đến làm việc một cách trái pháp luật. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm Hiến pháp trắng trợn.