Còn phố cổ nhà các cụ đây.
Theo lời kể của một phụ nữ đã sống trong những năm 80 của thế kỷ XIX, thì: “Trừ các đường ở phố Khach (tức phố Mã Mây ngày nay - TG), ở giữa có một phần lát gạch, còn các đường khác đều bằng đất nện, đầy bùn và rác do cư dân hai bên đường và khách qua lại vứt ra mà không ai nghĩ đến việc quét dọn cả! Khi trời mưa, những con đường trở nên lầy lội, ở một số con đường, người ta phải xếp một hàng gạch nối nhau để người đi đường có chỗ đặt chân. Không có cống rãnh thoát nước, nước đọng lại khắp nơi, mùa viêm nhiệt mùi hôi thối bốc lên kinh khủng. Không cần nói cũng biết rằng những con đường đó là nguồn ổ dịch bệnh, các bệnh đậu mùa, thổ tả và sốt rét tàn hại hàng năm…” (2).
Một người Pháp, bác sĩ Hocquard cũng có những quan sát tương tự: “Trong những khu phố giàu có, như phố Cờ Đen (tức phố Mã Mây ngày nay) của người Hoa (…) đường phố giữ gìn tử tế và có những ngôi nhà đẹp hai bên. Đường gồ sống trâu, lát đá tảng, hai bên có hai rãnh hẹp và sâu để dẫn nước mưa và nước thải xuống cống” (3). Qua đó ta có thể suy luận rằng người Trung Hoa đã có một quy tắc xây dựng đô thị từ lâu đời, nên phố xá của họ đỡ bị ô nhiễm hơn, còn thành thị của người Việt vốn chỉ là một ngôi làng lớn (Kẻ Chợ) nên không có một quy hoạch nào hết. Hãy xem thêm lời kể của nhân chứng nói trên: “Nhà cửa được xây dựng tuỳ theo ý thức của chủ nhà. Nó không theo một khuôn mẫu nào, không có một trật tự nào, nhiều nhà nhô ra đường. Mỗi nhà có một mái hiên bằng tre đan nhô ra, khiến lối đi của khách qua đường càng hẹp lại. Nếu một đám chảy xảy ra ở bên ngoài nhà thì chỉ có cách là chạy theo lối sau hay nhảy xuống ao hồ. Tôi có thể chỉ cho thấy ở sân trong một số ngôi nhà cổ những bể chứa nước phòng khi hoả hoạn” (4). Còn một điều chúng ta chưa thể biết được là thời đó rác rưởi sinh hoạt ngoài việc ném ra đường còn có nơi chứa nào khác không, và việc thu don rác trong thành phố do ai đảm nhiệm. Không thấy có một tài liệu nào ghi cả.
Còn quang cảnh quanh Hồ Gươm thơ mộng ngày nay theo lời kể của một người Pháp cuối thế kỷ XIX thì: “Các túp lều của dân bản xứ san sát nhau bên bờ hồ đến nỗi để xuống được hồ, sau khi rời những con đường, mặc dù khá bẩn nhưng vẫn đi được, người ta phải len lỏi qua những ngõ chật hẹp men theo hàng ngàn khúc quẹo quanh những ngôi nhà lá lụp xụp phía trong chen chúc đám dân cư khốn khổ, phải nhảy qua những vũng nước hôi thối và những đống rác” (5).