Vụ Sơn Trà: 'Thứ trưởng đã ký, đừng đổ cho cấp dưới tham mưu'
Giao Thông 04/06/2017 17:37 GMT+7
"Cần xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng ký văn bản đề nghị xử lý người phát ngôn về Sơn Trà", ông Lê Hồng Sơn kiến nghị.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phát biểu tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà
Đó là quan điểm được ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đưa ra khi trao đổi với Báo Giao thông về những lùm xùm xung quanh việc Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái trực tiếp ký văn bản yêu cầu
xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng . Ngay sau đó, chính ông Ái lại ký quyết định thu hồi văn bản này và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan tham mưu là Tổng cục Du lịch.
Nêu quan điểm về sự việc, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, trách nhiệm trước hết phải là của người trực tiếp ký văn bản, đừng đổ lỗi cho tham mưu. “Tham mưu đề nghị, đưa toàn bộ thông tin chuẩn bị cho anh quyết định, anh phải thảo luận, cân nhắc, xem xét nội dung có phù hợp hay không rồi hãy ký. Và đã ký thì phải chịu trách nhiệm chứ không đổ cho tham mưu được, đương nhiên tham mưu có lỗi vì tham mưu không chuẩn, khiến thủ trưởng ban hành văn bản không phù hợp phải thu hồi. Nhưng mà trách nhiệm đầu tiên phải là của người ký văn bản”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng cho rằng, việc này khiến dư luận dễ nghĩ đến hiện tượng cơ quan quản lý đang cố bảo vệ cho lợi ích nào đó.
Bởi trong sự việc liên quan đến Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến đa chiều, vậy mà khi lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu ý kiến, thì Bộ VH-TT&DL lại lập tức có văn bản yêu cầu xử lý, trong khi không chỉ ra được ông Vinh đã sai ở chỗ nào.
Hiệp hội tham gia tọa đàm, họ có quyền nói lên tiếng nói của mình. Dù thế nào, Bộ cần cân nhắc, xem xét cho thấu đáo chứ không phải vội vàng ra một quyết định yêu cầu xử lý. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu ý kiến trên quan điểm yêu cầu hoạt động và tính chất của người ta, và tiếng nói ấy đáng ra Bộ phải xem xét, thậm chí Thủ tướng cũng phải xem xét.
“Khi đang thảo luận dân chủ, cần tiếng nói đa chiều để Phó Thủ tướng xem xét thì lãnh đạo Bộ VH-TT&DL lại dùng biện pháp hành chính nhằm “cả vú lấp miệng em", gần như dùng văn bản hành chính để trấn áp”, ông Sơn phân tích và nhấn mạnh, phải xem xét trách nhiệm của ông Huỳnh Vĩnh Ái. “Lãnh đạo phải có đủ trình độ, bản lĩnh, tư chất để ký văn bản, không phải ký linh tinh, thu hồi rồi phê bình cấp dưới”, ông Sơn nói.
Cũng từ sự việc này, ông Sơn nhắc lại vụ lùm xùm “cấp phép quốc ca” của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương.
“Những sự việc này cho thấy quá trình xem xét việc ban hành văn bản, xác lập cơ chế quản lý của Bộ này có rất nhiều vấn đề, ngay cả với các Thứ trưởng cũng thế, trình độ chuyên môn tôi không nói, nhưng trình độ quản lý có vấn đề rất lớn”, ông Sơn đánh giá và cho rằng, sự việc đến mức buộc Thủ tướng phải gọi điện cho thôi chức, đương sự không từ chức, Bộ cũng không chủ động xử lý vụ việc là một động thái khiến dư luận “không thể chấp nhận được”.
Trước đó, trong một tọa đàm cho ý kiến về “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng) đã nêu quan điểm: “Nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm như vậy bên cạnh một TP hiện đại của Đà Nẵng thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam. Nó sẽ làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế-xã hội của Đà Nẵng nói chung chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của”. Ông Vinh đưa ra nhiều lý do để bảo tồn Sơn Trà và phân tích những bất hợp lý trong quy hoạch khu du lịch này.
Sau đó, ngày 2/6, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu Hiệp hội xem xét, có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ VH-TT&DL trước ngày 15/6/2017 để Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền.
Công văn cho biết, tại tọa đàm ngày 30/5, dù đã được người chủ trì nhắc nhở nên cân nhắc kỹ lưỡng nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu những nội dung thiếu chính xác.
Cụ thể, theo Công văn 2383, ông Vinh đã phát biểu: “Quy hoạch này vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (điểm 2, điều 4 rừng đặc dụng), Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (điều 8,9,21,2 khoản 2 và điều 72), Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo năm 2015 (điều 16)…
“Phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề”, Công văn kết luận và đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xem xét, xử lý.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, chính Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái lại ký một văn bản thu hồi lại văn bản đã ban hành vì cho rằng có một số nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm. Đáng lưu ý, Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản và báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 5/6.
Anh Thư