Chúng tôi: nhân chứng Tuol Sleng
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứng
TT - Ngày 7-1-1979, Campuchia giải phóng. Nhà báo Đinh Phong cùng các nhà báo VN có mặt ở Phnom Penh và nhà tù Tuol Sleng. Ông là một trong những nhà báo VN đầu tiên vào Tuol Sleng để thực hiện những thước phim về tội ác của Pol Pot tại nhà tù này.
Tháng 2-2009, phiên tòa xét xử tội ác Khơme Đỏ bắt đầu mở ra. Nhà báo Đinh Phong cùng đồng nghiệp được mời trở lại nơi mình đã ghi những thước phim quý được sử dụng làm bằng chứng của tội ác Khơme Đỏ. Trở lại “cánh đồng chết”, ông gặp lại những con người - nhân chứng của Tuol Sleng.
Hai anh em Norng Chan Phal (trái) và Norng Chan Li được bộ đội tình nguyện VN phát hiện còn sống tại nhà tù Tuol Sleng tháng 1-1979. - Ảnh tư liệu của HTV
Nhà báo Đinh Phong (trái), nhà quay phim Hồ Văn Tây (phải) và ba cha con Norng Chan Phal trước Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng tháng 2-2009 - Ảnh tư liệu N.C.T.
Chúng tôi trở lại Campuchia vào tháng 2-2009, khi Tòa án đặc biệt của Campuchia mở phiên tòa thẩm vấn Duch (tên thật là Kaing Guek Eav) - nguyên lãnh đạo nhà tù Tuol Sleng thời Pol Pot cầm quyền ở Campuchia (1975-1979). Chúng tôi đã nhiều lần trở lại Campuchia sau năm 1979, song lần này là lần đặc biệt nhất, bởi chúng tôi đến đó để làm một việc liên quan đến câu chuyện của “cánh đồng chết” 30 năm trước: làm nhân chứng của những thước phim lịch sử.
Các em bé Campuchia được bộ đội tình nguyện VN và bộ đội Campuchia cứu khỏi nhà tù Tuol Sleng tháng 1-1979 - Ảnh tư liệu của HTV
Gặp lại 30 năm
Điều làm chúng tôi xúc động là khi vừa bước xuống xe ở Phnom Penh đã gặp ngay một trong bốn em bé đã được bộ đội tình nguyện VN và bộ đội Campuchia cứu sống từ nhà tù Tuol Sleng đầu tháng 1-1979. Đó là Norng Chan Phal - em bé lớn tuổi nhất trong bốn em còn sống khi chúng tôi vào Tuol Sleng. Đã 30 năm qua song tôi vẫn cứ nhớ mãi hình ảnh căn bếp chật hẹp ở nhà tù Tuol Sleng ngày ấy khi chúng tôi vào, giữa đống quần áo cũ là bốn đứa trẻ từ 5-9 tuổi trên người không có mảnh áo quần, cọ quậy rất yếu như đám chuột con thoi thóp. Các bé bị muỗi đốt, toàn thân tím bầm và đói lả. Gần đó một em bé chừng 2-3 tuổi bị muỗi đốt đầy mình đã chết lạnh ngắt, thi thể em nằm bên cạnh các luống rau đã trụi lá.
Bây giờ gặp lại Phal, chúng tôi mừng vô hạn. Phal cùng hai con nhỏ đứng đợi chúng tôi ở cổng Trung tâm Tư liệu Campuchia. Em đề nghị tôi đưa em trở lại nhà tù Tuol Sleng, giúp em tìm lại dấu vết ngày nào, đặc biệt là tìm hình ảnh của cha mẹ em đã bị Duch giết hại. Dù đã 30 năm đi qua từ khi chế độ Pol Pot sụp đổ vào ngày 7-1-1979, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đến nay vết thương “cánh đồng chết” vẫn còn đau đáu trong nhiều người dân xứ chùa tháp như em.
Tòa án đặc biệt quyết định đưa Duch ra thẩm vấn ngày 17 và 18-2-2009. Duch là một trong những lãnh đạo của chế độ diệt chủng cùng với Pol Pot, Ta Mok, Son Sen… (đã chết) và Khieu Samphan, Ieng Sary… (đang bị giam tại Phnom Penh). Để việc xét xử theo đúng luật pháp, tòa án đã chuẩn bị các bằng chứng và kêu gọi những người đã bị chế độ Pol Pot hành hạ trước đây ra làm nhân chứng.
Đã ba thập niên trôi qua, một số người cầm đầu chế độ Pol Pot đã chết, nhiều nạn nhân của nạn diệt chủng cũng đã qua đời, những người còn sống thì đang sống vất vả khắp đất nước vì chưa có chính sách đền bù thỏa đáng do chưa có phán quyết của tòa án. Họ thiếu thông tin nên không biết việc tòa án đặc biệt kêu gọi ra làm nhân chứng, chỉ có ít người biết tin nộp đơn làm chứng thì lại chậm trễ hoặc ít hiểu biết pháp luật.
Bằng chứng cụ thể mà tòa án đưa ra là những thước phim do chúng tôi - những phóng viên VN - ghi được khi cùng bộ đội tình nguyện VN tiến vào giải phóng Phnom Penh và đến nhà tù Tuol Sleng. Với sự giúp đỡ của Đài truyền hình TP.HCM, tòa án đã có được những thước phim ghi tội ác của lực lượng Pol Pot gây ra ở nhà tù Tuol Sleng, ở các “cánh đồng chết” trên khắp các tỉnh thành Campuchia, những hình ảnh và phát biểu của nhiều nạn nhân chế độ Pol Pot.
Những thước phim nhựa 16 ly đen trắng do Đài truyền hình TP.HCM cung cấp là bằng chứng rõ ràng và sinh động nhất về nhà tù Tuol Sleng mà chúng tôi ghi được, vì sau đó nhà tù được dọn dẹp sạch sẽ do các xác chết bị thối rữa, tan rã.
Cuộc họp báo
Từ trái sang: nhà quay phim Hồ Văn Tây, người phiên dịch và nhà báo Đinh Phong tại cuộc họp báo ở Phnom Penh ngày 16-2-2009
Tòa án quyết định trưng ra trước tòa, trước mặt Duch, những thước phim do chúng tôi thực hiện ở nhà tù Tuol Sleng. Để đề phòng những người bào chữa cho Pol Pot và Duch có thể phản bác về tính xác thực của những thước phim này, tòa án phải xác nhận những thước phim đó là sự thật, do ai thực hiện vào ngày tháng nào. Trung tâm Tư liệu Campuchia đề nghị chúng tôi - những người thực hiện các thước phim này - đến Phnom Penh để xác nhận đó là những thước phim đã ghi được từ tháng 1-1979 tại nhà tù Tuol Sleng.
Thông qua Tổng lãnh sự Campuchia tại TP.HCM, trung tâm đã gửi thư mời tôi và anh Hồ Văn Tây đến Phnom Penh. Những người thực hiện cuốn phim tài liệu về nhà tù Tuol Sleng và tội ác diệt chủng của Pol Pot trên đất Campuchia ngày đó gồm có đạo diễn Phạm Khắc, tôi (biên kịch) và các nhà quay phim Hồ Văn Tây, Lê Trí, Đồng Anh Quốc, Lê Hồng Tuyết, Thái Thiện Tài, Hoàng Kha Khâm… Một số người đã mất, một số người đang bận công tác, tôi và nhà quay phim Hồ Văn Tây được mời đến Phnom Penh.
Sáng 16-2, tôi, anh Hồ Văn Tây và Norng Chan Phal được Câu lạc bộ báo chí Campuchia mời dự cuộc họp báo trước hàng trăm phóng viên Campuchia và phóng viên nước ngoài. Với tư cách là một trong những nhà báo đầu tiên cùng các bạn đồng nghiệp VN xô cửa nhà tù Tuol Sleng vào để ghi hình, chúng tôi đã kể lại diễn biến của cuộc ghi hình hôm đó và nhiều nơi khác trên đất Campuchia. Những tư liệu chúng tôi ghi được đã phát sóng trong tháng 1-1979 trên Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình VN và cung cấp để phát sóng trên một số đài quốc tế. Chúng tôi đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các nhà báo về sự thật chi tiết, về cảm xúc của chúng tôi ngày đó tại phòng họp báo và tại khách sạn…
Là những người làm phim VN đến Phnom Penh tháng 1-1979, chúng tôi xác nhận với báo chí: những thước phim trưng ra tại tòa án vào ngày 17 và 18-2-2009 là sự thật về tội ác của lực lượng Pol Pot tại nhà tù Tuol Sleng do chúng tôi thực hiện tháng 1-1979. Chúng tôi đã gặp nhà báo Seth Mydans - phóng viên báo New York Times thường trú tại Bangkok, từng là người lính Mỹ ở chiến trường Củ Chi. Ông cho biết sẽ đưa các phát biểu của chúng tôi đến các bạn đọc Mỹ.
Những thước phim đó cũng là những câu chuyện đau đáu của chúng tôi trong 30 năm qua về nỗi đau của những con người còn sót lại sau khi bị chế độ Pol Pot tận diệt đến xương tủy.
ĐINH PHONG
Kỳ 1: Những thước phim bằng chứng
TT - Ngày 7-1-1979, Campuchia giải phóng. Nhà báo Đinh Phong cùng các nhà báo VN có mặt ở Phnom Penh và nhà tù Tuol Sleng. Ông là một trong những nhà báo VN đầu tiên vào Tuol Sleng để thực hiện những thước phim về tội ác của Pol Pot tại nhà tù này.
Tháng 2-2009, phiên tòa xét xử tội ác Khơme Đỏ bắt đầu mở ra. Nhà báo Đinh Phong cùng đồng nghiệp được mời trở lại nơi mình đã ghi những thước phim quý được sử dụng làm bằng chứng của tội ác Khơme Đỏ. Trở lại “cánh đồng chết”, ông gặp lại những con người - nhân chứng của Tuol Sleng.
Hai anh em Norng Chan Phal (trái) và Norng Chan Li được bộ đội tình nguyện VN phát hiện còn sống tại nhà tù Tuol Sleng tháng 1-1979. - Ảnh tư liệu của HTV
Nhà báo Đinh Phong (trái), nhà quay phim Hồ Văn Tây (phải) và ba cha con Norng Chan Phal trước Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng tháng 2-2009 - Ảnh tư liệu N.C.T.
Chúng tôi trở lại Campuchia vào tháng 2-2009, khi Tòa án đặc biệt của Campuchia mở phiên tòa thẩm vấn Duch (tên thật là Kaing Guek Eav) - nguyên lãnh đạo nhà tù Tuol Sleng thời Pol Pot cầm quyền ở Campuchia (1975-1979). Chúng tôi đã nhiều lần trở lại Campuchia sau năm 1979, song lần này là lần đặc biệt nhất, bởi chúng tôi đến đó để làm một việc liên quan đến câu chuyện của “cánh đồng chết” 30 năm trước: làm nhân chứng của những thước phim lịch sử.
Các em bé Campuchia được bộ đội tình nguyện VN và bộ đội Campuchia cứu khỏi nhà tù Tuol Sleng tháng 1-1979 - Ảnh tư liệu của HTV
Gặp lại 30 năm
Điều làm chúng tôi xúc động là khi vừa bước xuống xe ở Phnom Penh đã gặp ngay một trong bốn em bé đã được bộ đội tình nguyện VN và bộ đội Campuchia cứu sống từ nhà tù Tuol Sleng đầu tháng 1-1979. Đó là Norng Chan Phal - em bé lớn tuổi nhất trong bốn em còn sống khi chúng tôi vào Tuol Sleng. Đã 30 năm qua song tôi vẫn cứ nhớ mãi hình ảnh căn bếp chật hẹp ở nhà tù Tuol Sleng ngày ấy khi chúng tôi vào, giữa đống quần áo cũ là bốn đứa trẻ từ 5-9 tuổi trên người không có mảnh áo quần, cọ quậy rất yếu như đám chuột con thoi thóp. Các bé bị muỗi đốt, toàn thân tím bầm và đói lả. Gần đó một em bé chừng 2-3 tuổi bị muỗi đốt đầy mình đã chết lạnh ngắt, thi thể em nằm bên cạnh các luống rau đã trụi lá.
Bây giờ gặp lại Phal, chúng tôi mừng vô hạn. Phal cùng hai con nhỏ đứng đợi chúng tôi ở cổng Trung tâm Tư liệu Campuchia. Em đề nghị tôi đưa em trở lại nhà tù Tuol Sleng, giúp em tìm lại dấu vết ngày nào, đặc biệt là tìm hình ảnh của cha mẹ em đã bị Duch giết hại. Dù đã 30 năm đi qua từ khi chế độ Pol Pot sụp đổ vào ngày 7-1-1979, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đến nay vết thương “cánh đồng chết” vẫn còn đau đáu trong nhiều người dân xứ chùa tháp như em.
Tòa án đặc biệt quyết định đưa Duch ra thẩm vấn ngày 17 và 18-2-2009. Duch là một trong những lãnh đạo của chế độ diệt chủng cùng với Pol Pot, Ta Mok, Son Sen… (đã chết) và Khieu Samphan, Ieng Sary… (đang bị giam tại Phnom Penh). Để việc xét xử theo đúng luật pháp, tòa án đã chuẩn bị các bằng chứng và kêu gọi những người đã bị chế độ Pol Pot hành hạ trước đây ra làm nhân chứng.
Đã ba thập niên trôi qua, một số người cầm đầu chế độ Pol Pot đã chết, nhiều nạn nhân của nạn diệt chủng cũng đã qua đời, những người còn sống thì đang sống vất vả khắp đất nước vì chưa có chính sách đền bù thỏa đáng do chưa có phán quyết của tòa án. Họ thiếu thông tin nên không biết việc tòa án đặc biệt kêu gọi ra làm nhân chứng, chỉ có ít người biết tin nộp đơn làm chứng thì lại chậm trễ hoặc ít hiểu biết pháp luật.
Bằng chứng cụ thể mà tòa án đưa ra là những thước phim do chúng tôi - những phóng viên VN - ghi được khi cùng bộ đội tình nguyện VN tiến vào giải phóng Phnom Penh và đến nhà tù Tuol Sleng. Với sự giúp đỡ của Đài truyền hình TP.HCM, tòa án đã có được những thước phim ghi tội ác của lực lượng Pol Pot gây ra ở nhà tù Tuol Sleng, ở các “cánh đồng chết” trên khắp các tỉnh thành Campuchia, những hình ảnh và phát biểu của nhiều nạn nhân chế độ Pol Pot.
Những thước phim nhựa 16 ly đen trắng do Đài truyền hình TP.HCM cung cấp là bằng chứng rõ ràng và sinh động nhất về nhà tù Tuol Sleng mà chúng tôi ghi được, vì sau đó nhà tù được dọn dẹp sạch sẽ do các xác chết bị thối rữa, tan rã.
Cuộc họp báo
Từ trái sang: nhà quay phim Hồ Văn Tây, người phiên dịch và nhà báo Đinh Phong tại cuộc họp báo ở Phnom Penh ngày 16-2-2009
Tòa án quyết định trưng ra trước tòa, trước mặt Duch, những thước phim do chúng tôi thực hiện ở nhà tù Tuol Sleng. Để đề phòng những người bào chữa cho Pol Pot và Duch có thể phản bác về tính xác thực của những thước phim này, tòa án phải xác nhận những thước phim đó là sự thật, do ai thực hiện vào ngày tháng nào. Trung tâm Tư liệu Campuchia đề nghị chúng tôi - những người thực hiện các thước phim này - đến Phnom Penh để xác nhận đó là những thước phim đã ghi được từ tháng 1-1979 tại nhà tù Tuol Sleng.
Thông qua Tổng lãnh sự Campuchia tại TP.HCM, trung tâm đã gửi thư mời tôi và anh Hồ Văn Tây đến Phnom Penh. Những người thực hiện cuốn phim tài liệu về nhà tù Tuol Sleng và tội ác diệt chủng của Pol Pot trên đất Campuchia ngày đó gồm có đạo diễn Phạm Khắc, tôi (biên kịch) và các nhà quay phim Hồ Văn Tây, Lê Trí, Đồng Anh Quốc, Lê Hồng Tuyết, Thái Thiện Tài, Hoàng Kha Khâm… Một số người đã mất, một số người đang bận công tác, tôi và nhà quay phim Hồ Văn Tây được mời đến Phnom Penh.
Sáng 16-2, tôi, anh Hồ Văn Tây và Norng Chan Phal được Câu lạc bộ báo chí Campuchia mời dự cuộc họp báo trước hàng trăm phóng viên Campuchia và phóng viên nước ngoài. Với tư cách là một trong những nhà báo đầu tiên cùng các bạn đồng nghiệp VN xô cửa nhà tù Tuol Sleng vào để ghi hình, chúng tôi đã kể lại diễn biến của cuộc ghi hình hôm đó và nhiều nơi khác trên đất Campuchia. Những tư liệu chúng tôi ghi được đã phát sóng trong tháng 1-1979 trên Đài truyền hình TP.HCM, Đài truyền hình VN và cung cấp để phát sóng trên một số đài quốc tế. Chúng tôi đã trả lời hàng loạt câu hỏi của các nhà báo về sự thật chi tiết, về cảm xúc của chúng tôi ngày đó tại phòng họp báo và tại khách sạn…
Là những người làm phim VN đến Phnom Penh tháng 1-1979, chúng tôi xác nhận với báo chí: những thước phim trưng ra tại tòa án vào ngày 17 và 18-2-2009 là sự thật về tội ác của lực lượng Pol Pot tại nhà tù Tuol Sleng do chúng tôi thực hiện tháng 1-1979. Chúng tôi đã gặp nhà báo Seth Mydans - phóng viên báo New York Times thường trú tại Bangkok, từng là người lính Mỹ ở chiến trường Củ Chi. Ông cho biết sẽ đưa các phát biểu của chúng tôi đến các bạn đọc Mỹ.
Những thước phim đó cũng là những câu chuyện đau đáu của chúng tôi trong 30 năm qua về nỗi đau của những con người còn sót lại sau khi bị chế độ Pol Pot tận diệt đến xương tủy.
ĐINH PHONG