"Họ là những cầu thủ mới, đang làm quen với một triết lý bóng đá mới, họ chưa tốt nhưng đang tiến bộ dần lên" - HLV Troussier. Ông Troussier tin rằng đó là triết lý bóng đá phù hợp để đưa bóng đá Việt Nam đến cái đích xa hơn.
Quý vị chắc đang nghĩ: "Trời, ông đã yêu cầu cao hơn cho một thế hệ cầu thủ ít tài năng hơn". Nhưng cũng không thể phù nhận, chúng ta không thể trông chờ mãi vào phép màu của thầy Park, mọi thứ đều có chu kỳ của nó.
Với thế hệ cầu thủ tốt nhất trong tay, chúng ta đã không thể vượt qua Thái Lan ở 2 kỳ AFF Cup gần đây nhất. Xem U22 Việt Nam, tôi cũng nhớ thầy Park chứ, nhưng tôi còn nhớ Hoàng Đức, Hùng Dũng, Tiến Linh hơn. Nếu được phép lựa chọn, tôi sẽ thay người như thế này: Lê Quốc Nhật Nam à, bạn chưa được đâu, dự bị cho Hoàng Đức đi. Văn Tùng phải không, anh đá chính trận chung kết SEA Games năm ngoái, được rồi, anh cứ ở đó, tôi sẽ thay Tiến Linh vào chỗ của Thanh Nhàn. Đức Phú thì tôi sẽ thay Đỗ Hùng Dũng vào. Rồi, có thể chinh phục huy chương vàng được rồi.
Chúng ta đã vô địch 2 kỳ SEA Games liên tiếp với đội hình có một nửa là các tuyển thủ quốc gia. Chúng ta đã thỏa cơn khát vàng SEA Games kéo dài suốt mấy chục năm bằng 2 thành công liên tiếp. Nhưng các nền bóng đá trong khu vực sẽ không có HLV nào được chọn đội hình mạnh nhất dự SEA Games nữa đâu, cũng không phải ai cũng cho dừng cả giải VĐQG để đội trẻ có thời gian dự SEA Games.
Nhiều người cho rằng nước chủ nhà Campuchia đã cố gắng san bằng cách biệt trình độ với các đối thủ khi quy định năm nay không gọi thêm cầu thủ quá tuổi, các đội sẽ là U22 chứ không phải U23 như mọi năm.
Tôi nghĩ rằng đó là quyết định tích cực nhất của nước chủ nhà, nếu xét trên tiêu chí giống như ông Troussier: hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Thế là tuyển trẻ dự SEA Games của chúng ta, vốn đã dựa nhiều vào các thủ lĩnh quá tuổi, bây giờ mất luôn cả những người sinh năm 2000 như Nguyễn Hai Long, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Bình... Rồi sao nào? Chúng ta sẽ vô địch SEA Games thêm lần nữa?
Những cầu thủ thế hệ tiếp theo như Nhật Nam, Thái Sơn, Thanh Nhàn... cuối cùng họ cũng phải lớn chứ, dự SEA Games, lên tuyển quốc gia một lúc nào đó khi các đàn anh Hoàng Đức, Hùng Dũng nghỉ. Nếu nhiều người cho rằng thế hệ này ít tài năng hơn, thế thì hãy coi SEA Games lần này là một lớp đào tạo đặc biệt cho thế hệ thiệt thòi đó đi. Đây chính là thế hệ mà các giải đấu trẻ bị hủy vì C.O.V.I.D.
Chúng ta muốn có niềm vui, hay chúng ta hướng đến sự phát triển? Vừa vui vừa phát triển bền vững thì cũng hay. Nhưng đôi khi chúng ta không có quyền lựa chọn đó.
Nhìn cơn bão những lời chỉ trích U22 Việt Nam suốt những ngày qua, và sự luống cuống kỳ lạ của các cầu thủ trên sân, tôi chợt nghĩ rằng: Đối thủ lớn nhất của các cầu thủ trẻ bây giờ có khi không phải là Thái Lan hay Malaysia đâu, chính là sức ép từ các CĐV nhà đấy. Không phải chuyện đùa, khi trong nội bộ đội bóng đã có lời khích lệ rằng: "Họ nói rằng các em là một thế hệ cầu thủ bỏ đi, họ nói rằng HLV của các em không có trình độ, hãy ngẩng cao đầu bước ra sân và chứng tỏ là họ đã sai đi."
- Trích lời dẫn của BTV Quốc Khánh trong chương trình Giờ vàng thể thao (VTV1, 5/5/2023)