Bài này từ 2014, của Phan Đăng
Đêm Hoàng Sa, "con quái vật" 981, và sứ mệnh của chúng ta
Đêm Hoàng Sa, khi con tàu lặng im sau một ngày cồn cào hoạt động, và khi nhiều người trên tàu trôi vào giấc ngủ thì tôi không ngủ được. Có thể vì tôi chưa quen sóng, chưa quen trạng thái con tàu lắc lư theo sóng, và chưa quen cả cái mùi dầu khét lẹt bốc lên từ khoang máy nữa, mà cũng có thể có quá nhiều hình ảnh, quá nhiều ý nghĩ đan chéo trong đầu óc tôi.
Đêm Hoàng Sa, tôi nghĩ lại những gì đã diễn ra ban ngày, khi nhìn rõ cái giàn khoan Hải Dương 981 hiển hiện đầy phi lý, nhìn rõ những con tàu Trung Quốc hiển hiện đầy ngang ngược trong vùng biển Việt Nam.
Đêm Hoàng Sa, tôi nghĩ về làn khói đen kịt mà những con tàu của ta nhả lại phía sau trong quá trình tăng tốc, tránh khỏi sự bám đuổi hung hãn của đối phương. Những làn khói ấy không biết nói, nhưng cái màu đen kìn kịt, đen bão bùng của nó kẹp cứng giữa màu xanh của biển và màu xanh của trời như thể hiện một sự phẫn nộ chất chồng, ngùn ngụt. Nhìn từng mảng khói đen cuồn cuộn nhả lại phía sau, nơi có tàu Trung Quốc đang theo đuổi tàu mình, tôi thấy chút ít thoả mãn, vì rốt cuộc thì những con tàu phi lý và hung hãn kia đã phải hứng chịu một luồng chất thải mà chúng đáng phải hứng chịu, nhưng sau một chút thoả mãn đó thì một câu hỏi lại nhoi nhói vang lên: Chẳng nhẽ mình chỉ có thể đánh đuổi đối phương bằng những cột khói thôi sao?
Không! Dĩ nhiên là không. Những con tàu của chúng ta và những con người của chúng ta ở nơi bập bùng bão gió kia là hiện thân của một thứ sức mạnh chính nghĩa cực kỳ to lớn. Tôi quan sát, trò chuyện nhiều với anh em chiến sĩ trên tàu CSB 4033 - con tàu chủ công trong đợt chấp pháp này, và cứ bị ám ảnh mãi bởi ánh mắt và nụ cười của chàng trai có cái tên giống hệt tên một ca sĩ: Hà Anh Tuấn.
Tuấn làm nhân viên phòng máy, năng động, nhiệt tình như một con ong chăm chỉ. Tuấn lao vào bếp nấu ăn, nhanh nhẹn và thiện nghệ như một đầu bếp có nghề. Tuấn có một ánh mắt và một nụ cười tuổi 20 trong biếc - trong như chưa từng hiển hiện sự đời. Tuấn hay nói về cô người yêu mới quen nhưng cứ phải xa nhau biền biệt, rồi nói về chuyện say sóng, nói về những ngày biển động, khiến Tuấn bị nôn tới 2-3 lần. Nghĩa là Tuấn nói về những thứ bình dị nhất, thật nhất và đời nhất. Chỉ duy nhất một lần tôi hỏi: “Hôm tàu ta bị tàu đối phương đâm trái phép, em có mặt không?” thì Tuấn trả lời là “có”. Hỏi tiếp: “Nếu điều này không may lặp lại, em sẽ làm gì?”, Tuấn bảo: “Sẽ thực hiện tới cùng công việc mà thuyền trưởng giao”. Tuấn nói những điều này một cách nhẹ nhàng hệt như khi nói về cô người yêu ở đất liền vậy, chứ tuyệt đối không lên gân, không cường điệu. Và tôi thực sự tin Tuấn, tin vào sự thành thật của tuổi 20 trong đôi mắt Tuấn, rằng “nếu điều ấy xảy ra, em sẽ thực hiện tới cùng...” - “tới cùng” một cách nhẹ nhõm và thiêng liêng!
Và từ niềm tin đặc biệt vào tuổi 20 của Tuấn tôi lại nhớ về “mãi mãi tuổi 20” của chị Đặng Thùy Trâm, nhớ về những tuổi 20 đã nằm lại trên dòng Thạch Hãn, mà nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương từng viết:
Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi 20 thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Dân tộc này đã có và rồi sẽ có lớp lớp những tuổi 20 như thế - những tuổi 20 trong biếc, bình dị và... lặng lẽ anh hùng.
Ở sân bay Đà Nẵng - nơi tôi ghé qua trong hành trình từ Hà Nội vào bán đảo Sơn Trà có một tấm bản đồ Việt Nam thật to, được đặt trang trọng ở phòng chờ máy bay. Và tôi đã thấy rất nhiều bạn tuổi 20 đã đứng trước tấm bản đồ, đồng lòng nói về... chính sự. Vẫn ở Đà Nẵng, khi biết tôi đến Tổng công ty Sông Thu để chuẩn bị lên tàu ra Hoàng Sa, cậu lái taxi đã nhất định không lấy tiền. Cậu ấy còn chủ động đưa tôi số điện thoại và hẹn: “Khi nào anh về, kể chuyện Hoàng Sa em nghe nhé”. Cậu ta cũng ở độ tuổi 20. Và tôi biết, những ngày qua, trên khắp đất nước mình luôn sục sôi một khí thế 20 - một sức sống 20 như vậy.
Tất cả nói lên rằng tuổi 20 của hôm qua, hôm nay, và ngày mai sẽ mãi mãi, luôn luôn bừng sôi huyết quản một khi chủ quyền đất nước bị xâm lăng. Có lẽ cũng nhờ những sự bừng sôi vĩnh cửu và mang tính cốt nhục, truyền thống ấy mà dân tộc ta đã không thể bị đồng hoá sau cả ngàn năm Bắc thuộc, đã không trở thành một quận huyện của một quốc gia ở cạnh mình, to lớn hơn mình.
Nhưng rồi tôi lại hỏi: Chẳng nhẽ khát vọng tuổi 20 chỉ có thể bừng sôi, và được tạo điều kiện để bừng sôi trong những thời điểm mà chủ quyền đất nước bị đe doạ thôi sao? Chẳng nhẽ cái chí khí dân tộc chỉ có thể tái sinh và hội tụ một cách khổng lồ trong những trường hợp này thôi sao? Ở những trường hợp khác, trong những khoảng thời gian yên ổn khác thì sao?
Nếu chúng ta luôn sống, làm việc và đấu tranh với tham ô tiêu cực bằng sức mạnh khổng lồ ấy, từng giờ, từng phút thì liệu có diễn ra những sự vụ như Vinashin, Vinalines, làm thất thoát không biết bao nhiêu tiền bạc của nhà nước hay không? Nếu chúng ta nuôi dưỡng nguồn sức mạnh khổng lồ ấy trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng nền kinh tế thì đất nước ta có ở nhóm các nước “đang phát triển” như bây giờ hay không? Và nếu câu trả lời là: “Không” thì đối phương liệu có dám ngang ngược chà đạp lên chủ quyền lãnh hải của ta?
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng nói với người dân Singapore một câu đại ý rằng: Chúng ta giống như một con cá nhỏ, nhưng chúng ta phải là cá độc, để không loài thuỷ quái nào dám nuốt chúng ta. Và để trở thành “con cá độc” chắc chắn sức mạnh khổng lồ của đất nước Singapore, tài trí ưu việt của nhân dân Singapore đã được huy động và bồi đắp từng ngày. Cũng như thế, ý thức tự cường của người Nhật Bản đã được từng não trạng, từng con tim Nhật Bản thẩm thấu từng ngày. Còn ở một đất nước tương đồng nhiều mặt với chúng ta như Thái Lan, tôi nhớ rõ là khi sang Thái đã thấy người Thái (ít nhất là ở thủ đô Bangkok) đã đứng lại chào cờ 2 lần một ngày, vào buổi sáng và buổi chiều, khi những chiếc loa công cộng vang lên bản quốc ca máu mủ của đất nước mình. Xin nhắc lại, họ làm điều đó 2 lần một ngày, chứ không chỉ duy nhất vào ngày thứ Hai hàng tuần...
Rõ ràng, chúng ta luôn tự hào về chí khí dân tộc và luôn bừng sôi chí khí ấy khi dân tộc đứng trước hoạ xâm lăng. Nhưng chúng ta sẽ còn tự hào hơn nữa nếu chí khí ấy được nuôi dưỡng từng ngày từng giờ, trong công cuộc đấu tranh chống lại những cái giàn khoan được hạ đặt phi pháp ở chính bộ máy của mình, những con tàu rú còi phi pháp lại trong chính guồng quay của mình.
Đêm Hoàng Sa, nằm cách giàn khoan Hải Dương 981 chừng 10 hải lý, tôi vừa thấy nhoi nhói với sự hiển hiện của nó trong vùng biển của ta, lại vừa thấy nó như một chỉ dấu, một cột mốc để từ hôm nay, chúng ta phải nhìn lại chính mình, từ đó xác định một khí thế mới, một tâm thế mới cho mình trong công cuộc xây dựng (chứ không chỉ là bảo vệ) đất nước.
Đêm Hoàng Sa, tôi nghĩ về những tiền nhân trong lịch sử và ngừng lại thật lâu ở một cái tên: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn - người sau này trở thành vua Lê Đại Hành, ông vua đầu tiên của triều tiền Lê. Tại sao ư? Tại vì không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò đánh giặc cứu nước như rất nhiều những vị minh quân khác, Lê Đại Hành còn là ông vua đầu tiên khoác áo long bào xuống ruộng cày với nông dân, mở ra lễ hội Tịch Điền, cắm cột mốc đầu tiên trong lịch sử phát triển nền nông nghiệp cổ điển Việt Nam. Trong lịch sử của ta, hình như không có nhiều vị minh chủ vừa giỏi đánh giặc lại vừa giỏi xây dựng nền kinh tế, và có khả năng huy động tài trí nhân dân, khí thế nhân dân để xây dựng một nền kinh tế vững bền như vậy?
Mà có một sự trùng hợp ngẫu nhiên (hay định mệnh?) khi vua Lê đã đánh bại sự hống hách của nhà Tống vào đúng năm 981, với một trận quyết chiến chiến lược vào một ngày tháng 4 trên sông Bạch Đằng. Ôi, con số 981 - hoá ra nó là cột mốc tự hào của ta, và cũng là cột mốc gắn liền với thất bại ê chề của giấc mộng bá quyền phương Bắc.
Đêm Hoàng Sa, tôi nghĩ về cột mốc 981 của vua Lê thủa xa xưa, nghĩ về giàn khoan 981 của người bạn láng giềng trong hiện tại, và tin rằng con số ấy rồi sẽ nhắc nhở chúng ta nhiều điều.
Đêm Hoàng Sa, biển lặng. Tôi nghe trong sóng biển tiếng cựa quậy rầm rì của xương thịt tiền nhân!
Phan Đăng
(TB: 2014, tôi nằm trong nhóm phóng viên Việt Nam đầu tiên bí mật ra Hoàng Sa, chứng kiến cảnh sát biển Việt Nam đấu tranh với giàn khoan 981 của thế lực phương Bắc, và tôi viết bài này cho An Ninh Thế Giới. Hôm nay sống mũi cay cay mà nhớ lại bài này)